Hà Nội phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019 (Đợt 2)
Theo quyết định này có 66 sản phẩm từ ba (3) sao trở lên của 15 chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, có 3 sản phẩm có tiềm năng đạt năm (5) sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia; có 43 sản phẩm đạt hạng bốn (4) sao; có 20 sản phẩm đạt hạng ba (3) sao.
Tại quyết định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ theo quy định, báo cáo UBND Thành phố trình Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia đối với các sản phẩm có tiềm năng đạt năm (5) sao. Bên cạnh đó, tổ chức công bố sản phẩm được phân hạng, hướng dẫn UBND các huyện, các chủ thể OCOP được phân hạng thực hiện việc sử dụng và in nhãn hiệu OCOP, thứ hạng sao trên bao bì sản phẩm được công nhận theo quy định. Đồng thời, Sở này cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ các sản phẩm, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm về tiêu chuẩn xếp loại sản phẩm và các quy định khác của nhà nước theo quy định của pháp luật và Thành phố.
TP Hà Nội giao UBND các huyện, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, các chủ thể OCOP có sản phẩm tiềm năng đạt năm (5) sao có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ gửi Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trình UBND Thành phố báo cáo Trung ương xem xét, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.
Các chủ thể OCOP có sản phẩm được công nhận ba (3) và bốn (4) sao tại Quyết định này, có trách nhiệm hoàn thiện sản phẩm đảm bảo chất lượng theo quy định của Chương trình OCOP. Duy trì và nâng cấp các sản phẩm OCOP để tham gia thi nâng hạng sao hằng năm.