Hạ tầng giao thông: Chìa khóa để thu hút đầu tư tại vùng Đất Mũi
Đưa hạ tầng giao thông trở thành động lực
Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kì 2020 - 2025.
Hiện Cà Mau có hệ thống giao thông chủ yếu là đường bộ và đường thủy, với tuyến quốc lộ 1A kết nối tỉnh với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tuyến đường thủy nội địa chằng chịt.
Ngoài ra, tỉnh đã gấp rút hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63 đoạn qua nội ô thành phố Cà Mau, đầu tư tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Cà Mau, đường bờ Nam Sông Đốc, Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc và thông xe cầu sông Ông Đốc.
Cùng với đó, tỉnh đang tiếp tục ưu tiên nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm, như: Tuyến trục Đông - Tây, cầu Gành Hào nối Cà Mau - Bạc Liêu, tuyến đường Cà Mau - Đầm Dơi, Cái Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm, U Minh - Khánh Hội…
Cùng với đó, tỉnh đang tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vào cuối năm 2025. Đây là những tuyến giao thông quan trọng kết nối tỉnh Cà Mau với các trung tâm kinh tế lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối thành phố Cà Mau với các khu đô thị biển lớn của tỉnh, hình thành mạng lưới giao thông từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây.
Đường nối cao tốc được thông với quốc lộ 1 (đoạn qua huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) - Ảnh: Thanh Huyền |
Bên cạnh hoàn thiện giao thông đường bộ, tỉnh còn tập trung phát triển hạ tầng giao thông đường hàng không với việc nâng cấp, mở rộng sân bay Cà Mau.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi, cho biết: “Sắp tới cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hoàn thành, Sân bay Cà Mau được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các thị trường tiêu thụ lớn ở phía Bắc và miền Trung, hướng đến đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh”.
Nhờ vậy, hạ tầng giao thông được cải thiện không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà còn là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư.
Hệ thống giao thông được quy hoạch đồng bộ (Trong ảnh là Cầu Sông Đốc được thông xe nối liền đôi bờ sông Ông Đốc tại tỉnh Cà Mau) - Ảnh: Thanh Huyền |
Thách thức và định hướng tương lai
Dù đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, song Cà Mau vẫn phải đối mặt với không ít thách thức trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Trước hết là hệ thống giao thông tại tỉnh chưa đồng bộ, đặc biệt tại các vùng nông thôn và ven biển. Nhiều tuyến đường giao thông nội tỉnh còn nhỏ hẹp, xuống cấp, ảnh hưởng đến việc kết nối giữa các khu vực kinh tế trọng điểm.
Nguồn vốn đầu tư cho các dự án giao thông cũng là một bài toán khó, khi phần lớn vẫn phụ thuộc vào ngân sách Trung ương và các nguồn tài trợ khác, trong khi nhu cầu vốn để phát triển hạ tầng ngày càng tăng cao.
Đặc biệt, Cà Mau còn chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu, như xói lở bờ biển và sụt lún đất, gây khó khăn trong việc duy trì và bảo vệ các công trình giao thông, làm tăng chi phí đầu tư và bảo trì.
Biến đổi khí hậu gây nên tình trạng sạt lở bờ biển, tỉnh Cà Mau huy động các nguồn nước tập trung gia cố, nâng cấp các tuyến kè biển (Ảnh: HN) |
Trước những thách thức này, Cà Mau đã đưa ra các định hướng chiến lược trong giai đoạn tới. Đầu tiên, tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; được xem là dự án trọng điểm nhằm kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các khu vực kinh tế lớn.
Đồng thời, hệ thống giao thông liên tỉnh và các tuyến đường nối các khu vực ven biển sẽ được nâng cấp để đảm bảo giao thông thuận tiện, hỗ trợ cho các ngành kinh tế chủ lực như thủy sản, năng lượng tái tạo và du lịch.
Song song đó, Cà Mau sẽ chú trọng phát triển hệ thống đường thủy và cảng biển để khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, đồng thời nâng cao năng lực logistics và vận tải hàng hóa.
Tỉnh cũng sẽ thúc đẩy thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân, thông qua các mô hình hợp tác công - tư (PPP), nhằm tăng cường nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông một cách bền vững.
Cà Mau kì vọng thông qua những nỗ lực này không chỉ góp phần giải quyết các tồn tại hiện tại mà còn đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt.
Hạ tầng giao thông chính là “đòn bẩy” để Cà Mau khai thác tối đa tiềm năng kinh tế tiến xa hơn trên bản đồ kinh tế trong tương lai.