Khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng dịch như chống dịch tả lợn châu Phi
Các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng
Bài liên quan
Hà Nội xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi thứ 5 tại Sóc Sơn
Người dân cần hiểu đúng về dịch tả lợn châu Phi
Hà Nội phát hiện thêm ba ổ dịch tả lợn châu Phi
Hà Nội triển khai diễn tập phòng chống dịch tả lợn châu Phi
100% hộ dân cam kết không giấu dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, không chỉ các quận, huyện đã phát hiện dịch bệnh lưu hành mới khẩn trưởng triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch mà tại hầu hết các quận huyện trên trên địa bàn thành phố đều quyết liệt phòng chống dịch; đơn cử như huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Thanh Oai, Đan Phương, Phúc Thọ (Hà Nội)... Đặc biệt, tại nhiều địa phương, 100% hộ dân cam kết với chính quyền địa phương sẽ không giấu dịch.
Cụ thể, tại huyện Thanh Oai, để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, thời điểm này huyện đang rốt ráo, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần “phòng dịch như chống dịch”. Để bảo vệ đàn lợn của gia đình, các hộ chăn nuôi tại đây đã áp dụng nhiều giải pháp... trong đó quan trọng hàng đầu là không nhập con giống mới; không cho bất cứ người ngoài vào khu vực chuồng trại; người nhà vào trại cũng phải phun phòng chống độc.
Nói về công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết: Hiện nay, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện là 81.000 con. Để chủ động ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi ngay khi có thông tin dịch xuất hiện trên địa bàn Hà Nội, huyện đã có công điện khẩn yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền về nguy cơ, tác hại và biện pháp kỹ thuật phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi đến các đối tượng người chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia súc.
Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn tại các hộ chăn nuôi. Thực hiện vệ sinh tiêu độc môi trường thường xuyên trong khu chăn nuôi, các điểm giết mổ, nơi sơ chế, chế biến các sản phẩm từ lợn, các phương tiện, dụng cụ chăn nuôi. Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc.
Công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện Ba Vì được triển khai sớm ngay từ khi Hà Nội phát hiện ổ dịch đầu tiên. Để chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua huyện đã ban hành công điện chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp ngăn chặn, ứng phó phòng chống dịch tả châu Phi xâm nhiễm trên địa bàn; ban hành kế hoạch hành động ngăn chặn, ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch tả châu Phi xâm nhiễm trên địa bàn huyện Ba Vì. Tổ chức ký cam kết 100% các hộ chăn nuôi khai báo khi phát hiện dịch.
Ngoài ra huyện cũng tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng để diệt mầm bệnh từ môi trường. Phòng Kinh tế huyện cũng đang đề xuất triển khai một đợt tổng vệ sinh môi trường bổ sung trên địa bàn toàn huyện dự kiến từ 15-30/3. Toàn bộ hóa chất sát trùng, vôi bột huyện sẽ bổ sung kinh phí cấp cho các xã thực hiện.
Xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp
Tại huyện Quốc Oai, ngay sau khi nhận được thông tin dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại Hà Nội, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tới tận các hộ chăn nuôi. UBND huyện cũng tiến hành tổ chức tiêm phòng đại trà và bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm, đồng thời tổ chức lấy mẫu huyết thanh giám sát sau tiêm phòng, tổ chức thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng tiến hành tổng vệ sinh tiêu độc môi trường tại các hộ chăn nuôi, nơi có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, chợ kinh doanh buôn bán động vật và sản phẩm động vật.
Đối với huyện Mỹ Đức, lãnh đạo huyện cũng đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ngăn chặn, ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm trên địa bàn huyện. Với phương châm phòng bệnh là chính, chống dịch kịp thời, UBND huyện yêu cầu các địa phương thực hiện khai báo kịp thời cho cán bộ Thú y hoặc UBND xã, thị trấn khi thấy đàn lợn đang nuôi có hiện tượng ốm, chết bất thường. Trước mắt, toàn huyện Mỹ Đức tập trung tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về tính chất, mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, tránh gây hoang mang trong nhân dân.
Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền các biện pháp chống dịch bệnh, các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Trung ương, thành phố đối với các hộ, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn khi có dịch xảy ra phải thực hiện tiêu hủy theo quy định.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: Hiện tại, các quận, huyện, thị xã tiếp tục lập chốt kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ lợn, tiêu độc khử trùng, lấy mẫu kiểm tra trên đàn lợn nuôi tại các địa phương xung quanh khu vực đã xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong những ngày tới, 5 tổ công tác liên ngành của thành phố sẽ kiểm tra tất cả quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng chuỗi sản xuất liên kết sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh.