Khéo léo với "chuyện khó nói" ngày nắng nóng
Ứng xử mùa nắng nóng sao cho "mát người, mát dạ" |
Chuyện khó xử ngày hè
Giờ cao điểm, trên chuyến xe bus số 2 chạy từ bến xe Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội đến bến xe Bác Cổ, hành khách đứng chật chỗ. Một thanh niên mồ hôi đầm đìa bước lên khiến nhiều người nhăn mũi qua lớp khẩu trang. Một số người chóng mặt, buồn nôn như say xe. Đến điểm dừng tiếp theo, số khách trên chuyến xe xuống đến hơn một nửa. Số còn lại thì luôn kéo cao khẩu trang, khịt mũi, tỏ vẻ khó chịu.
Cậu thanh niên ngượng đỏ mặt, cũng xuống ngay ở điểm tiếp theo và lên một chiếc xe ôm đi tiếp, để lại trên xe không ít lời xì xèo, bàn tán. Người thì bảo “Gớm cái mùi cháy cánh”, người thì phàn nàn: “Nếu biết mình “nặng mùi” thì đi xe ôm ngay từ đầu có phải đỡ khổ bao nhiêu người không”…
Vì "chuyện tế nhị" này, lẽ ra, trước khi tham gia những phương tiện giao thông hay không gian đông người, nơi công cộng như xe bus, tàu điện trên cao, phòng họp... vào mùa nắng nóng, hành khách càng nên cẩn thận kiểm tra “mùi cơ thể”. Bởi ở một không gian hẹp, kín, điều hòa chạy suốt ngày những “mùi khó chịu” dễ gây phản ứng không đáng có cho người khác.
Trong không gian chật hẹp như thế này mùi cơ thể của bạn sẽ khiến người khác phải khó chịu (Ảnh minh họa) |
Chị Quỳnh Anh (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa tan cuộc họp công ty, vội vàng bước ra khỏi phòng, chạy tới cửa sổ thoáng khí vừa thở hổn hển vừa hít hà khí trời. Chị kể rằng: “Ra đến đây tôi mới hoàn hồn. Ở trong phòng họp, tôi ngồi gần một đồng nghiệp bị “viêm cánh” nặng. Tôi không dám thở đều, chỉ rón rét hít vào. Đến cuối cuộc họp tôi hoa mắt, chóng mặt, cảm tưởng như suýt ngất đến nơi”.
Vào mùa nắng nóng, có những lúc, có những nơi chúng ta gặp phải mùi mồ hôi của người khác, thậm chí của chính chúng ta. Nên việc kiểm tra mùi cơ thể trước khi đến chỗ đông người rất quan trọng để có thể tự tin, không làm phiền người khác trong giao tiếp.
Trong khi đó, những người làm công việc nặng nhọc, người phải di chuyển ngoài trời thường sẽ gánh chịu thêm những phiền phức từ việc đổ mồ hôi quá nhiều. Chị Thương Huế (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cũng kể mình nhiều lần phát sợ vì phải nhận hàng từ những shiper có "mùi lạ". Chị biết đó là sự vất vả, khó nhọc của người ta và chẳng ai muốn vậy, dù rất muốn thông cảm nhưng không thể nói là không khó chịu.
Những phụ nữ làm văn phòng vẫn được xem là công việc nhàn nhã, tường chừng “nắng không tới mặt, mưa chẳng tới đầu” ấy vậy mà vùng nách áo vẫn ra nhiều mồ hôi, kèm theo mùi cơ thể rất khó chịu.
Chị Ngọc Mai (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự: “Tôi là nhân viên văn phòng tại một công ty bảo hiểm, công việc của tôi chủ yếu làm bàn giấy. Ở văn phòng suốt cả ngày ngồi điều hòa, vậy mà vẫn không thể tránh được việc "tỏa mùi".
Để khắc phục điều đó, chị thường xuyên phải dùng lăn khử mùi nhưng cũng chỉ giảm bớt được phần nào. Ngại ngùng, đó là tâm lý chung của những "người trong cuộc" và họ đa phần mất tự tin, cảm thấy khó khăn hơn trong việc giao tiếp, tiếp xúc với người xung quanh.
Cần sự tế nhị từ hai phía
Mùi mồ hôi ở nơi công cộng thực sự là chuyện rất tế nhị. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng: Có tới 30% dân số thế giới gặp phải vấn đề tiết mồ hôi. Thường thì mồ hôi ra nhiều khi chúng ta vận động nhiều, thay đổi thời tiết… Mặc dù ưu điểm của tuyến mồ hôi ngoại tiết là điều hòa, giảm nhiệt cơ thể nhưng ở một số người, tuyến mồ hôi nội tiết hoạt động mạnh gây nhiều phiền toái.
Trong thực tế có rất nhiều người có mùi cơ thể rất đặc trưng do tuyến mồ hôi của họ. Có người khi phát hiện ra mình có tuyến mồ hôi thiếu bình thường thì tìm cách che giấu điều đó. Dù vậy, không phải ai cũng biết mình có mùi “thơm lạ” khi họ đã quá quen với mùi cơ thể của mình. Khi ấy, chỉ người xung quanh họ mới phải chịu đựng "nỗi ám ảnh" dai dẳng.
"Mùa hè, sự khắc nghiệt của thời tiết đã mang đến rất nhiều khó chịu rồi, đừng nên làm cho nhau thêm mệt mỏi bằng những việc nhỏ mà không nhỏ như thế nữa", chị Mai Chi (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) than thở.
Chị chia sẻ bí quyết: "Với những người như thế, tôi chọn hình thức nói thẳng. Nhắn tin là cách tốt nhất. Không cần phải mặt đối mặt. Như thế "đối tượng" cũng sẽ bớt ngại và dễ trao đổi hơn".
Ứng xử tế nhị, khéo léo là cách chúng ta hài hòa mọi tình huống có thể xảy ra trong cộng đồng |
Đồng quan điểm với chị Mai Chi, chị Hoàng Loan (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho rằng thay vì cứ phải chịu đựng một cách khốn khổ như thế, chúng ta nên nhắc nhở một cách xây dựng. Chị kể trong phòng chị có một nam đồng nghiệp cũng gặp phải vấn đề về tuyến mồ hôi. Mùa đông thì không sao, mùa hè phải vận động nhiều, có khi anh ta đến mọi người trong phòng xây xẩm mặt mày, nhức đầu, choáng váng.
"Họ cứ nhắn tin chat chít kiểu nói xấu sau lưng, kêu ca phàn nàn với nhau. Rồi mùi thì vẫn là mùi. Tôi thì chọn cách khác. Tôi lên mạng tìm hiểu các loại lăn ngăn mùi. Sau đó tôi nhắn riêng cho bạn kia một cách nhẹ nhàng và tư vấn, giới thiệu cho các loại sản phẩm mà mình tìm hiểu được. Bạn ấy đã làm theo và kết quả cải thiện đáng kể. Sau việc ấy, đồng nghiệp nam kia rất cảm ơn tôi vì không còn bị người khác cô lập, xa lánh nữa", chị Hoàng Loan cho biết.
Rõ ràng, có nhiều cách để chúng ta "giảm bớt áp lực" cho nhau, phụ thuộc vào cách ứng xử khéo léo, tế nhị của cả hai bên. Bản thân người "gặp vấn đề" cũng cần chú ý vệ sinh sạch sẽ, tìm mọi biện pháp hạn chế sự "phát tác" của mồ hôi làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Còn những người "không may" phải chịu đựng cảnh ấy tránh để người khác bẽ mặt, nên góp ý bằng cách đưa ra giải pháp chứ đừng khiến "tình hình" căng thẳng thêm.
Có như vậy thì chuyện nhỏ ấy mới không thành vấn đề cản trở trong cuộc sống và chính chúng ta cũng rèn luyện được thêm một lối ứng xử văn minh hơn, thân thiện hơn với những người xung quanh.