Hà Nội luôn song hành cùng các tỉnh, thành kết nối, tiêu thụ nông sản
Sáng 23/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Hà Nội và 40 tỉnh, thành phố đã phối hợp tổ chức diễn đàn trực tuyến "Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố".
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội có vị trí địa lý, chính trị quan trọng, là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn với mạng lưới phân phối đồng bộ, hiện đại thúc đẩy sự phát triển sản xuất, kinh doanh của cả nước nói chung, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng.
Theo ông Quyền, với vị thế là Thủ đô, hiện nay sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chiếm 2,3% GRDP song sản phẩm làm ra mới chỉ đáp ứng từ 30-65% nhu cầu, tùy theo từng loại sản phẩm. Nhu cầu cho hơn 10 triệu dân sinh sống và làm việc trên địa bàn, lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, triển khai từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu từ nước ngoài.
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương "Hà Nội cùng cả nước, cả nước cùng Hà Nội", thành phố luôn phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông lâm thủy sản của các tỉnh, thành phố quảng bá, kết nối, tiêu thụ và lưu thông trên địa bàn bằng nhiều hình thức để tiêu thụ đạt mức cao nhất, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, liên kết phục vụ nhu cầu của người dân.
Một số mặt hàng nông sản mũi nhọn của Hà Nội như gà đồi Ba Vì, gà mía Sơn Tây, nhãn chín muộn Quốc Oai, ổi Đông Dư, cốm Mễ Trì... cũng được thúc đẩy tiêu thụ bằng nhiều kênh khác nhau. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, Hà Nội đã phối hợp với 45 tỉnh, thành phố để cung cấp, đảm bảo thực phẩm, góp phần chung vào thành quả vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng các tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn (Ảnh: CTT Quốc Oai) |
Mặt khác, Hà Nội đã xây dựng, phát triển được 141 chuỗi thực phẩm, trong đó nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu lớn trên thị trường. Nhiều hoạt động kết nối giao thương, giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã được thực hiện một cách hiệu quả.
"UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành cùng các tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Thành phố sẽ nghiên cứu, triển khai các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại trong bối cảnh bình thường mới", ông Quyền chia sẻ.
Chia sẻ thêm tại diễn đàn, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, thành phố có diện tích đất nông nghiệp khoảng 189.000ha, chiếm 56% tổng diện tích đất tự nhiên, tuy nhiên các sản phẩm tự cung chỉ đáp ứng từ 30-65% nhu cầu.
Theo bà Lan, nhu cầu tiêu dùng của 10,3 triệu người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn Hà Nội trong một tháng là rất lớn.
Cụ thể, gạo cần đáp ứng 92.970 tấn (khả năng tự cung ứng 56.338 tấn, đáp ứng 56,6% nhu cầu); thịt lợn hơi 18.594 tấn (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn, đáp ứng 94,1% nhu cầu); thịt bò 5.350 tấn (khả năng tự cung ứng 1.032 tấn, đáp ứng 19,3% nhu cầu); thịt gia cầm 6.198 tấn (khả năng tự cung ứng 10.671 tấn).
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội phát biểu tại diễn đàn (Ảnh chụp màn hình) |
Bên cạnh đó, người dân Thủ đô có nhu cầu sử dụng khoảng 5.350 tấn thủy hải sản đông lạnh (khả năng tự cung ứng 10.350 tấn, chủ yếu là nước ngọt, các mặt hàng thủy sản nước lợ và nước mặn nhập từ các tỉnh 2.000 tấn/tháng); Thực phẩm chế biến 5.165 tấn (khả năng tự cung ứng 1.000 tấn, đáp ứng 19% nhu cầu); Rau củ quả 103.300 tấn (khả năng tự cung ứng 68.000 tấn, đáp ứng 65,1% nhu cầu); Trái cây 52.000 tấn (khả năng tự cung ứng 15.000 tấn, đáp ứng 28,8% nhu cầu); Trứng gia cầm 123,9 triệu quả (khả năng tự cung ứng 117 triệu quả, đáp ứng 94,2% nhu cầu).
Theo bà Lan, số lượng hàng còn thiếu, trong nhiều năm qua, TP Hà Nội phải kết nối với tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là một số địa phương phía Bắc để đảm bảo cân đối cung cầu thị trường.
Bà Lan cũng cho biết, hầu hết các sản phẩm của các tỉnh, thành phố đều có mặt tại thị trường Hà Nội, trong đó các đặc sản vùng miền cũng đều được kết nối vào các hệ thống phân phối, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu đến toàn thể người dân Thủ đô.
Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cho biết, tình hình cung ứng, tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, đặc biệt là dịp Tết sẽ còn khó khăn. Trong đó, diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, do đó việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương sẽ còn gặp hạn chế.
Đồng thời, một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, gia cầm, thuỷ cầm, thủy hải sản hiện nay giá xuống quá thấp, người dân tái đàn không nhiều và cũng không mặn mà, do đó Sở Công thương Hà Nội dự báo nguồn cung các sản phẩm này sẽ khó khăn và có ảnh hưởng nhất định đến việc phục vụ hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán.
Ngoài các loại hàng hóa thông thường và phục vụ phòng chống dịch, hiện Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết với 11 mặt hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết, tương ứng với giá trị khoảng 39.000 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Hà Nội mong muốn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương các tỉnh, thành tiếp tục phối hợp để triển khai kế hoạch phục vụ Tết, cũng như cân đối cung cầu; giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn Thủ đô.
"Hà Nội cũng sẵn sàng tổ chức các sự kiện để kết nối sản phẩm của các tỉnh, thành phố trên cả nước với các kênh siêu thị nước ngoài như MM Mega Maket, BigC, Aeon Mail... Đồng thời, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn trên 600 trang website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu", Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết.