Gen Z thích làm mọi thứ một mình
Chàng trai gen Z nỗ lực đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với giới trẻ |
Đi tìm không gian riêng
Tối cuối tuần, thay vì hẹn bạn bè tụ tập, Thu Hà (sinh viên năm cuối) một mình đi dạo quanh công viên gần nhà để “sạc pin tinh thần” sau một tuần đi học và làm thêm. Theo học ngành về cộng đồng, cô gái trẻ có tính cách khá cởi mở, sôi nổi và thích giao tiếp với mọi người. Dù vậy, những lúc căng thẳng, Thu Hà muốn dành thời gian cho các hoạt động một mình.
“Lúc nào có áp lực học hành hay rối ren trong cuộc sống cá nhân, mình chọn một mình đi dạo, đi ăn uống, ghé triển lãm nào đó hoặc vào rạp xem một bộ phim bất kỳ. Đó là cách mình vỗ về bản thân, hiểu chính mình hơn”, cô gái trẻ nói.
Nhớ về lần đầu đi xem phim một mình, cô gái trẻ có một cảm giác lạ lẫm, bởi trước đó cô cũng cho rằng đó là nơi nên đi theo đôi, theo nhóm. Nhưng sau vài lần, Thu Hà thấy quen và mỗi lúc nổi hứng lại đặt vé để vào rạp xem phim.
“Từ hầm gửi xe bước vào thang máy lên tầng, tới chỗ lấy vé hay khu vực ngồi chờ, mình hơi chạnh lòng vì thấy ai nấy đều có bạn đi chung. Mình cũng thấy ngại và thấy như ai cũng đang nhìn mình với ánh mắt khó hiểu. Nhưng vì cảm thấy thoải mái, mình mặc kệ và không còn để ý tới những điều đó nữa”, Thu Hà kể lại.
Thu Hà thích làm mọi thứ một mình dù rất hòa đồng |
Còn với Minh Anh (23 tuổi, nhân viên kinh doanh), tâm trạng cô vốn vui vẻ khi đi chơi với bạn bè và đồng nghiệp, nhưng lại thấy thoải mái nhất khi làm mọi thứ một mình. Minh Anh không từ chối các cuộc vui khi được rủ, nhưng cô hiếm khi hẹn ai đó đi chơi cùng mình. Minh Anh cho biết mình thường nổi hứng đi chơi bất chợt và muốn đi ngay mà ít khi lên kế hoạch trước, thế nên cô ngại rủ bạn bè vì dễ bị từ chối hoặc cảm thấy làm phiền họ.
“Nhiều hôm không tìm được cảm hứng, mình chọn gác công việc lại, chạy một vòng xem các shop quần áo rồi về làm tiếp. Có hôm lướt điện thoại thấy quảng cáo có phim hay, mình liền lên ứng dụng đặt vé của suất chiếu phim gần nhất rồi đi xem luôn”, cô cho biết.
Chuyển ra Hà Nội sinh sống hơn hai năm, Minh Anh đặc biệt thích cuộc sống ở đây vì dù cô có đi đâu, làm gì một mình cũng không bị ai để ý, đánh giá. Những lúc rảnh rỗi, cô thích chạy xe máy dạo quanh thành phố mà không có điểm đến nào cụ thể. Minh Anh coi đó là một cách “chữa lành” cho bản thân.
“Mình không thấy đi chơi một mình là cô đơn, ngược lại phải thường xuyên giao tiếp với người khác mới khiến mình áp lực. Đặc thù công việc phải kết nối với khách hàng, đồng nghiệp thường xuyên nên mình càng thích cho mình khoảng thời gian riêng”, Minh Anh bày tỏ.
Tự do tận hưởng
Có lịch trình công việc dày đặc, không theo giờ hành chính, Xuân Hòa (26 tuổi, designer) rất khó sắp xếp được lịch đi chơi cùng bạn bè. Sau hba năm đi làm, anh đã quen chuyện đi ăn, đi chơi, mua sắm một mình và thoải mái với điều đó. Chàng trai trẻ coi đó đơn giản là một kiểu thói quen và những khoảng thì giờ riêng tư cho phép anh sống chậm lại.
“Mình biết có nhiều người định kiến rằng đi chơi một mình là thiếu hòa đồng hoặc giao tiếp kém, song điều đó không đúng, nhất là trong thời đại bây giờ. Bản thân mình vẫn sẵn sàng hòa vào các cuộc vui cùng bạn bè, cởi mở khi nói chuyện với người khác”, Hòa nói.
Làm mọi thứ một mình giúp Xuân Hòa có thêm thời gian và không gian để tận hưởng cuộc sống |
Bách nhận thấy có nhiều người trẻ quanh mình cũng có xu hướng tận hưởng việc thư giãn mà không có người thân, bạn bè hay người yêu. “Từ quan điểm cá nhân, mình thấy những người như vậy thường chủ động, tự lập hơn trong cuộc sống lẫn công việc", Hòa chia sẻ.
Hơn 7 năm sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội, Thúy Quỳnh (25 tuổi, quê Nam Định) nhiều lần tự một mình bắt xe buýt, lang thang khắp thành phố mỗi khi muốn "giết thời gian". Với Quỳnh, đây là cách giải trí của thời sinh viên, không tốn kém, hợp với sở thích khám phá khi bắt đầu cuộc sống ở nơi hoàn toàn mới.
Dần dần, Quỳnh có thêm thói quen ra quán ngồi cà phê một mình. Tự nhận bản thân là người thích tụ tập, cuộc vui nào cũng có mặt và ít khi từ chối lời rủ rê của bạn bè, Quỳnh thú nhận nhiều lúc cô vẫn thấy "ngợp" khi ở giữa đám đông và cần tới những "khoảng lặng" giúp cân bằng.
"Có những việc thích hợp để ngồi một mình như đọc sách, chạy nốt deadline. Nếu đi cùng người khác, mình khó tập trung hoàn thành và dễ bị cuốn vào cuộc trò chuyện giữa hai bên. Mình cũng không thích rủ bạn bè ra ngoài gặp gỡ mà để bạn ngồi chơi một mình, còn bản thân cắm mặt vào laptop làm việc", Thúy Quỳnh cho biết.
Thúy Quỳnh thường làm mọi thứ một mình khi muốn thực sự tập trung |
Theo Thúy Quỳnh, khi còn đi học, bạn bè dễ gặp mặt, tụ tập nhưng đến khi đi làm, ai nấy đều bận rộn với lịch trình riêng nên chuyện không sắp xếp đi chơi cùng nhau được trở nên dễ hiểu. Cá nhân cô cho rằng không nên để điều đó làm lỡ mất, bỏ qua cơ hội nghỉ ngơi, thư giãn của bản thân.
"Ngoài ra, gu, lựa chọn địa điểm của mỗi người một khác, cái mình hứng thú người khác lại không mấy quan tâm. Ví dụ như mình là người thích đi các chốn như chùa chiền, miếu, đền hoặc xem nhạc kịch - những thứ không có bạn bè chung sở thích. Vậy nên tự làm một mình sẽ tiện hơn", Thúy Quỳnh chia sẻ.