Quảng Nam: Đẩy nhanh cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Khai trương Quầy dịch vụ điện trực tuyến tại Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam |
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉ lệ DVC trực tuyến bình quân cả nước đến nay vẫn chỉ đạt mức dưới 18%. Trong đó, tỉnh Quảng Nam khoảng 12,73%, vẫn còn khá xa để đạt mục tiêu 30% DVC trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.
Để hoàn thành chỉ tiêu này, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các cơ quan, địa phương khẩn trương triển khai quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành công việc trung ương giao.
Cụ thể: Trong tháng 9/2020 các sở, ngành liên quan phải tiến hành rà soát, đăng ký chỉ tiêu 30% DVC mức độ 4, để Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp trình phê duyệt và triển khai thực hiện.
Cùng với đó, Sở Công Thương tích hợp, cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục Thông báo sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại, trước ngày 15/10/2020; Sở Lao động, Thương binh - Xã hội và Bảo hiểm Xã hội chủ động, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kết nối hệ thống để tích hợp và triển khai cung cấp dịch vụ “Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động” trên Cổng DVC quốc gia trước ngày 15/10/2020.
Đối với Trung tâm Hành chính công tỉnh, phối hợp với cán bộ, công chức biệt phái tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến giải quyết công việc, nghiên cứu, tham mưu để giao chỉ tiêu tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 …
Sở Thông tin và Truyền thông, ngay trong tháng 10/2020 cần hoàn thành việc xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để kết nối; đồng bộ trạng thái tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (trước hạn, đúng hạn, quá hạn) từ Cổng DVC, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với Cổng DVC quốc gia.
Được biết, trong năm qua, tỉnh Quảng Nam đã rất nỗ lực trong việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, hệ thống phần mềm “một cửa” điện tử dùng chung của tỉnh đã được sử dụng tại 20 sở, ban, ngành; 18 huyện, thị xã, thành phố và 244 xã, phường, thị trấn, góp phần đẩy mạnh sự công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong việc phục vụ tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính.
“Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |