Hồn Việt qua những phong tục cổ truyền ngày Tết
Xuân ấm no về trên xứ Mường Ý nghĩa của “Mùng 3 Tết thầy” Vì sao lại gọi là “Mùng 2 Tết Mẹ”? Những điều nên làm trong ngày 30 Tết |
Những phong tục cổ truyền không chỉ là những hoạt động mang tính tượng trưng, mà còn là những điều gắn kết tình cảm của mọi người và còn làm trỗi dậy tinh thần dân tộc của mỗi người con Việt Nam.
Tiễn ông Công ông Táo về trời
Theo tục, vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các vị Táo Quân sẽ lên chầu Trời, báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công - tội, thưởng - phạt phân minh.
Người dân thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp âm lịch |
Với mong muốn Thần Bếp sẽ phù hộ cho gia đình được nhiều may mắn, nên hằng năm, ngày 23 tháng Chạp, người ta thường dọn dẹp nhà, bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm để tiễn ông Công ông Táo về trời một cách long trọng.
Ngoài những điểm tương đồng này, thì tùy theo phong tục vùng miền mà nghi lễ cúng ông Công, ông Táo giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam có sự khác biệt nhất định, nhưng nhìn chung là đều thể hiện tấm lòng thành kính của gia chủ đối với vị thần cai quản việc phúc đức trong nhà.
Chơi hoa ngày Tết
Ngày Tết, người Việt thường mua những cây hoa tượng trưng cho sự may mắn như đào, mai, quất... để xua đuổi tà ma, cầu cho một năm mới luôn vui vẻ, hạnh phúc, thịnh vượng, viên mãn cho cả gia đình.
Gói bánh Chưng, bánh Tét
Bánh Chưng, bánh Tét là một món ăn chưa bao giờ có thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt.
Bánh chưng là món không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên ngày Tết |
Truyền thống gói bánh chưng, bánh dày là một phần không thể thiếu của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng cho Đất - Âm. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời - Dương, thể hiện triết lý Âm - Dương. Bánh chưng dành cho Mẹ, bánh dầy giành cho Cha. Bánh chưng bánh dày là thức ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.
Thăm mộ tổ tiên
Mỗi dịp Tết đến, con cháu thường đi thăm mộ tổ tiên từ khoảng 23 đến 30 tháng Chạp, sửa sang, dọn dẹp để bày tỏ lòng hiếu thảo và mời vong linh tổ tiên về với con cháu.
Bày mâm ngũ quả
Trong văn hóa tâm linh của người Việt, mâm ngũ quả ngày Tết giữ một vị trí quan trọng, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và đạo lý uống nước nhớ nguồn. Người Việt dành nhiều thời gian và tâm sức để bày mâm ngũ quả bởi đó không chỉ mang ý nghĩa về mặt thẩm mỹ mà còn hàm chứa nhiều hy vọng về một năm mới sung túc, nhiều sức khỏe và may mắn.
Bày mâm ngũ quả cũng là một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của các gia đình Việt. Mâm ngũ quả tượng trưng cho Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, 5 yếu tố cấu thành nên vũ trụ theo quan niệm của Khổng giáo với nghĩa chung sâu sắc, gắn liền vơi sự hiếu thảo và mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.
Mâm ngũ quả ngày Tết giữ một vị trí quan trọng, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và đạo lý uống nước nhớ nguồn |
Cúng giao thừa
Thời khắc giao thừa luôn mang lại những cảm xúc thiêng liêng cho mỗi con người Việt. Cúng giao thừa thường phải làm hai lễ, một lễ cúng trong nhà và một lễ cúng ngoài trời. Sở dĩ người Việt Nam làm lễ cúng giao thừa vì niềm tin rằng: Một năm bắt đầu, ắt phải có kết thúc. Ý nghĩa của buổi lễ cũng là bỏ hết đi những ân oán năm cũ, nghinh đón năm mới đến với tài lộc và những điều tốt đẹp.
Xông đất
Xông đất là một phong tục rất quan trọng của người Việt Nam vì họ quan niệm rằng, người xông đất sẽ quyết định cả một năm vui vẻ, phát đạt hay không may mắn của mình. Vì thế, họ thường mời những người có vận may, có tuổi hợp với chủ nhà đến xông đất và kỳ vọng rằng, người đó sẽ mang may mắn, điềm lành trong suốt cả một năm. Người xông đất phải ăn mặc chỉnh tề, sau đó phải đi hết 1 vòng quanh nhà với hi vọng may mắn sẽ luôn tràn ngập.
Chúc Tết và Mừng tuổi
Những lời chúc dành cho nhau kèm theo những phong bao lì xì đỏ luôn mang lại cảm giác bình yên, niềm vui, sự hạnh phúc.
Những lời chúc dành cho nhau kèm theo những phong bao lì xì đỏ luôn mang lại cảm giác bình yên, niềm vui, sự hạnh phúc |
Người Việt có phong tục đi chúc Tết họ hàng, bạn bè trong những ngày Tết. Thường trong sáng mồng Một Tết, con cháu sẽ tới chúc thọ, mừng tuổi ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại những đồng tiền mới đựng trong phong bao lì xì màu đỏ để lấy may kèm theo những lời chúc các con cháu hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, hạnh phúc, vui vẻ trong năm mới. Tiền mừng tuổi không quan trọng ở số tiền nhiều hay ít mà quan trọng ở ý nghĩa.
Đi lễ đầu năm
Phong tục đi lễ chùa trong những ngày đầu của năm mới là một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật, tổ tiên.