Khẳng định giá trị của Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu vàng
Từ cậu bé chăn bò đến chủ nhân giải thưởng Quả cầu vàng |
Năm 2023 đánh dấu chặng đường 20 năm Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng. Ban Bí thư Trung ương Đoàn giao nhiệm vụ cho Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ (đơn vị thường trực giải thưởng) tổ chức Cuộc thi sáng tác biểu trưng Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng để chọn ra biểu trưng chính thức sử dụng trong các hoạt động, ấn phẩm truyền thông và lan tỏa giải thưởng đến đông đảo các thanh, thiếu niên, toàn xã hội.
Sau 3 tháng phát động, từ ngày 15/4 -15/7/2023, Ban tổ chức đã nhận được 102 tác phẩm dự thi của 45 tác giả và 2 nhóm tác giả trên cả nước. Trong đó, 2 tác giả nhỏ tuổi nhất sinh năm 2007 đang là học sinh THPT, 1 tác giả lớn tuổi nhất sinh năm 1966 (57 tuổi). Thí sinh gửi số lượng bài dự thi nhiều nhất là 8 tác phẩm.
Sau quá trình thảo luận, cho ý kiến, Ban tổ chức đã quyết định trao giải Nhất cho tác giả Đinh Chí Nhân (Công ty cổ phần tập đoàn Trường Hải TPHCM); Giải Nhì thuộc về Dương Minh Đức (sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội); Tác giả Lâm Hồ Thụy Vy đoạt giải Ba.
Biểu trưng Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng của tác giả Đinh Chí Nhân |
Giới thiệu về tác phẩm giành giải Nhất, tác giả Đinh Chí Nhân cho biết: "Biểu trưng Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng được thiết kế với mong muốn khắc họa hình tượng, giá trị cao quý của giải thưởng trong việc phát hiện, tôn vinh, phát huy các tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam. Bên cạnh đó, biểu trưng còn thể hiện trí tuệ, sức sáng tạo, khát vọng chinh phục những đỉnh cao khoa học công nghệ của các tài năng trẻ".
Biểu trưng được tạo nên bởi 3 hình ảnh: Ngôi sao, cánh chim Lạc và vi mạch điện tử. Trong đó, ngôi sao được cách điệu từ hình ảnh ngôi sao tỏa sáng trên bầu trời, tượng trưng cho các tài năng trẻ trên con đường chinh phục khoa học công nghệ.
Theo tác giả, biểu tượng ngôi sao trong khoa học và công nghệ không chỉ đơn thuần là một hình ảnh mà còn mang ý nghĩa về sự sáng tạo, khát vọng, hướng đến tương lai, thể hiện sự kết nối trong sự phát triển của con người và xã hội. Hình ảnh ngôi sao còn được liên tưởng đến ngôi sao trên lá quốc kỳ Việt Nam thể hiện lòng tự tôn dân tộc của các tài năng trẻ khoa học công nghệ, luôn khẳng định “Tôi – Nhà khoa học Việt Nam”.
Ngôi sao được tạo nên từ 5 chữ “V” cách điệu hình hạt nhân nguyên tử đặc trưng cho công tác nghiên cứu khoa học. Chữ “V” còn có nghĩa Việt Nam - Chiến thắng (Victory). Chữ “V” trong ký tự số La Mã là thể hiện số 5, tượng trưng cho 5 lĩnh vực xét trao Giải: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số tự động hóa; Công nghệ sinh học; Công nghệ y dược, Công nghệ môi trường, Công nghệ vật liệu mới.
Cánh chim Lạc là biểu trưng đẹp đẽ và linh thiêng của Tổ quốc Việt Nam, một biểu tượng vừa gần gũi thân quen, vừa thiêng liêng cao cả. Hình ảnh cánh chim Lạc được kết hợp với hình ảnh vi mạch điện tử, nâng dòng chữ “Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng” tượng trưng cho những ước mơ bay cao, bay xa của những người con đất Việt luôn mong muốn chinh phục những đỉnh cao khoa học công nghệ, sẵn sàng cống hiến vì một Việt Nam hùng cường.
Tác giả Đinh Chí Nhân cho biết thêm, biểu trưng được bố cục trong hình tròn tượng trưng cho quả địa cầu cùng với quỹ đạo phát triển, thể hiện tính năng động nhưng vẫn bền vững. Logo mang tính khái quát cao về khoa học, công nghệ nhưng đơn giản, dễ hiểu. Bên cạnh đó, màu vàng của biểu trưng là màu sắc đặc trưng của giải thưởng. Màu vàng còn tượng trưng cho ánh sáng mặt trời lan tỏa, thể hiện sự nhiệt huyết và năng lượng mạnh mẽ, biểu trưng cho sự hy vọng, tươi sáng.