Kỳ 17: Phương pháp để có tâm an lạc - Thiền tập trung
Kỳ 15: Chiều con quá sẽ khiến chúng mất khả năng cảm nhận được hạnh phúc Kỳ 14: Điều cha mẹ thực sự cần khi về già không phải là thành công của con cái mà là sự quan tâm |
Thế giới hiện đại cần thiền vì sự căng thẳng của công việc, các mối quan hệ... |
Tôi muốn chia sẻ với các bạn cách để có được tâm an lạc trên kinh nghiệm của một người thực hành Phật pháp và thiền theo truyền thừa Drukpa. Tôi sẽ trình bày về cách chúng tôi thực hành thiền thế nào trong các tu viện và nó có chút khác biệt so với cách tiếp cận bên ngoài. Thế giới hiện đại cần thiền vì sự căng thẳng của công việc, các mối quan hệ... Tuy nhiên, giảm căng thẳng chỉ là một trong những tác dụng của thiền. Vậy mục đích của thiền là gì?
Đức Phật nói rằng bạn sẽ trở thành và là những gì mình nghĩ. Theo quan điểm Phật giáo, thiền đầu tiên là làm tâm trở nên tĩnh lặng và thư giãn như đa số mọi người biết. Bước tiếp theo sau khi đã tĩnh tâm là hiểu được tâm và sự vận hành của nó, biết cách chuyển hóa tâm để chuyển hóa cuộc sống. Điều này rất quan trọng vì mọi hành động hay lời nói của chúng ta đều bắt nguồn từ tâm.
Đầu tiên tôi muốn giới thiệu về thiền tập trung. Có nhiều phương pháp để thiền tập trung như thiền theo dõi hơi thở hay thiền tập trung vào thân thể. Mục tiêu của nó là đưa tâm trí về với thực tại và tập trung vào một điểm. Điểm tập trung có thể là bất kỳ thứ gì, ví dụ ta có thể tập trung vào cơ thể của mình hoặc vào hơi thở.
Bước đầu của thiền là đưa tâm trí về thực tại và phát triển sự tập trung. Điều này rất cần thiết khi mới bắt đầu tiếp cận thiền. Ở thời hiện đại, người ta thường nói đến hiệu quả của thiền tập trung trong việc làm tâm tĩnh lặng, thư giãn và giảm căng thẳng. Tôi sẽ giải thích ở phần sau tại sao nó lại hiệu quả dựa trên hiểu biết và kinh nghiệm của mình. Tuy nhiên, nếu ta chỉ dừng lại ở việc tập trung tâm trí vào hiện tại và thư giãn thì sẽ không có nhiều sự chuyển hóa trong cuộc sống. Khi thực hành thiền tập trung, chúng ta sẽ cảm nhận được sự bình yên, an lạc. Sau đó, hết thời khóa thiền, các vấn đề vẫn tồn tại như trước.
Chúng ta vẫn là những người như trước, hoàn cảnh vẫn vậy và không có nhiều thay đổi. Thiền định theo phương thức này cũng là một hình thức trốn tránh các vấn đề. Ví dụ như khi gặp những việc không như ý, chúng ta đi ra quán bar, uống vài ly rượu để giải tỏa. Kết quả là ta bị say và trong khoảng thời gian say sưa, ta trốn tránh khỏi các vấn đề. Sáng hôm sau, khi ta tỉnh lại thì các vấn đề cũ còn nguyên đó cộng thêm một vấn đề mới phát sinh là cảm giác chếnh choáng sau khi uống say.
Thực hành thiền để tĩnh tâm là một sự khởi đầu tốt tuy nhiên chưa đủ. Chúng ta cần phải thực hành sâu hơn để hiểu về tâm, biết cách chuyển hóa nó và hiểu biết cách tâm thức của chúng ta tương tác với thế giới và cách chúng ta tương tác với nhau.
Bước tiếp theo trong thiền không phải để tĩnh tâm hay không suy nghĩ gì mà lại cần suy tư và quán chiếu rất nhiều. Sự quán chiếu này không nên có những đánh giá trên quan điểm cá nhân hay của người khác mà là để hiểu tâm thức như nó vốn có. Hiểu cách tâm thức vận hành sẽ khiến ta có thể chuyển hóa cách suy nghĩ và nhìn nhận thế giới.
Tại sao khi thực hành thiền tập trung chúng ta lại đạt được sự tĩnh tâm và an lạc? Lý do là khi tập trung vào hơi thở, tâm trí chúng ta sẽ trở về với thực tại. Tại sao tâm ở thực tại mang lại sự an lạc? Bình thường, đầu óc ta sẽ luôn thu thập các trải nghiệm quá khứ, không chỉ như xem những cuốn phim chiếu lại mà việc này có những ảnh hưởng nhất định tới tâm thức của ta.
Nếu những hồi tưởng này là những điều đẹp đẽ thì ta sẽ có cảm giác khát khao, mong nhớ. Nếu là những kỷ niệm đau buồn thì chúng sẽ khơi lại cảm xúc đau đớn. Quá khứ đã qua còn tương lai bất định vẫn chưa tới.
Nếu nhìn lại khi 10 hay 15 tuổi thì ta sẽ thấy cuộc đời hiện nay không có gì giống như cách mình tưởng tượng ở lứa tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, chúng ta luôn níu giữ quá khứ và điều này đôi khi gây ra nhiều đau đớn. Ví dụ, sáng nay có người nói những lời làm tổn thương chúng ta và giờ đây ta vẫn thấy đau đớn khi nhớ lại. Sự việc buổi sáng chỉ xảy ra trong ba phút. Thường ít ai có thể mắng mỏ liên tục người khác hàng giờ, trừ khi người đó tâm thần không bình thường và như thế thì chúng ta cũng không cần phải quan tâm.
Tuy nhiên, tâm trí chúng ta hồi tưởng lặp đi lặp lại nhiều tiếng đồng hồ, nhiều tuần, nhiều tháng thậm chí nhiều năm một sự việc diễn ra trong có vài phút và nỗi đau vẫn còn đó. Lúc này, nỗi đau không xuất phát từ người nói ra những lời tổn thương. Người đó có khi cũng đã qua đời. Do không thể buông bỏ và luôn vướng mắc với quá khứ nên ta vẫn còn trải nghiệm đau đớn.
Tương tự, nhiều lúc chúng ta quá đắm chìm trong tưởng tượng về tương lai. Ta hình dung ra nhiều điều tồi tệ có thể xảy ra hoặc không xảy ra khiến hy vọng và sợ hãi khởi lên. Chúng ta suy nghĩ quá nhiều rồi trở nên lo lắng về những sự việc có thể chẳng bao giờ diễn ra. Vậy có gì sai khi nghĩ và mơ về tương lai?
Tôi không nói việc này đúng hay sai mà thực tế là khi chìm đắm trong mơ tưởng về tương lai, ta sẽ trở nên lo âu và quên mất hiện tại. Chúng ta nói về cách hưởng thụ cuộc sống và làm sao để hạnh phúc. Cuộc đời không bắt đầu vào ngày mai mà ngay tại đây, tại giờ phút này. Hiện tại khi ta có sức khỏe, gia đình... liệu ta có thấy hạnh phúc.
Khi thực hành thiền hơi thở, lúc tập trung vào hơi thở ra và thở vào, tâm trí của chúng ta sẽ tự động trở về thực tại. Nếu hỏi là chúng ta thở bao nhiêu lần trong một khoảng thời gian nhất định thì chắc không ai có câu trả lời bởi chúng ta thường không ý thức được điều này. Sự tỉnh giác đưa tâm trí trở về trạng thái không suy tưởng tới quá khứ và tương lai khi chúng ta tập trung vào hơi thở.
Một vị thầy khi được hỏi rằng: “Điều gì khiến Ngài thấy bối rối nhất trên thế gian này?”, ông đã trả lời: “Chính là con người vì họ hi sinh sức khỏe để tích lũy tài sản, rồi sau đó họ lại tiêu tốn tài sản của mình để mong lấy lại sức khỏe. Họ sống như là sẽ không bao giờ chết và họ chết như chưa từng sống”.
Khi nói con người chết như chưa từng sống, ý của vị thầy là chúng ta quá bận rộn suy nghĩ về quá khứ và tương lai nên quên mất hiện tại. Quên không nhận ra niềm vui trong các mối quan hệ gia đình và bạn bè. Trạng thái an lạc có được lúc thực hành thiền tập trung là do tâm trí tự động chuyển về trạng thái trung tính, khi không có hy vọng và sợ hãi. Chúng ta không thể vừa giận dữ và vừa hạnh phúc cùng lúc.
Phương pháp thiền này của Phật giáo đưa tâm về điểm trung tính, thoát khỏi mọi trạng thái cảm xúc. Đây cũng là một lý do khiến tôi thích thú với các giáo lý và thực hành Phật pháp. Dù tôi sinh ra ở nơi có truyền thống Phật giáo khá bảo thủ và các nghi thức Phật giáo trông có vẻ phức tạp song mục đích rốt ráo của tất cả giáo lý, nghi thức này là để điều phục, hiểu biết và chuyển hóa tâm.
Do hiểu được điều này nên mỗi khi giận dữ tôi thường tự bảo mình rằng sự giận dữ khiến tôi không hạnh phúc và tại sao tôi lại làm mình không hạnh phúc. Tôi không muốn đau khổ, tôi không muốn giận dữ. Nếu có ai tạo ra hoàn cảnh khiến ta có thể khởi lên sự giận dữ thì ta hoàn toàn có thể tách mình khỏi hoàn cảnh đó vì giận dữ không giải quyết được gì. Toàn bộ giáo pháp của Đức Phật là để chuyển hóa sân giận, căm ghét, ghen tỵ và niềm vui sẽ tự động xuất hiện khi ta chuyển hóa được các cảm xúc tiêu cực nói trên.
Vì muốn hạnh phúc nên tôi rất quan tâm và thích thú thực hành Phật pháp. Khi thực hành thiền hơi thở, tâm chúng ta sẽ ở trạng thái trung tính không có hy vọng và sợ hãi. Thông thường, chúng ta hay bị rơi vào hai thái cực hy vọng và sợ hãi này khiến tâm không bao giờ thực sự nghỉ ngơi. Giả sử chúng ta đi làm về và nằm trên giường.
Thân thể chúng ta có thể tạm thư giãn song đầu óc chúng ta liên tục hoạt động với đủ các suy nghĩ. Thậm chí ngay cả khi đi nghỉ mát, chúng ta cũng luôn lo lắng liệu mình có tới sân bay đúng giờ, có kiếm được khách sạn dịch vụ tốt với phòng nhìn ra biển và thời tiết liệu có đẹp không. Như vậy, hy vọng và sợ hãi lúc nào cũng thường trực và tâm không khi nào được thư giãn.
Khi thực hành thiền hơi thở, tâm thức chúng ta sẽ ở trạng thái trung tính và được nghỉ ngơi trong trạng thái này. Đây là lý do mà thiền tập trung cụ thể là phương pháp thiền hơi thở khiến bạn cảm thấy thư giãn, giảm căng thẳng và bình an.