Hà Nội phát hiện thêm ba ổ dịch tả lợn châu Phi
Các địa phương đã tiến hành tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc tiêu độc khử trùng để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bùng phát
Bài liên quan
Hà Nội thực hiện “5 không” để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Tiểu ban Kinh tế - Xã hội
Thủ tướng chủ trì hội nghị cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi
Đẩy nhanh triển khai Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia
Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hà Nội có thêm ba ổ dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Đông Anh, Gia Lâm và Hoàng Mai. Như vậy, đến thời điểm ngày 7/3, trên địa bàn Hà Nội đã có 4 ổ dịch tả lợn Châu Phi.
Cụ thể, tại huyện Đông Anh, ổ dịch được xác định tại hộ gia đình bà Trương Thị Vân ở xóm 6, thôn Thụy Lôi (xã Thụy Lâm, Đông Anh). Theo bà Vân, ngay khi có 1 con lợn bị chết, gia đình đã báo cáo lên UBND xã Thụy Lâm. Trong vòng 5 giờ đồng hồ, UBND huyện Đông Anh đã phối hợp với Chi cục Thú y Vùng 1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 10 con của hộ bà Vân. Trong ngày 6/3, huyện cũng đã tiến hành tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn xã Thụy Lâm.
Nói về công tác ngăn chặn dịch bùng phát trên địa bàn huyện, đồng chí Nguyễn Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết: Hiện địa phương đã lập 3 chốt kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào xã Thụy Lâm. Mỗi chốt kiểm dịch có 3 cán bộ liên ngành (Công an viên/dân quân tự vệ, cán bộ xã, nhân viên thú y) làm nhiệm vụ, ứng trực 24/24h, giám sát, phun thuốc phòng dịch cho các phương tiện ra vào xã. Hiện, mỗi ngày, cơ quan chức năng tổ chức phun thuốc hai lần tại ổ dịch thôn Thụy Lôi. Dự kiến, sẽ phun tiêu độc khử trùng hai lần/tuần trên địa bàn toàn xã Thụy Lâm.
Tại huyện Gia Lâm, ổ dịch tả lợn châu Phi được xác định tại gia đình ông Đỗ Văn Bạc (thôn Bình Chù, xã Dương Quang). Sau khi lấy mẫu xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Gia Lâm đã phối hợp với chính quyền xã Dương Quang đã tổ chức tiêu hủy 29 con lợn của hộ gia đình ông Đỗ Văn Bạc và tiến hành tiêu độc khử trùng toàn bộ trang trại của gia đình.
Còn tại quận Hoàng Mai, ổ dịch tả lợn được phát hiện tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Lan (số 6, ngách 95/203 phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam). Hộ bà Lan chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, với tổng đàn lợn 46 con. Những ngày qua, có 4 con lợn mắc bệnh và đã bị chết. Một số con lợn khác trong tổng số 46 con cũng có dấu hiệu bị bệnh. Ngay sau khi nhận thấy lợn bị ốm chết, bà Lan đã nhanh chóng cấp báo cho chính quyền địa phương để được hướng dẫn các biện pháp phòng chống.
Hiện toàn bộ 46 con lợn bị bệnh, nghi bị bệnh của gia đình bà Lan đã được tiêu hủy theo quy trình chuyên môn, địa phương đã thực hiện tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường toàn phường Lĩnh Nam. Đồng thời, lập các chốt chặn kiểm dịch nhằm giám sát việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa bàn, không để bệnh dịch lây lan.
Trước đó, tại Hà Nội, dịch tả lợn Châu Phi cũng đã lây nhiễm trên đàn lợn của một hộ chăn nuôi lợn rừng ở khu Đầm Nấm, phường Ngọc Thụy, Long Biên. Toàn bộ 25 con lợn rừng được nuôi tại đây dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ngay lập tức, đàn lợn tại đây đã được tiêu hủy theo quy định, hệ thống chuồng trại được tiêu độc khử trùng. Tuy nhiên, nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi sẽ còn lan rộng, bởi hiện nay tình trạng “bán tháo” lợn vẫn xảy ra. Đặc biệt tình trạng giết mổ, vận chuyển lợn và thịt lợn không đúng quy định vẫn tiếp diễn, khó kiểm soát toàn diện bởi lực lượng cán bộ thú y quá mỏng.
Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y cho biết, từ ngày 1/2 - 5/3, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 331 hộ, 49 xã, 20 huyện của 9 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên và Hòa Bình), tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 6.471 con.