Hơn 1,1 triệu khách hàng đã đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile-Money
Mobile Money giúp người dân tiếp cận phương thức thanh toán điện tử hiện đại và thuận tiện Điện lực Bắc Ninh hợp tác với nhà mạng thu tiền điện qua ứng dụng Mobile money |
Sáng 11/5, Báo Lao Động phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam”.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị đầu mối được giao nghiên cứu, chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ phê duyệt triển khai thí điểm (Mobile-Money).
Tháng 11/2021, trên cơ sở đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước) về hồ sơ của 3 doanh nghiệp viễn thông đáp ứng các quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money cho 3 đơn vị là Tổng Công ty Truyền thông - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT-Media), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel).
Quang cảnh hội thảo“Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam” do Báo Lao động phối hợp tổ chức sáng 11/5 |
Tại hội thảo, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh Toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, sau gần 6 tháng triển khai, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm đã đạt được kết quả khả quan và đảm bảo an toàn, góp phần vào phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.
Mobile-Money cũng là một nội dung trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 với nhiệm vụ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực, nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Theo ông Lê Anh Dũng, tính đến cuối tháng 3/2022, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile-Money là hơn 1,1 triệu người, trong đó số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là gần 660.000 lượt (chiếm hơn 60%).
Về phát triển điểm kinh doanh, tính đến cuối tháng 3/2022 đã có hơn 3.000 điểm kinh doanh được thiết lập. Trong đó, số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là khoảng gần 900 điểm, chiếm khoảng 30% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập.
Về giao dịch bằng dịch vụ Mobile-Money, đến cuối tháng 3/2022, tổng số lượng giao dịch đã đạt hơn 8,5 triệu giao dịch với tổng giá trị hơn 370 tỷ đồng.
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh Toán (Ngân hàng Nhà nước) phát biểu tại hội thảo |
Ông Lê Anh Dũng đánh giá, dịch vụ Mobile-Money được triển khai đã tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và xã hội.
"Chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp thực hiện thí điểm nhìn chung được đảm bảo, chưa phát sinh các rủi ro, sự cố lớn trong quá trình cung cấp dịch vụ, tạo niềm tin cho khách hàng sử dụng dịch vụ và mở rộng tiếp cận dịch vụ này tới nhóm khách hàng mới chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa khó tiếp cận hạ tầng thanh toán, mạng lưới ngân hàng", ông Dũng đánh giá.
Bên cạnh những thành quả đạt được, theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ cũng gặp phải một số khó khăn do dịch vụ Mobile-Money là dịch vụ mới, trong giai đoạn đầu thí điểm cần phải tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng để tuyên truyền, quảng bá lợi ích của dịch vụ nhằm thu hút, tạo thói quen cho khách hàng.
Đồng thời, việc phát triển điểm kinh doanh tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tốn khá nhiều nguồn lực do khoảng cách địa lý và số lượng doanh nghiệp tại các khu vực này còn hạn chế.
Do đó, để đảm bảo việc triển khai dịch vụ Mobile-Money được an toàn và hiệu quả, tăng được số người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ cũng như tăng trưởng về khối lượng/giá trị giao dịch, đem lại những giá trị, tiện ích thiết thực cho người dân, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Công an theo dõi, bám sát, đánh giá tình hình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money; đồng thời hướng dẫn, giải đáp vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dịch vụ Mobile-Money của doanh nghiệp thí điểm.
Bên cạnh đó, các các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cũng cần tiếp tục triển khai các hình thức, biện pháp tuyên truyền, thuyết phục các điểm kinh doanh kết hợp với khích lệ kinh tế giai đoạn đầu triển khai dịch vụ cho thấy những lợi ích phi tài chính như tăng lượng khách hàng đến điểm kinh doanh, có thêm nguồn thu từ phí hoa hồng khi có tập khách hàng quen thuộc.
Cùng với đó, các các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các nội dung liên quan quy định về mục tiêu, phạm vi, nội dung thí điểm, tổ chức thực hiện, các hành vi bị cấm theo quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg và phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai, thúc đẩy thanh toán dịch vụ công, các khoản trợ cấp Chính phủ qua dịch vụ Mobile-Money.