Hà Nội phấn đấu có thêm 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2019
Mô hình sản xuất rau thủy canh của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm (Hà Nội)
Bài liên quan
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Trao giải báo chí về nông thôn mới cho 39 tác phẩm xuất sắc
Củng cố niềm tin của nhân dân từ những hoạt động thiết thực
Nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, phát huy tiềm năng kinh tế tập thể
Nhờ thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, những năm qua, ngành nông nghiệp Thủ đô có nhiều khởi sắc. Điều này thể hiện rõ qua diện tích trồng rau an toàn, rau hữu cơ tăng mạnh và chất lượng đã nâng lên rõ rệt. Trong đó diện tích trồng rau an toàn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt hơn 5.000 ha, hơn 300 ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả cho thu nhập cao, đạt giá trị từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng /ha/năm, tăng từ 3 đến 20 lần so với trồng lúa.
Bên cạnh đó, hiện thành phố đã xây dựng được 131 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (tăng bốn mô hình so với năm 2018), nổi bật như: Nhà máy sản xuất Nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức; mô hình sản xuất rau thủy canh của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm; mô hình trồng hoa lan hồ điệp tại HTX Đan Hoài - Flora, huyện Đan Phượng...; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Thủ đô.
Ngoài việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành phố còn có hơn 120 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với nhiều nhãn hiệu được bảo hộ như: gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn chín muộn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... nhờ đó, đời sống của người dân được cải thiện, kinh tế của địa phương được nâng cao.
Đánh giá về những kết quả đạt được, Chi cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng: Nhờ có quá trình xây dựng NTM, hầu hết cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư khang trang, 100% số trạm y tế xã có bác sĩ. Người dân có việc làm, thu nhập tốt hơn nhờ sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Năm 2018, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của Thủ đô ước đạt 46,5 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,81%. Từ những thành tựu nêu trên, Hà Nội đang hướng đến xây dựng NTM nâng cao.
Trước đó, UBND thành phố đã ban hành bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018 - 2020. Trên cơ sở đó, thành phố chỉ đạo các huyện, thị xã rà soát, lựa chọn và tổ chức cho các xã đăng ký. Cùng với đó chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Mặc dù có nhiều thành tích trong công tác xây dựng NTM, tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn một số bất cập như: công tác tuyên truyền chưa sâu rộng; cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ huyện đến xã đều kiêm nhiệm, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc. Việc quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn còn yếu, đặc biệt ở một số làng nghề chưa có giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu khiến đời sống sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Chí cũng cho rằng, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế trong việc thu hút được các hộ, các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là mối lo của người tiêu dùng.
Để làm tốt hơn nữa công tác xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Chí yêu cầu: Thời gian tới, các địa phương cần thực hiện xây dựng NTM bảo đảm chất lượng, đồng bộ, hiệu quả, bền vững, gắn kết với phát triển du lịch, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Các địa phương cần tập trung nguồn lực, trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia để đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng cho nông thôn, nhất là các lĩnh vực môi trường, xử lý rác, nước thải, cung cấp nước sạch...
Đồng thời, các địa phương phải tích cực tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Tập trung hỗ trợ giảm nghèo, đào tạo nghề, tạo thêm việc làm cho nông dân. Các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao năm 2019 tập trung quyết liệt xây dựng và hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt, cơ bản đạt, phấn đấu năm nay có thêm 30 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương