Gia Lâm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và Huân chương Lao động hạng 3 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm
Bài liên quan
Gia Lâm đón nhận Danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng đô thị
Gia Lâm xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị
Dự Hội nghị có các đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Công Soái, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội. Cùng dự còn có các đại diện lãnh đạo các ban, ngành, quận, huyện thị xã thuộc thành phố Hà Nội...
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội phát biểu tại Hội nghị |
Trước khi diễn ra lễ công bố và đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới, các đồng chí đại biểu đã tham quan những gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản của huyện Gia Lâm và các địa phương trên địa bàn thành phố.
20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Báo cáo kết quả xây dựng huyện nông thôn mới và tổng kết phong trào thi đua, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2019, đồng chí Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, cho biết: Gia Lâm là huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội. Năm 2010, Gia Lâm bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, từ chỗ 20 xã chỉ đạt bình quân 7 tiêu chí/xã, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng chưa đạt như: Quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội, hộ nghèo, môi trường…
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, cùng các đại biểu tham quan gian hàng bên lề hội nghị |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố và Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Với chủ trương đúng đắn, cách làm sáng tạo, không chạy theo thành tích, huy động tốt các nguồn lực, nhất là sức dân, giai đoạn 2010-2019, Gia Lâm đã đầu tư 6.300 tỷ đồng để phát triển, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị trên địa bàn huyện. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. Đến nay, 20/20 xã đã về đích nông thôn mới. Kế hoạch năm 2020 toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã kiểu mẫu.
Theo báo cáo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm trước. Trong giai đoạn từ 2010 – 2019, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng bình quân 11,08%. Tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm tăng cao, đến năm 2019 đạt 3.165 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55,4 triệu đồng/người (tăng 37,5 triệu đồng so với năm 2010). Toàn huyện không còn hộ nghèo (năm 2010 là 6,25%) .
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, cùng các đại biểu tham quan gian hàng bên lề Hội nghị |
Nhờ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mói, bộ mặt nông thôn Gia Lâm ngày càng đổi mới. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã; đường trục thôn, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; gần 99% đường ngõ xóm được bê tông hóa; 100% tuyến đường từ 2m trở lên được lắp đặt chiếu sáng. Huyện đã hình thành 11 tuyến phố văn minh đô thị, triển khai thực hiện 14 dự án tuyến đường hạ tầng khung.
Đồng thời, huyện cũng thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 42 tuyến trục chính khớp nối hệ thống giao thông của huyện. Hệ thống công trình thủy lợi của Gia Lâm luôn được cải tạo, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng. Đến nay, toàn huyện đã kiên cố 447,5km kênh mương nội đồng hoạt động có hiệu quả. Hệ thống điện, chiếu sáng, cây xanh được đầu tư đồng bộ, tỷ lệ hộ dân dùng điện lưới Quốc gia đạt 100%.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cùng các đại biểu tham quan gian hàng bên lề Hội nghị |
Hiểu rõ phát triển nông nghiệp bền vững là khâu đột phá, có tác động trực tiếp và tích cực đến 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, huyện Gia Lâm đã xây dựng và phê duyệt “Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020". Trong đó, huyện tập trung đầu tư hạ tầng nông nghiệp và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp với trên 115 tỷ đồng.
Huyện Gia Lâm đã chuyển đổi hơn 1.400ha lúa sang trồng rau, cây ăn quả, cây cảnh; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, hình thành 145 tổ nhóm PGS, 18 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 22 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực; tiêu biểu mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín tại xã Phù Đổng; các mô hình cam theo tiêu chuẩn VietGAP thôn Báo đáp, xã Kiêu Kỵ; rau thủy canh công nghệ cao xã Đa Tốn; mô hình rau an toàn xã Văn Đức...
Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp, những năm qua, huyện Gia Lâm luôn đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 10,56%. Trên địa bàn huyện có 1.110 doanh nghiệp công nghiệp và 2.226 hộ sản xuất công nghiệp; 5 cụm công nghiệp đi vào hoạt động ổn định.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, báo cáo kết quả xây dựng huyện nông thôn mới và tổng kết phong trào thi đua, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2019 |
Cùng với đó, phát huy những tiềm năng, lợi thế của huyện về di tích lịch sử, văn hóa; làng nghề truyền thống, nông nghiệp và thuận lợi về giao thông, những năm gần đây, huyện Gia Lâm không ngừng xây dựng và phát triển thị trường du lịch, hướng tới sản phẩm du lịch đón đầu như: Du lịch sinh thái, du lịch làng nghề văn hóa, du lịch Tâm linh...
Đặc biệt năm 2019, huyên Gia Lâm đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đánh giá phân hạng sản phẩm Ocop đối với 19 bộ sản phẩm. Trong đó có 14 bộ sản phẩm đã được Hội đồng thẩm định của thành phố đánh giá 4 sao và 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tâm trong giai đoạn mới
Sau khi nghe các báo cáo, tham luận về công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Gia Lâm, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã biểu dương và chúc mừng những thành tích của nhân dân và các thế hệ cán bộ huyện Gia Lâm đã đạt được trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích trong phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020” cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm |
Điểm lại một vài thành tích nổi bật mà huyện Gia Lâm đã đạt được trong 10 năm qua, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh: Huyện Gia Lâm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc ba năm liền 2017-2018-2019, đặc biệt, được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích trong phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm, đồng thời cũng là niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Lâm chú trọng phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội.
Đồng thời, huyện Gia Lâm cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng xã thành phường, huyện thành quận; phấn đấu huyện Gia Lâm đủ điều kiện thành quận vào năm 2022.
Đặc biệt, trong thời gian tới, Gia Lâm cần quan tâm hỗ trợ, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện cần xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp; duy trì phát triển làng nghề, các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch, quan tâm phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống nổi tiếng: Bát Tràng, Kiêu Kị...
Đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội trao Cờ thi đua cho các tập thể có thành tích xuất sắc |
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng mong muốn, Gia Lâm đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước, tạo không khí tưng bừng, phấn khởi lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước.
Huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác năm 2020 “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp”; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ 22, đóng góp vào thành công Đại hội XVII Đảng bộ thành phố và Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đồng chí Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng NTM |
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, đồng chí Lê Anh Quân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm thay mặt Đảng bộ và nhân dân huyện hứa sẽ cố gắng phấn đấu hơn nữa trong công tác xây dựng nông thôn mới; quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
“Gia Lâm hoàn thành xây dựng nông thôn mới là nhờ sự đổi mới, sáng tạo tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, lựa chọn đúng và trúng những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá. Cùng với đó, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của toàn xã hội, gắn với phát động các phong trào thi đua phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn đã thu hút tốt vai trò chủ thể của nhân dân.
Đồng chí Lê Anh Quân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, phát biểu tại hội nghị |
Xác định, xây dựng Nông thôn mới là quá trình chỉ có điểm khởi đầu, không có kết thúc, Gia Lâm sẽ tiếp tục phát triển, duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt, bảo đảm mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu bền vững. Huyện phấn đấu đến năm 2025 được công nhận là đơn vị hành chính cấp quận; trở thành một vùng đô thị hiện đại, nông thôn mới văn minh của phía Đông Bắc Thủ đô”, đồng chí Lê Anh Quân nhấn mạnh.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích trong phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020” cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm. Nhân dịp này, UBND thành phố Hà Nội cũng tặng Cờ thi đua, Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng nông thôn mới.