Xuân ấm no về trên xứ Mường
Bình Dương: Mùa xuân mới mang theo nhiều tín hiệu vui Hy sinh thầm lặng cho mùa Xuân trọn vẹn Mùa xuân ấm tình người Quà Tết ấm áp tặng học sinh khó khăn từ "Xuân yêu thương - Tết chia sẻ 2022" |
Nhân dân vững tin vào một năm mới ấm no và sung túc
Mỗi độ xuân về, khi những những cánh đào rừng bung nở khoe sắc trên khắp các triền núi thì cũng là lúc đồng bào các dân tộc miền núi huyện Ba Vì tạm gác lại công việc nương rẫy, nô nức chuẩn bị đón ngày tết lớn nhất của năm. Trên khắp các bản làng, nơi đâu cũng nhộn nhịp, rộn ràng niềm vui đón chào xuân mới.
Về xã Khánh Thượng vào những ngày cuối năm, cảm nhận đầu tiên đối với cảnh vật nơi đây chính là không khí náo nức, nhộn nhịp, tươi vui trên khắp các bản làng, ngõ xóm. Những khóm hoa đào, hoa cúc khoe sắc trong gió xuân trước thềm những ngôi nhà ngói mới đỏ tươi như đang nói thay cho niềm vui của đồng bào về cuộc sống mới nơi này.
Điệu múa uyển chuyển trong trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường tại "Ngôi nhà chung" |
Từ một xã miền núi khó khăn của huyện, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, thu nhập và mức sống của người dân còn thấp, đến nay, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư nâng cấp, đường giao thông nông thôn, trạm y tế được xây dựng khang trang. Bà con Nhân dân ai nấy đều rất phấn khởi…
Mặc dù qua thời gian, phong tục đón tết của đồng bào Mường ở Khánh thượng đã ít nhiều thay đổi song phần lớn những phong tục đẹp chứa đựng tín ngưỡng văn hóa đặc sắc của dân tộc từ xưa truyền lại hiện vẫn được đồng bào Mường lưu giữ.
Đối với người Mường Khánh Thượng, ngoài chuẩn bị đầy đủ các đồ thờ cúng, rượu, thịt, bánh chưng thì trong dịp đón tết, vui xuân không thể không có tiếng cồng chiêng. Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các gia đình Mường đều đánh ba hồi chiêng để mời tổ tiên về nhà ăn tết cùng con cháu. Trong những ngày tết, âm thanh cồng chiêng trầm bổng, vang vọng khắp núi rừng như khẳng định sức sống trường tồn cùng lịch sử như bản sắc văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc Mường ở Ba Vì…
Những người phụ nữ dân tộc Mường khoác trên mình bộ trang phục rực rỡ, tựa như những bông hoa để chào đón năm mới |
Với 2.044 hộ dân, trong đó 60% dân số là người dân tộc Mường, Khánh Thượng nay đã khác xưa rất nhiều. Xã không còn hộ đói, hộ nghèo giảm; Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,8 triệu đồng/người/năm. Thu nhập tăng lên đồng nghĩa với cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Đến nay, 100% hộ dân trong xã đã có xe máy, ti vi; Trên 90% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Trong xã không còn tình trạng trẻ em thất học; Trẻ em 5 tuổi ra lớp đạt 100%; Tỷ lệ tốt nghiệp bậc tiểu học, THCS đạt 100%...
Mặc dù vẫn còn đó những khó khăn song tạm gác lại những bộn bề lo toan thường nhật, người Mường Khánh Thượng đang nô nức đón xuân, vững tin vào một năm mới ấm no và sung túc hơn...
Gìn giữ nét văn hóa truyền thống đặc sắc
Tại huyện Thạch Thất, trên địa bàn huyện có khoảng hơn 11.500 người dân tộc thiểu số, sống tập trung tại ba xã: Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân. Ðây là ba xã miền núi của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) sáp nhập về Hà Nội theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan.
Sau khi sáp nhập về Thủ đô, từ vị trí các xã có điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, đến nay ba xã đã có cơ sở hạ tầng phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, đạt chuẩn Nông thôn mới.
Xã Yên Trung (Thạch Thất), nơi có tới hơn 82% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Cách đây hơn hơn chục năm, Yên Trung có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Thạch Thất. Có khu dân cư còn chưa có điện lưới quốc gia. Ngày nay, đời sống của người dân đã thanh đổi nhanh chóng với việc xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Toàn xã chỉ còn 6 hộ nghèo, chiếm 0,66% tổng số hộ. Tuyến xe buýt trợ giá từ Hà Đông về Yên Trung càng làm cho cuộc sống đồng bào Mường ở đây tiện lợi, văn minh.
Mỗi dịp lễ, Tết trong năm, những người phụ nữ dân tộc Mường lại diện những bộ trang phục truyền thống đặc sắc |
Bên cạnh phát triển đời sống vật chất, đồng bào Mường ở đây quan tâm đến gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Ông Đinh Công Tuân, Chủ tịch UBND xã Yên Trung cho hay, khi địa phương mới về với Thủ đô, chúng tôi cũng lo lắng văn hóa núi rừng bị nhạt nhòa. Do được thành phố Hà Nội quan tâm mở các lớp dạy học cồng chiêng, nên nét đẹp văn hóa truyền thống ở nơi đây được phục dựng. Hiện mỗi thôn có một bộ cồng chiêng. Không chỉ vậy, thành phố và huyện Thạch Thất còn quan tâm đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng khang trang, rộng rãi.
Về xứ Mường ở địa bàn Thủ đô trong những ngày Tết Nguyên đán, ít thấy cảnh người dân sum họp tại các điểm sinh hoạt cộng đồng như trước do yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 song không vì thế mà Tết kém đi phần ấm cúng, vui vầy. Trước cửa nhiều căn nhà khang trang, gia chủ đều chọn những cây tre, cây vầu thẳng nhất, đẹp nhất để trồng cây nêu trước nhà.
Theo đồng bào Mường, khi dựng câu Nêu là để trừ tà, một cách báo hiệu là Tết đến Xuân về, con cháu đang hướng lòng mình về tổ tiên, kính cáo với các bậc tiền nhân về cùng ăn Tết với gia đình. Do đó, cây nêu được trồng ở vị trí trang trọng, trong sân hay phía trước mỗi ngôi nhà. Đó là một biểu tượng, một tín hiệu văn hóa truyền thống mỗi dịp đất trời chuyển giao.