Người dân cả nước chung một tấm lòng với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh
Quỹ của tinh thần đoàn kết, trái tim kết nối trái tim
Ngày 5/6 vừa qua, Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 chính thức được ra mắt. Quỹ được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực xã hội chia sẻ cùng ngân sách Nhà nước phục vụ mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 cho Nhân dân. Quỹ hoạt động trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
Có thể thấy, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, đồng tình, trách nhiệm của toàn thể Nhân dân, Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực trong phòng chống dịch. Tuy nhiên, để tiến công thắng lợi trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, vắc-xin là vũ khí lợi hại nhất, là tiên quyết để cuộc chiến đi đến thắng lợi toàn diện.
Theo các tính toán, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần có khoảng 150 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng hơn 25.000 tỷ đồng. Cùng với đó, dịch bệnh được dự báo chưa thể kết thúc sớm, “sống chung với dịch bệnh” trở thành yêu cầu thường trực, hiệu lực của vắc-xin lại không kéo dài, việc tiêm phải tiến hành định kỳ. Tất cả những điều này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn trong khi Việt Nam còn nhiều khó khăn, ngân sách Nhà nước hạn hẹp.
Quỹ được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước |
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp cho Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, các "mạnh thường quân" đã tích cực đóng góp với tinh thần trách nhiệm cộng đồng rất cao, vì mục tiêu chung đẩy lùi và chiến thắng dịch Covid-19.
Ngay sau lời kêu gọi, phát động của Thủ tướng Chính phủ, nhiều người dân, đơn vị, doanh nghiệp đã chung tay đóng góp vào Quỹ vắc-xin. Trong đó có nhiều doanh nghiệp góp hàng trăm tỷ đồng như: Công ty Golf Long Thành ủng hộ 500 tỷ đồng; Tập đoàn Vingroup 480 tỷ đồng; Tổng Công ty Viễn thông Quân đội - Viettel 450 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam mỗi đơn vị 400 tỷ đồng…
Anh Vũ Đức Huy (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Người dân Việt Nam có truyền thống “tương thân tương ái”. Qua thời gian, truyền thống quý báu này đã hun đúc trong mỗi người con đất Việt và gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này. Truyền thống ấy càng tỏa sáng mỗi khi đất nước gặp khó khăn như chiến tranh, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh… Chính vì vậy, sự chia sẻ, trách nhiệm, cảm thông của Nhân dân với Nhà nước là nhân tố quan trọng để tin rằng Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi tầng lớp.
“Mỗi đóng góp đều có ý nghĩa cho sự an toàn của bản thân, gia đình chúng ta; Cho cộng đồng và cả xã hội. Đây là quỹ của sự nhân ái, tinh thần đoàn kết, niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng. Để một lần nữa, chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch Covid-19”, anh Vũ Đức Huy nhấn mạnh.
Giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định
Trong thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, đồng tình, trách nhiệm của toàn thể Nhân dân với phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, Việt Nam đã được ghi nhận là một trong những điểm sáng trên thế giới về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Về chống dịch, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia xử lý đại dịch hiệu quả nhất với tỷ lệ người nhiễm và tử vong thấp nhất. Về kinh tế, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi tăng trưởng dương trên thế giới trong thời gian xảy ra đại dịch. Điều đó thể hiện hiệu quả lời hiệu triệu “chống dịch như chống giặc” của Đảng, Nhà nước và toàn thể Nhân dân với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, phản ứng kịp thời, sát thực tiễn và sự đồng lòng, đoàn kết của cả dân tộc.
Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 được xem là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định |
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp với chủng mới từ Ấn Độ và Vương quốc Anh, có tốc độ lây lan nhanh, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp chống dịch theo phương châm mới “5K + vắc xin”. Đồng thời, công cuộc này phải ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi, nghiêm ngặt để thực hiện được “mục tiêu kép” vừa chống dịch và phát triển kinh tế.
Tiếp nối các sự kiện phát động quyên góp của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 là chủ trương của Đảng, Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị để huy động nguồn lực xã hội thực hiện công tác phòng chống dịch. Cuộc chiến với Covid-19 bằng vũ khí vắc-xin, chúng ta sẽ phải đi đường dài, phải tiêm cho Nhân dân hằng năm.
Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: "Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 là nguồn lực vô cùng quý báu và quan trọng để cho đất nước ta chống lại đại dịch, góp phần giúp kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển.
Chúng tôi hiểu rằng, tiền trong quỹ dù một đồng cũng là kết tinh của tình yêu thương, trách nhiệm, sự sẻ chia và tinh thần yêu nước sâu sắc của Nhân dân. Chúng tôi phải có trách nhiệm quản lý đúng đắn, chặt chẽ, minh bạch, và sử dụng Quỹ tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ công tác phòng chống dịch tốt nhất cho Nhân dân. Khi có yêu cầu của Bộ Y tế và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng tôi sẽ xuất Quỹ kịp thời để Bộ Y tế mua vắc-xin về phục vụ Nhân dân. Bộ Tài chính cam kết công khai, minh bạch số tiền hằng ngày, từng đợt ủng hộ và công khai quyết toán của Bộ Y tế sau từng đợt tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19”.