Khánh thành “siêu công trình” cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam
Quảng Nam: Đầu tư 1.500 tỷ đồng xây dựng hồ thủy lợi Sông Côn Huy động sức dân xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất |
Chiều 5/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ khánh thành công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự lễ khánh thành, đi kiểm tra công trình và đánh giá đây là dự án của ý Đảng, lòng dân, của trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, có hiệu quả trực tiếp cho vùng hưởng lợi hơn 384.000ha thuộc địa bàn 5 tỉnh.
Được biết, dự án được khởi công tháng 10/2019 với tổng mức đầu tư 3.309,5 tỷ đồng. Trong đó, cống Cái Lớn gồm 11 khoang cống và 1 âu thuyền rộng 15m, tổng chiều rộng thông nước 455m; cống Cái Bé gồm 2 khoang cống, 1 âu thuyền rộng 15m, tổng chiều rộng thông nước 85m.
Dự án được xây dựng tại huyện An Biên và Châu Thành (tỉnh Kiên Giang), thực hiện theo Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long và quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 khi đưa vào hoạt động sẽ góp phần đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt và chủ động trong sản xuất ở khu vực thượng lưu cống; các địa phương trong vùng không phải triển khai đắp các đập tạm ven sông như hằng năm để phòng, chống xâm nhập mặn, góp phần tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng.
Hệ thống này kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất); giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng, góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt huyện An Minh, An Biên (tỉnh Kiên Giang) với những năm mưa ít và tiêu thoát cho vùng hưởng lợi của dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Công trình cũng kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: CTV) |
Nhiệm vụ của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 được xác định là kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha (gồm các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng), trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241ha.
Công trình không chỉ kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, mà còn kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng, chống thiên tai, nước biển dâng do bão, giảm ngập lụt, úng do lún, sụt đất; giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.
Ngoài ra, công trình giúp tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng do không phải triển khai đắp các con đập tạm ven sông. Đây cũng là minh chứng cho thấy sự lớn mạnh, làm chủ công nghệ, khoa học kỹ thuật của đội ngũ thực hiện trong nước trước một dự án có cống kiểm soát triều lớn nhất trong cả nước cũng như Đông Nam Á.
Quá trình xây dựng công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt khi triển khai trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đến nay, dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 đã được hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng, đáp ứng lòng mong mỏi của Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương.
Việc dự án được đưa vào vận hành, khai thác theo đúng tiến độ đề ra, có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thay đổi diện mạo, bộ mặt nông thôn, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp phát triển bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và các tỉnh vùng dự án nói riêng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của Nhân dân và tạo điểm nhấn kiến trúc ở miền Tây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ khánh thành, trực tiếp đi kiểm tra công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1. (Ảnh: CTV) |
Theo Cổng thông tin Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng, xúc động thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi dự lễ khánh thành công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Lãnh đạo Chính phủ đánh giá đây là công trình của ý Đảng, lòng dân, công trình của trí tuệ, bản lĩnh người Việt Nam, khẳng định tinh thần phấn đấu vươn lên trong khó khăn vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, thể hiện sự thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, từ tư duy chống đỡ sang tư duy chủ động.
Người đứng đầu Chính phủ biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ban, ngành liên quan, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát, các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động đã phối hợp chặt chẽ, khắc phục rất nhiều khó khăn, thử thách, nỗ lực lớn, quyết tâm cao, làm việc ngày đêm để hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé vượt tiến độ yêu cầu, bảo đảm chất lượng công trình, an toàn trong suốt quá trình thi công. Thủ tướng cũng khen ngợi và cảm ơn chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng đã quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án hoàn thành.
Cùng với đó, để đảm bảo công trình được đưa vào vận hành, khai thác an toàn, bền vững, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức bàn giao, tiếp nhận, vận hành, khai thác theo đúng quy định và hiệu quả công trình.
Đồng thời, chính quyền và Nhân dân các tỉnh vùng dự án hỗ trợ và phối kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc khai thác, sử dụng công trình, bảo vệ tuyệt đối an toàn công trình thủy lợi, giữ gìn môi trường, cảnh quan sạch đẹp, xứng đáng với một công trình thủy lợi trọng điểm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
“Đây là công trình lớn, có kiến trúc và cảnh quan đẹp, ấn tượng, vì vậy bên cạnh, phát huy hiệu quả công trình cho phát triển nông nghiệp, cần khai thác những giá trị khác của công trình, tạo điểm nhấn để phát triển du lịch”, Thủ tướng chỉ rõ.
Ông Phan Văn Quân - Chỉ huy trưởng công trình cho biết, công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, giai đoạn 1 là dự án thủy lợi trọng điểm cấp quốc gia và có tính cấp bách đối với phát triển nông nghiệp khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Từ ngày lễ phát động triển khai dự án, đại diện Trungnam E&C – đứng đầu liên danh xây lắp dự án đã cam kết triển khai thi công với tiến độ 24 tháng, với các điều kiện về công tác giải phóng mặt bằng, Mặt khác, với dự án quy mô vốn hơn 3.300 tỷ đồng và tính chất kỹ thuật rất phức tạp như dự án như công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé thì cần phải ít nhất 36 - 40 tháng.
Nhờ được sự ủng hộ từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, bên cạnh quyết tâm của chủ đầu tư, tập hợp liên danh nhà thầu, với năng lực thi công và khả năng huy động nhân vật lực và tài lực, đến quý III/2021, đại diện liên danh Trungnam E&C đã công bố hoàn thành gói thầu công trình với tiến độ rút ngắn 2 tháng so với cam kết 24 tháng lúc đầu.
Theo ông Quân, áp lực tiến độ cực lớn chính là động lực để Trungnam E&C nói riêng cũng như toàn thể liên danh xây lắp phải có phương án tổ chức thi công và thường xuyên triển khai các mũi thi công tổng lực để hoàn thiện công trình. Điều này được Trungnam E&C triển khai mạnh mẽ với đội ngũ nhà thầu, nhân công và kỹ sư giàu kinh nghiệm từ các dự án lớn, trong đó có dự án ngăn triều tại TP HCM.
Thậm chí, lúc cao điểm nhất, riêng Trungnam E&C có thể huy động tài lực để bố trí hơn 30.000m dài cọc ván thép (hơn 2000 tấn) và hơn 1000 tấn khung chống thép hình, cùng lúc là điều động hơn 300 kỹ sư công nhân, liên tục 3 ca với đa mũi thi công ở các hạng mục gói thầu, đảm bảo tiến độ triển khai, kể cả khi thời điểm đỉnh dịch COVID-19.
"Để đất nước có nền kính tế phát triển vững bền và đời sống an sinh xã hội được ổn định cần có những công trình thủy lợi đảm bảo cho tưới tiêu, phát triển và sinh hoạt, ứng phó được biến đổi khí hậu. Nhưng để có các công trình thủy lợi đủ sức chống chọi được tính khó lường đó, cần những chủ đầu tư và nhà thầu mạnh về năng lực, tài lực, nhân lực lẫn trình độ, trong đó Trungnam E&C là điển hình", vị này chia sẻ.