Giới trẻ háo hức xin chữ đầu năm, lưu giữ nét đẹp văn hoá truyền thống
Giới trẻ thích thú xin chữ “ông đồ” Tây TTTĐ - Sáng 15/1, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính thức khai mạc Hội chữ Xuân nhân dịp ... |
Đã như thông lệ, cứ đầu năm, Lê Trung Hưng (ở quận Đống Đa, Hà Nội) đều đến xin chữ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hưng chia sẻ: “Mỗi năm mình xin một chữ. Mình đã xin chữ: Học, An, Phúc, Đạt, Tâm… Năm nay mình xin chữ Nhẫn để treo trong phòng khách, nhắn nhủ mọi thành viên trong gia đình luôn kiên trì, nhẫn nại trong năm mới. Đi xin chữ, mình thấy rất thú vị bởi được tìm hiểu về văn hoá truyền thống của người Việt, đồng thời cùng người thân ghi lại những khoảnh khắc đẹp ngày xuân”.
Các bạn trẻ xin chữ ông đồ |
Hưng cho biết, trước đây cậu nghe và thấy thư pháp thường gắn liền với ông đồ già, còn những năm gần đây, hình ảnh “ông đồ trẻ” hay "bà đồ" đã mang lại những nét đẹp mới, thể hiện sự gìn giữ và kế thừa truyền thống.
Đến hẹn lại lên, mỗi dịp Tết, đón xuân mới, Nguyễn Hữu Thành (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều cùng bố mẹ dạo “phố ông đồ”, trong không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ở đây, cậu được chiêm ngưỡng nhưng tác phẩm thư pháp bằng chữ Hán - Nôm và chữ quốc ngữ. Ngoài hoạt động viết thư pháp, Thành còn rất háo hức tham quan khám phá những hàng trưng bày nghề truyền thống, trò chơi dân gian…
Chàng trai 9X chia sẻ: “Theo mình, hoạt động xin và cho chữ là một việc làm mang nhiều ý nghĩa và giá trị văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn. Trong những nét văn hoá truyền thống của dân tộc, mình rất thích tục xin chữ này”.
Lan toả nét đẹp văn hoá truyền thống xin chữ đầu năm |
Tục xin chữ mang một ý nghĩa quan trọng chính là sự trọng chữ nghĩa. Xin chữ đầu năm chính là mong muốn của cả người xin và người cho cho một năm mới toàn điều hạnh phúc, may mắn, bình an. Lộc chữ sẽ khiến cả năm đạt được nhiều điều tốt lành, như ý và những thành công trong cuộc sống.
Nét đẹp văn hoá này đã và đang được những người trẻ gìn giữ, lan toả. “Ngoài cầu may mắn, mình còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ và lấy chữ để răn mình. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam. Năm nay, mình xin chữ Đăng Khoa với hi vọng mọi kỳ thi sẽ may mắn đỗ đạt như kỳ vọng của bản thân”, Nguyễn Hữu Thành bày tỏ.