Lễ chùa đầu năm…
Lắng đọng người dân Thủ đô đi lễ chùa đầu năm mới |
Mỗi dịp xuân mới, cứ ngay sau giờ phút đón giao thừa, người người nhà nhà lại náo nức lên chùa để thắp hương đầu năm mới để cầu an, cầu tài, cầu lộc. Bởi nhiều người tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; Người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Đất Hà thành từ xưa tới nay, không chỉ là Thủ đô với nhiều dịch vụ hiện đại, trung tâm du lịch với nhiều di tích… mà nơi đây còn là một mảnh đất tâm linh với rất nhiều ngôi chùa, đình, đền cổ kính. Văn hóa thờ cúng tổ tiên cũng được duy trì bên vững suốt bao năm qua trên mảnh đất linh thiêng này.
Chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Hương, chùa Hà, phủ Tây Hồ, đền Ngọc Sơn… và vô vàn địa điểm linh thiêng nối tiếng khác, đã góp một phần không nhỏ tô điểm cho Thủ đô của chúng ta. Điều này được tạo nên cũng chính vì văn hóa lễ chùa, lễ Phật của người Hà thành gìn giữ suốt bao đời nay.
Lễ chùa đầu năm - một nét phong tục đầy tính văn hóa (Ảnh minh họa) |
Cửa chùa đất Phật là chốn bình yên, thanh tịnh. Với mong muốn tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong những may mắn, hạnh phúc trong năm mới, vào đêm 30, sau khoảnh khắc giao thừa vừa đến hoặc sang năm mới, mọi người lại rủ nhau đi lễ chùa, hái lộc cầu may.
Trước đây, nhiều người hay có thói quen hái lộc, ngắt lá bẻ cành non khi lên chùa, hành động này từng có thời gian gây tranh cãi, nhận nhiều ý kiến trái chiều. Điều này vừa gây mất mỹ quan thiên nhiên, ảnh hướng tới môi trường... nhưng nhiều năm đổ lại đây, thay vì thói quen xấu này, người ta đã có ý thức hơn và nhận ra rằng, xin lộc, cầu may có rất nhều cách khác nhau. Thay vì hái cành bẻ hoa, có thể xin chữ hay xin chữ ông đồ hay xin miếng dán Linh Phù từ các Phật Tử…
Khi lên chùa, đến với chốn linh thiêng, cần ăn mặc lịch sự và kín đáo, đó cũng chính là lý do nhiều năm nay, người phụ nữ Hà Nội thường lựa chọn áo dài khi đi cầu may. Vừa lịch sự, vừa kín đáo, thanh lịch lại không kém phần đẹp mắt và tô đậm văn hóa trang phục Việt, áo dài luôn trở thành trang phục ấn tượng và phù hợp hơn bao giờ hết.
Nhiều người chia sẻ rằng việc lên chùa cúng Phật, cầu an này khiến họ cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, an lạc và bình an, thư thái sau một năm làm việc vất vả với nhiều bộn bề, lo toan trong cuộc sống. Đầu năm đi lễ chùa là thời khắc để họ kiểm điểm lại bản thân, bình tâm nhìn lại một năm đã qua và định hướng cho bản thân trong năm tới.
Đối với các bạn trẻ, đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình mà còn là dịp thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân và hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc.
Đối với mỗi người dân Việt, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, hương trầm lan tỏa hòa cùng sắc màu của đèn hoa, mới thấy lòng mình lắng lại, thanh thản và nhẹ nhàng hơn.
Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mà còn là dịp để bà con trao truyền lại những giá trị truyền thống tốt đẹp trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc cho các thế hệ mai sau.