Hàng triệu giấy khai sinh, lý lịch tư pháp sẽ được làm qua Cổng dịch vụ công quốc gia
Người dân thực hiện đăng ký khai sinh, lý lịch tư pháp thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ rất thuận tiện và tiết kiệm thời gian (Ảnh: Mạnh Phan) |
Tuy nhiên, các thủ tục hành chính còn có thể tiết giảm được đến mức tối đa chi phí thực hiện (thời gian, thành phần hồ sơ) nếu được thực hiện thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia như: Cắt giảm giấy chứng sinh khi kết nối với dữ liệu của các cơ sở y tế...
Giảm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động
Về cấp phiếu lý lịch tư pháp, 14 tỉnh, thành phố đang thực hiện tích hợp, kiểm thử để cung cấp dịch vụ công này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, việc triển khai này sẽ giúp địa phương không phải nhập số liệu, hồ sơ nhiều lần vào hệ thống, qua đó giảm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động.
Cơ sở dữ liệu đăng ký, quản lý hộ tịch đã được Bộ Tư pháp triển khai đến 60/63 địa phương. Đây là thuận lợi lớn để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi toàn quốc tại Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho biết, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với một số đơn vị có liên quan thuộc các Bộ Tư pháp, Công an, Quốc phòng và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trao đổi, thống nhất về giải pháp triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với các thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh, đăng ký giao dịch bảo đảm.
Qua thực hiện cho thấy, các thủ tục về đăng ký giao dịch bảo đảm, cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh là các thủ tục hành chính có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, đồng thời có tần suất thực hiện lớn.
Ông Phan dẫn chứng, năm 2018, đăng ký khai sinh là trên 3,7 triệu trường hợp; cấp phiếu lý lịch tư pháp trên 562.800 trường hợp; 627.651 hồ sơ thực hiện biện pháp đăng ký giao dịch bảo đảm, trong đó 30% hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tiếp, qua đường bưu chính, 70% số hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến. Năm 2019, đăng ký khai sinh là gần 2,1 triệu trường hợp; 559.810 yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp; 710.489 hồ sơ thực hiện biện pháp đăng ký giao dịch bảo đảm.
Cũng theo ông Ngô Hải Phan, để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, hiện nay nhiều địa phương đã thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 6 địa phương (Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Tây Ninh, Lai Châu) đã tích hợp thủ tục đăng ký khai sinh (1.063 hồ sơ đã được tiếp nhận, xử lý trực tuyến), 16 tỉnh đang thực hiện tích hợp, kiểm thử. Về cấp phiếu lý lịch tư pháp, 14 tỉnh, thành phố đang thực hiện tích hợp, kiểm thử để cung cấp dịch vụ công này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Chỉ cần thao tác mất 5 phút để đăng ký giấy khai sinh cho con
Chị Nguyễn Bảo Ngọc (Ngọc Lâm, Hà Nội) chia sẻ “Sinh cháu đầu tiên cách đây 6 năm, khi đến đăng ký khai sinh, tôi không rõ phải mang những giấy tờ nào thành ra phải chạy đi chạy lại 2,3 lần mới hoàn tất các loại thủ tục. Do lần đầu bỡ ngỡ không biết mang theo giấy tờ gì nên tôi phải đi lại lòng vòng nhiều lần từ nhà đến quán photocopy, rồi đến UBND phường để phô tô, chứng thực sổ hộ khẩu (SHK), giấy chứng nhận kết hôn nộp vào hồ sơ.
Tuy nhiên năm nay, tôi đã tìm hiểu việc nộp hồ sơ trực tuyến đăng ký khai sinh, tôi chỉ mất 5 phút để thao tác đăng ký giấy sinh cho con, cũng không phải đến phường ngồi kê khai nữa. Khi nộp hồ sơ đăng ký khai sinh, tôi cũng được thực hiện các thủ tục khác như nhập hộ khẩu và cấp thẻ BHYT” .
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho hay, đăng ký giao dịch bảo đảm đã cung cấp dịch vụ công ở cấp độ 4. Đăng ký khai sinh trực tuyến cho trẻ đã triển khai ở 60 tỉnh, thành rất thuận lợi. Cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, về cơ bản là thao tác trên môi trường mạng. Với dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp, ở đầu mối của Bộ, việc tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia chỉ còn vấn đề kỹ thuật. Với việc đăng ký khai sinh, Bộ Tư pháp chỉ quản lý Nhà nước, không thực hiện trực tiếp. Bộ sẵn sàng chia sẻ thông tin quản lý Nhà nước mà Bộ có.
Đối với Hà Nội, Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn cho biết, đăng ký khai sinh của Hà Nội hàng năm khoảng 120 nghìn đăng ký; giao dịch bảo đảm năm 2019 khoảng 115 nghìn hồ sơ; riêng đăng ký lý lịch tư pháp tại Hà Nội có số lượng lớn, bình quân 1 ngày khoảng 400 hồ sơ nộp đăng ký. Sở Tư pháp nhất trí với 3 dịch vụ lĩnh vực tư pháp được nêu tại cuộc họp và đề nghị thực hiện càng sớm càng tốt và thực hiện ngay từ quý I/2020.
Tại Hải Phòng, trong 3 dịch vụ nêu trên đã đưa vào thực hiện 2 dịch vụ là: Đăng ký khai sinh và đăng ký phiếu lý lịch tư pháp. Tỉnh nhất trí cần tiếp tục đưa dịch vụ đăng ký giao dịch bảo đảm vào triển khai. Tỉnh Bắc Ninh cũng đã triển khai 2 dịch vụ: Đăng ký khai sinh và đăng ký phiếu lý lịch tư pháp triển khai ở mức độ 3. Đại diện tỉnh Hà Nam cũng cho biết hạ tầng của tỉnh bảo đảm để kết nối với Cổng DVCQG.
Tuy việc đăng ký khai sinh qua mạng có nhiều thuận tiện cho dân nhưng hiện nay số lượng người dân thực hiện chưa nhiều, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, chưa có nhiều điều kiện tiếp cận mạng internet. Vì thế, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân thấy được những lợi ích khi nộp hồ sơ qua mạng, góp phần đẩy mạnh công tác giải quyết hồ sơ trong thời đại 4.0 đạt hiệu quả cao.
* “Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |