Hà Nội đẩy mạnh vai trò của phụ nữ trong xây dựng Nông thôn mới
Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng Nông thôn mới của thành phố tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.
Đến thời điểm hiện nay, thành phố có 382/382 xã đã về đích Nông thôn mới, 47 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 5 xã (của huyện Đan Phượng) đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong việc tham gia xây dựng Nông thôn mới, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trong những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".
Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã tuyên truyền sâu rộng, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới |
Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã tuyên truyền sâu rộng, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ thay đổi tư duy, nhận thức về phát triển nông nghiệp; Tích cực tham gia xây dựng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương, góp phần hình thành nền kinh tế "xanh", các vùng sản xuất nông sản sạch; Đồng thời khuyến khích phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp; Hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Tính đến nay, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập 17 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác, 50 tổ liên kết do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm. Các cấp Hội cũng đã tín chấp cho vay vốn từ các chương trình hơn 7.300 tỷ đồng giúp phụ nữ phát triển kinh tế; 141 điểm phân phối thực phẩm sạch có sự tham gia của Hội...
Tiếp tục nâng cao vai trò của phụ nữ trong xây dựng Nông thôn mới
Không chỉ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông nông thông như hiến đất làm đường, lắp đặt thiết bị chiếu sáng, bê tông hóa đường nội đồng…
Đồng thời tích cực thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng các hoạt động chuỗi kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản; Hỗ trợ thành lập mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ.
Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục nâng cao vai trò của phụ nữ trong xây dựng Nông thôn mới |
Các cấp Hội đã chủ động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, phối hợp thực hiện hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ; Giúp phụ nữ thoát nghèo… Các mô hình tham gia bảo vệ môi trường của tổ chức Hội có sức lan tỏa sâu rộng như mô hình “Sạch đồng ruộng”, “Nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng xanh, sạch, đẹp và thân thiện môi trường”, “Đoạn đường nở hoa do phụ nữ tự quản”… góp phần đem lại diện mạo mới cho nông thôn.
Đặc biệt, một số mô hình điển hình tại các huyện như: Chương trình thu gom phân loại xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đông Anh triển khai tại hơn 1.500 hộ gia đình; Mô hình “Xử lý rơm rạ thu hoạch thành phân bón hữu cơ và thu gom rơm để trồng nấm” của các chi Hội phụ nữ huyện Sóc Sơn, huyện Đông Anh… đã góp phần giảm lượng rác thải gây ô nhiễm, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế của các hoạt động sản xuất nông nghiệp do chị em phụ nữ làm chủ.
Các mô hình với sự tham gia sâu sát của phụ nữ ở các cấp cơ sở cho thấy những thành công bước đầu và cần sự hỗ trợ lâu dài để trở thành phong trào tại các khu vực ngoại thành Hà Nội.
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ nông thônMới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025”. Mục tiêu của Đề án nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Phụ nữ trong việc tham gia đóng góp hiệu quả vào việc xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, cải thiện chất lượng môi trường nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cộng đồng cho phụ nữ nông thôn giai đoạn đến năm 2025. Cụ thể, phấn đấu 100% cán bộ, hội viên phụ nữ, hộ gia đình kinh doanh được tuyên truyền nâng cao nhận thức tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác có phụ nữ tham gia quản lý; 100% hội viên, phụ nữ khu vực nông thôn được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ và xử lý rơm rạ tại hộ gia đình. Thành phố Hà Nội hỗ trợ xây dựng mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn”; Mô hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch”; Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản các xã trên địa bàn thực hiện 2 mô hình này. Ngoài ra, mỗi cơ sở Hội có ít nhất 1 mô hình, công trình/phần việc tham gia xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh gắn với tiêu chí đô thị. Tổng kinh phí dự kiện thực hiện Đề án là hơn 20,1 tỷ đồng. UBND thành phố Hà Nội giao Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội là cơ quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả, không để xảy ra thất thoát ngân sách nhà nước, không trùng lắp với các nội dung, nhiệm vụ của các sở, ngành liên quan. |