Giới trẻ “khoe tiêm” lan tỏa thông điệp vắc xin an toàn
Petrovietnam với "chiến dịch" tiêm vắc-xin và mục tiêu kép |
Bình Dương: Dự kiến tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho hơn 95% dân số |
Người dân cả nước chung một tấm lòng với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh |
Qua những hình ảnh, trải nghiệm của mỗi người, họ đã, đang lan tỏa thông điệp về vắc xin an toàn và hiệu quả bằng việc làm thực tế của mình.
Sau khi tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19, BTV Hoài Anh (Đài Truyền hình Việt Nam) đã có những dòng trạng thái dài trên trang Facebook cá nhân. Hoài Anh cho biết, chị đi tiêm với tâm trạng có chút hồi hộp nhưng khi vào đến bệnh viện, nhờ các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chào đón và trò chuyện rất thân tình nên cảm giác hồi hộp gần như tan biến.
BTV Hoài Anh chia sẻ, sau thủ tục đăng ký giấy tờ khá nhanh gọn thì mình vào trước tiên là phòng khám sàng lọc. Bạn sẽ được đo huyết áp, nghe nhịp tim, phổi. Các bác sĩ cũng sẽ hỏi về tiền sử bệnh tật, bạn có bệnh nền hoặc cơ địa có dị ứng gì không... Nếu đủ điều kiện, bạn sẽ được chuyển sang ngồi đợi trước phòng tiêm.
Bạn trẻ được tiêm vắc-xin phòng, chống dịch và chia sẻ ảnh lên mạng xã hội |
Vào phòng tiêm, bác sĩ rất tâm lý, trò chuyện rất vui vẻ để bạn bớt đi sự hồi hộp nếu có. Quá trình tiêm diễn ra nhanh và gần như không đau chút nào. Bác sĩ thao tác rất nhẹ nhàng. Sau khi tiêm, bệnh viện sẽ yêu cầu bạn ngồi lại một giờ để theo dõi. Khu vực chờ sau tiêm rất rộng rãi, sạch sẽ và thông thoáng. Trong giờ theo dõi đó bạn sẽ được đo huyết áp, kiểm tra tình trạng sức khoẻ 2 lần.
Sau một giờ theo dõi, khi mọi thứ đều ổn, không có biểu hiện bất thường nào, bạn sẽ nhận được giấy chứng nhận đã tiêm chủng Covid-19 và ra về. Tuy nhiên mọi việc chưa hoàn toàn hoàn tất ở đây. Theo khuyến cáo của bác sĩ, bạn cần theo dõi và lắng nghe cơ thể mình trong khoảng 1 - 2 tuần tiếp theo…
BTV Hoài Anh bày tỏ: “Mình mong sẽ được đọc nhiều hơn những dòng tiếp theo của chính các bạn, kể về hành trình đi tiêm của chính mình, một kỷ niệm, một dấu mốc nho nhỏ của bản thân nhưng là to lớn của nhân loại, đánh dấu bước ngoặt chúng ta khống chế và dần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19…”.
Bạn trẻ được tiêm vắc xin và bày tỏ: "Tiêm chẳng thấy đau tẹo nào!" |
Facebook Vũ Thơ chia sẻ: “Sau khi tiêm mũi vắc xin đầu tiên phòng dịch Covid-19, tôi đã sốt và đau người nhừ tử như một trận cảm sốt kịch liệt. Quả thực, mấy chục năm rồi mới lại bị cơn sốt như thế nhưng sau hơn một ngày trải qua cảm giác khó chịu thì đến sáng mọi thứ đã trở về trạng thái bình thường. Trong cơn sốt, tôi mới càng thấy việc tiêm vắc xin là vô cùng cần thiết vì nếu không tiêm mà không may dính dịch, bị sốt như này thì có khi là “tèo”. Vậy nên nếu ai có cơ hội tiêm thì tiêm ngay nhé, đừng sợ!”.
Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ vì sợ, rồi theo lời khuyên, động viên của mọi người, chị Trang Vân (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cùng các đồng nghiệp ở cơ quan.
Chị Vân bày tỏ: “Khi biết tôi quyết định tiêm, tình cảm và xúc động nhất là có những người anh, chị đi trước đã chỉ dẫn cho tôi xử lý các tình huống trước, trong và sau khi tiêm. Ơn trời lần tiêm phòng Covid-19 đầu tiên đều tốt đẹp, tôi vẫn khỏe mạnh, bình an, tương tác tốt sau khi tiêm. Nếu có cơ hội tiêm thì hãy tiêm nhé cả nhà và nhớ hỏi kinh nghiệm trước khi tiêm”.
Bạn trẻ để ảnh đại diện trên Facebook "chứng nhận" đã tiêm vắc-xin |
Bạn Phương Thu (ở quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, sau 48 giờ tiêm chủng thì cơ thể trở về trạng thái bình thường, khoẻ mạnh. Bạn Thu cho biết: “Lúc đầu cực kỳ lo lắng nhưng mình vẫn quyết định đi tiêm, bởi để có thể tiếp cận được nguồn vắc xin lúc này là cố gắng rất lớn của Chính phủ, ban lãnh đạo cơ quan. Hơn nữa, mình rất tin tưởng vào hướng dẫn phòng phản ứng phản vệ có thể xảy ra khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 được cập nhật liên tục từ Bộ Y tế, cộng thêm tỷ lệ anh chị em ở cơ quan đăng ký tiêm rất đông.
24 giờ sau tiêm mình đã chuẩn bị đón nhận các “combo” như sốt cao liên tục, mỏi nhức cơ thể nhưng thật may, người chỉ hơi nóng, khoảng 37,5 độ C, mỏi cơ một bên cánh tay. Thế nên, mọi người cứ yên tâm đi tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19. Đồng thời mọi người khi tiêm xong vẫn thực hiện "5K" nghiêm túc nhé”.
Hiện nay, trên mạng cũng có một số ý kiến trái chiều về việc các bạn trẻ đăng ảnh mình được tiêm vắc xin trên Facebook, Zalo và các trang mạng xã hội khác. Họ cho rằng đấy là “trào lưu khoe mẽ”, gây phiền nhiễu cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người đã lập tức “phản pháo” suy nghĩ đó. Là người đã tham gia tiêm phòng Covid-19, anh Hoàng Tùng (ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng: “Tôi thấy mình nên có trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng những hiểu biết và trải nghiệm của bản thân về việc tiêm vắc xin phòng, chống dịch. Hành động đăng ảnh, trạng thái sau khi tiêm lên mạng không đáng bị chê trách. Không chỉ riêng tôi, rất nhiều bạn trẻ, thậm chí các thế hệ người lớn tuổi hơn cũng có nhu cầu chia sẻ những trải nghiệm chân thật nhất của mình khi đi tiêm phòng với bạn bè, người thân. Cách đơn giản mà chúng tôi lựa chọn chính là viết dòng trạng thái, đăng tải hình ảnh hoặc chia sẻ những bài “review” tích cực cho cộng đồng”. |