Hiến tấc đất, tỏ lòng "vàng"
Để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn Nông thôn mới, chủ trương xây dựng đường giao thông nông thôn đã nhận được sự ủng hộ của người dân, trong đó có những hội viên phụ nữ, cựu chiến binh, đảng viên tiên phong… đóng góp tiền của, ngày công và tình nguyện hiến đất mở đường. Những việc làm của họ nhân lên nét đẹp văn minh của người Hà Nội.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng gửi đến bạn đọc loạt bài viết: Hiến tấc đất, tỏ lòng "vàng".
Bài 1: Đòn bẩy thúc đẩy kinh tế xã hội vùng quê
Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng, là đòn bẩy góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống Nhân dân, tiến tới hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Đây cũng là tiêu chí thể hiện đậm nét quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng lòng của người dân trong xây dựng Nông thôn mới, phát triển quê hương giàu mạnh.
Tiêu chí quan trọng xây dựng Nông thôn mới
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã trở thành một phong trào rộng lớn, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân, bộ mặt nông thôn Việt Nam nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng đang ngày càng thay đổi, trở thành những miền quê đáng sống.
Trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, phát triển hạ tầng giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng. Giao thông thuận lợi là tiền đề để các địa phương đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, giao lưu Nhân dân.
Các con đường nhỏ hẹp ở làng quê sẽ mãi như vậy nếu không có những người dân tình nguyện hiến đất, góp tiền. Thời buổi “tấc đất tấc vàng” nhưng ở nhiều thôn quê, người dân sẵn sàng hiến hàng trăm, nghìn mét đất để làm đường. Điều đó đã tạo nên những kỳ tích trong phát triển giao thông nông thôn.
Hạ tầng giao thông phát triển là đòn bẩy kinh tế của các địa phương |
Để tạo nên những kỳ tích đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện công việc, nhiệm vụ công khai, minh bạch, vì quyền lợi của Nhân dân; Nhất thiết phải kêu gọi được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.
Mặt khác, cấp ủy, chính quyền các cấp phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và tầm quan trọng của việc phát triển giao thông nông thôn. Từ đó, người dân tích cực hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công lao động để xây dựng hạ tầng nông thôn, theo phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng".
Hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, nhiều người dân đã không ngần ngại phá bỏ một phần hoa màu, hiến đất làm đường giao thông nông thôn với tâm niệm: “Đường làm ra phục vụ mình, quyền lợi sát sườn mình, mình không hiến thì ai hiến”.
Chính quyền và Nhân dân cùng quyết tâm nên những con đường giao thông nông thôn ngày càng sạch đẹp, rộng rãi. Nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, trời mưa thì lầy lội, nắng lại bụi bặm trước kia đã được thay thế bằng đường bê tông hóa. Giao thông phát triển đã thay đổi diện mạo làng quê, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, kinh doanh, giao thương buôn bán góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Vững vàng vượt qua thách thức
Huyện Mỹ Đức là một trong những đơn vị làm rất tốt việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Nằm ở phía Tây Nam của thành phố Hà Nội, bên cạnh khó khăn chung, huyện Mỹ Đức còn có thách thức riêng, trong đó có “điểm nóng” là xã Đồng Tâm. Tuy nhiên, với tinh thần, quyết tâm, bản lĩnh dám đương đầu, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện đã vững vàng vượt qua khó khăn, đạt kết quả khá toàn diện.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy ngày càng được nâng cao; Đội ngũ cán bộ trưởng thành về nhiều mặt...
Diện mạo huyện Mỹ Đức ngày càng phát triển, khang trang hơn |
Với mục tiêu đưa Mỹ Đức trở thành huyện đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2022, Đảng bộ, chính quyền huyện luôn bám sát chỉ đạo của thành phố. Trong đó, 3 tháng đầu năm 2021, bám sát sự chỉ đạo của thành phố, nhiệm vụ của địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy Mỹ Đức đã ban hành 6 chương trình công tác, 9 đề án, 9 nghị quyết chuyên đề nhằm cụ thể hóa 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIV Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong xây dựng Nông thôn mới, huyện đã tập trung chú trọng đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, điện, đường liên xã, thôn, đường làng cơ bản được bê tông hóa 99%. Hệ thống trường học các cấp, trang thiết bị dạy học đã và đang tiếp tục được ưu tiên đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Trạm y tế các xã, bệnh viện đa khoa huyện được nâng cấp, cải tạo. Hệ thống thiết chế văn hóa ở các thôn, xã được tăng cường. Các hoạt động văn hóa văn nghệ thể dục thể thao thường xuyên được tổ chức. Việc cưới, việc tang và lễ hội đã có nhiều tiến bộ theo hướng tiết kiệm, đơn giản và văn minh. Các công trình nhà văn hóa ở nhiều xã đã được xây dựng khang trang sạch đẹp; Công tác vệ sinh môi trường đã được quan tâm. Các xã đều có tổ thu gom rác thải nên môi trường đã có nhiều chuyển biến, sạch sẽ, vệ sinh hơn.
Báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức cho thấy, số ki-lô-met đường trục xã, liên xã, đường từ trung tâm xã đến huyện được kiên cố hóa 117,69km/117,69km, đạt 100%. Đường trục thôn, liên thông được kiên cố hóa 248,4/248,4km, đạt 100%. Đường ngõ xóm đã kiên cố hóa được 536km/573,6km, bằng 93,44%. Đường trục chính nội đồng đã kiên cố hóa 244,74km/506,1km, bằng 48,35%.
Những con số đạt được đó đã thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm xây dựng quê hương Mỹ Đức ngày càng giàu đẹp của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nơi đây. Trong đó, rất nhiều câu chuyện đẹp, hành động ý nghĩa của những tấm gương hiến đất làm đường giao thông nông thôn được ghi nhận...
(Còn nữa)