Hương vị Tết từ làng nghề bánh tẻ
Rộn ràng sức xuân tại làng nghề bánh đa nem Tiến Thịnh Làng nghề tấp nập vào vụ Tết Hà Nội thêm hai địa danh được sử dụng để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể |
Gần đến ngày Tết cổ truyền, làng nghề bánh tẻ Phú Nhi tại phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội lại tất bật, tranh thủ ngày đêm sản xuất bánh để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Vào những ngày này, đến làng Phú Nhi, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ụ lá chuối khô ngay ven đường, bên mái hiên, trước sân nhà… Người dân tất bật với công việc tráng, phơi và thu gom bánh. Về làng bánh tẻ Phú Nhi những ngày này mới thấy được không khí hối hả của những hộ dân làm bánh.
Từ bao đời nay, người dân nơi đây vẫn giữ phong tục làm bánh tẻ để làm quà biếu hoặc dâng lên ban thờ tổ tiên mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Vào thời gian này, các gia đình làm bánh tẻ đều ngập tràn lá chuối tươi và lá chuối khô |
Bánh tẻ vốn là loại bánh đã gắn bó với bà con nông dân từ rất lâu đời, vì nguyên liệu làm bánh chính là bột gạo tẻ, thứ lúa gạo mà người dân trồng được tại địa phương.
Bánh tẻ thường được bán ở các chợ quê, là món ăn dân dã để thưởng thức hàng ngày. Vào các ngày lễ, Tết thì bánh tẻ được các hộ gia đình làm nhiều hơn để thành tâm thắp hương nhớ về tổ tiên của gia đình mình.
Lạt được tách thủ công, tỷ mỉ và đều nhau |
Cụ Nguyễn Thị Kiên đang tách lạt để phục vụ cho công việc làm bánh |
Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đã có thời kỳ bánh tẻ Phú Nhi nức tiếng một vùng. Sự khác biệt của hương vị, gia vị và sự thơm ngon đã làm nên thương hiệu của bánh. Chiếc bánh không chỉ là món quà dân dã, thân thiện mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân một làng cổ trù phú ven sông Hồng.
Kỹ thuật làm bánh tẻ Phú Nhi hầu như người phụ nữ nào trong làng cũng biết, họ luôn tự hào về nghề làm bánh tẻ mà cha ông đã truyền lại.
Hiện nay, bánh tẻ Phú Nhi được làm hàng ngày, các hộ dân trong làng đã năng động mở rộng thị trường phân phối bánh tẻ đến khắp Hà Nội, tham gia các lễ hội ẩm thực của Thủ đô.
Ngoài ra, bánh tẻ còn được bán trực tuyến trên internet cho khách hàng khắp nơi, bánh tẻ cũng là món quà quê tại các điểm du lịch của Đường Lâm như chùa Mía, đình Mông Phụ, đền Và...
Bánh tẻ Phú Nhi hiện được bán ở nhiều nơi, đặc biệt là các khu danh thắng phục vụ khách du lịch |
Tuy nhiên, bánh tẻ là đồ ăn được làm thủ công nên thời gian sử dụng chỉ dùng được trong ngày hoặc 2 ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh. Muốn đưa bánh tẻ đến tay nhiều thực khách hơn cần tìm ra cách thức để khắc phục được hạn chế này.
Bà Phạm Thị Bình, chủ cơ sở sản xuất bánh tẻ Thanh Bình cho biết: "Nhờ tham gia Hiệp hội làng nghề, thu nhập của người làm nghề khá ổn định. Để bánh tẻ Phú Nhi đi xa vẫn còn nhiều khó khăn do bánh không bảo quản được lâu. Khách hàng muốn mua với số lượng lớn cũng chưa đáp ứng được ngay".
Để làm ra những chiếc bánh tẻ dẻo ngon, chân chất như tấm lòng của người nông dân làng Phú Nhi, các hộ gia đình làm bánh thường bắt đầu công việc từ lúc 3 giờ sáng. Công đoạn đầu tiên là ngâm gạo sau đến xay bột, làm nhân bánh, rửa lá rồi gói bánh. Bánh tẻ có nhân hành, mộc nhĩ và một ít thịt nạc thường được gói bằng lá dong hoặc lá chuối. Bánh được luộc và ăn trong ngày là ngon nhất.
Bánh tẻ Phú Nhi được làm từ nguyên liệu đơn giản nhưng với công thức gia truyền đã tạo nên món bánh tẻ không lẫn với bất kể món bánh nào khác |
Khi được hỏi về các công đoạn làm bánh và ý nghĩa của chiếc bánh tẻ, cụ Nguyễn Thị Kiên, chủ cơ sở bánh tẻ Lan Tiến ở khu phố Phú Nhi 1, cũng là nghệ nhân uy tín của làng, không giấu được cảm xúc tự hào: "Nghề bánh tẻ đã có từ đời các cụ. Bánh tẻ Phú Nhi khác với bánh tẻ ở địa phương khác nên ăn một lần rồi nhớ mãi. Hàng ngày, đơn hàng khá nhiều, dịp lễ, Tết cận kề, khắp nơi đặt bánh, nhiều khi không dám nhận hết, sợ làm không kịp cho khách".
Bánh được cuốn chắc tay, lực phải vừa đủ, không chặt quá, không lỏng quá. Như vậy khi bánh chín mới đều, đẹp và ngon hơn |
Nguyên liệu làm nên chiếc bánh ngon gồm lá bánh tẻ quê, hoặc lá dong rừng gói bên trong, lá chuối khô gói ngoài. Gạo phải chọn loại gạo ngon nhất, thơm tự nhiên, tùy theo thời tiết mà ngâm gạo, nếu thời tiết nóng thì ngâm gạo khoảng 2 ngày, nhưng trời lạnh ngâm lâu hơn vì như thế bánh mới ngon, mềm, không bị cứng.
Nhân bánh làm từ thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô, chút hạt tiêu, gia vị. Chọn nhân luôn phải tươi ngon, đúng loại thịt vì nó quyết định phần lớn chất lượng, giá trị của chiếc bánh. Bao lâu nay, chiếc bánh của gia đình cụ Kiên có mặt ở nhiều địa phương. Khách phương Nam cũng đặt bánh, thậm chí khách Việt kiều cũng thường xuyên thưởng thức bánh của gia đình.
Bánh tẻ mang đậm hương vị của đất thời, thức quà của lúa nếp, của làng quê Việt |
Bánh tẻ, thứ bánh giản dị mang hương vị của trời, của đất, của tình người, sản phẩm của người nông dân hai sương một nắng. Từ bao đời nay, người làng Phú Nhi vẫn giữ phong tục dùng món bánh tự tay họ làm để làm quà tặng, quà biếu người thân, người xa xứ, như lời nhắn nhủ luôn nhớ về cội nguồn, nhớ về hương vị truyền thống.