Kỳ 2: Trung tâm Cô Đỗ "biến” thực phẩm thành “thần dược”
Bài liên quan
Kỳ 1: Trung tâm Cô Đỗ bán “thần dược” chưa được cấp phép?
Ở kỳ trước, Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin về việc độc giả phản ánh Trung tâm Cô Đỗ đã lập ra rất nhiều website, fanpage để bán các loại “thuốc” đông y “rởm” cho khách hàng.
Theo phản ánh, trung tâm này đã tung ra hàng loạt sản phẩm như: Đại Bổ Sâm Codo; Mỹ Diện Hoàn; viên uống trị nám codo… Các sản phẩm này được quảng cáo có khả năng giảm các khối u lành tính trong tử cung, giảm đau bụng kinh, có thể điều trị được nám, hỗ trợ tăng cân, giúp bổ huyết, đẹp da...
Trên vỏ hộp của các sản phẩm còn ghi rõ thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là thuốc hoặc một sản phẩm hỗ trợ sức khỏe.
Để thông tin khách quan, PV Tuổi trẻ Thủ đô đã có buổi làm việc với ông Ngô Văn Quân (Phó Giám đốc Trung tâm Cô Đỗ). Ông Quân khẳng định: “Các sản phẩm bên tôi là thực phẩm thường nên doanh nghiệp tự công bố. Còn sản phẩm viên uống trị nám thì chúng tôi đã ngừng sản xuất 4 tháng rồi, một số đại lý vẫn tồn hàng nên bán thôi.”
Khi PV thắc mắc về việc thực phẩm thường nhưng tại sao lại được quảng cáo và các đại lý lại khẳng định là thuốc thì ông Quân cho biết: Thực ra do mỗi người gọi theo một kiểu, giờ đông y thì không biết gọi kiểu gì. Còn website https://trinamcodo.com/ không phải là web của công ty. Trang web chính thức của Công ty đang được nâng cấp(?).
Cũng theo ông Quân, Trung tâm Cô Đỗ có số đăng ký: 16C8003620, trụ sở chính tại tổ 6, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Bà Đỗ Thị Lan Hương là người sáng lập.
Nhằm cảnh báo tới người tiêu dùng về dấu hiệu vi phạm của cơ sở này, PV đã tham vấn ý kiến luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Giám đốc Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam).
“Nếu nhãn mác và bao bì của hai sản phẩm ghi như vậy (sản phẩm Đại Bổ Sâm Codo và Mỹ Diện Hoàn là thực phẩm thường nhưng quy cách đóng gói là dạng viên hoàn và nhãn mác ghi là: Thảo mộc hỗ trợ tăng cân, cân bằng nội tiết tố -PV) đã vi phạm luật. Ta có thể hiểu theo 2 hướng, một là sp mà ghi công dụng như thực phẩm chức năng nhưng không có giấy tờ công bố; hai là sản phẩm đã vi phạm về việc ghi nhãn mác bao bì. Đối với hành vi này các sản phẩm có thể bị thu hồi” – Luật sư Hùng nhận định.
Được biết, để công bố thực phẩm thường chỉ cần doanh nghiệp có: Giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thực phẩm; Nhãn sản phẩm; Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất hoặc đóng gói (Nếu sản xuất ở 1 cơ sở khác thì cần có thêm hợp đồng gia công); Chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm có hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương; Mẫu sản phẩm hoàn chỉnh để kiểm nghiệm; Thông tin chi tiết về sản phẩm... thực phẩm thường thì chỉ là sản phẩm ăn, uống, bổ sung các chất vào cơ thể theo cách thông thường như ăn cơm, bánh, kẹo… hàng ngày và không có công dụng đặc biệt không chỉ định riêng cho đối tượng nào.