Hậu Giang: Phát triển nông nghiệp vì người nông dân
Phát triển sản xuất chuyên canh, tập trung
Hiện nay, cơ cấu khu vực I (nông, lâm, thủy sản) chiếm 21,95% trong cơ cấu GRDP của tỉnh và hàng năm đóng góp khoảng 12.841 tỷ đồng (theo giá hiện hành).
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang thăm gian hàng sản phẩm OCOP Trà Mãng cầu Ánh Nguyệt nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang |
Hậu Giang đã xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung phù hợp với tiểu vùng sinh thái, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực, có lợi thế. Điển hình như vùng nuôi cá tra ở huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy; cá thát lát ở huyện Phụng Hiệp; lươn ở huyện Long Mỹ, Vị Thủy; cá đồng ở huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy và Long Mỹ. Vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Châu Thành A, Long Mỹ. Vùng chuyên canh bưởi da xanh, chanh không hạt, mít, xoài, sầu riêng, mãng cầu xiêm, khóm ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Long Mỹ. Tỉnh đã có 132 mã số vùng trồng được chứng nhận với 2.365 ha với khoảng 44.399 tấn sản phẩm và 9 mã số đóng gói.
Các vùng chuyên canh liên kết với doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cơ giới hóa và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Tỷ lệ cơ giới hóa trong canh tấc lúa đạt 100% khâu làm đất và thu hoạch, các khâu khác đạt từ 68 - 75% (gieo, sạ, cấy 75%; phun thuốc 68%, bón phân 71%).
Diện tích sản xuất được chứng nhận VietGAP là 1.427 ha, sản lượng 27.891 tấn, chủ yếu là lúa, khóm, sầu riêng, bưởi, mít, chanh, xoài, dưa hấu; chứng nhận GlobalGAP được 229 ha, sản lượng 3.659 tấn, chủ yếu là lúa, mít, mãng cầu xiêm, sầu riêng, chanh, khóm.
Canh tác lúa ở Hậu Giang theo Đề án 1 triệu hecta chất lương cao, phát thải thấp |
Từ năm 2021 - 2023, có 14.980 ha đất trồng lúa kém hiệu quả đã phát triển 11.810 ha kết hợp nuôi trồng thủy sản, chuyển sang trồng cây hằng năm 973 ha, cây lâu năm 2.197 ha. Việc chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 4 lần so với trồng lúa.
Bên cạnh thủy sản phát triển liên kết, tỉnh còn có trên 60 doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết bao tiêu sản phẩm lúa và một số loại cây ăn trái (bưởi, chanh không hạt, mít, khóm) cho gần 40.000 lượt hộ sản xuất với 39.000 ha, sản lượng trên 300.000 tấn.
Xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân
Hậu Giang đã có 41/51 xã nông thôn mới, tỷ lệ 80,39%, bình quân một xã đạt 18,2 tiêu chí. Nông thôn mới nâng cao có 11 xã, nông thôn mới kiểu mẫu có 5 xã. Tỉnh cũng có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Châu Thành A, thành phố Vị Thanh và thành phố Ngã Bảy. Một số mô hình nổi bật trong xây dựng nông thôn mới được người dân tích cực hưởng ứng và nhân rộng.
Nông nghiệp có 266 sản phẩm OCOP với 125 chủ thể đăng ký tham gia (18 công ty, 36 hợp tác xã, 71 cơ sở và hộ kinh doanh). Trong đó, có 92 sản phẩm OCOP 4 sao, 174 sản phẩm OCOP 3 sao, 11 sản phẩm đăng ký dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương.
Việc phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới có mục đích cao nhất là nâng cao đời sống nông dân. Trong đó có việc hỗ trợ sản xuất, dạy nghề gắn với tạo việc làm, hỗ trợ về y tế và giáo dục, tăng dần mức sống dân cư. Toàn tỉnh đã xây dựng 77 mô hình giảm nghèo, có 1.172 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia. Điển hình như các mô hình hỗ trợ vật tư, nguyên liệu, giống cây trồng, vật nuôi thực hiện các mô hình nuôi thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi với tổng kinh phí thực hiện trên 28 tỷ đồng. Với những nỗ lực trên, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm từ 1 - 2%.
Từ năm 2020 đến nay đã tạo và giải quyết việc làm mới cho 79.770 người, trong đó đưa 1.817 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đào tạo nghề cho 44.099 người (theo các dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia 17.245 người), góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 61,19% (2020) lên 70,17% (6 tháng đầu năm 2024).
Thực hiện trợ cấp cho hơn 2 triệu lượt người, kinh phí trên 979 tỷ đồng. Trợ giúp khẩn cấp cho 982 trường hợp, kinh phí trên 12,7 tỷ đồng. Cấp 130.790 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí trên 99 tỷ đồng.
Cuối năm 2023, toàn tỉnh chỉ còn 6.611 hộ nghèo, tỷ lệ 3,29% và 6.741 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,36%. So với đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,16%, biên độ giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trung bình 1,58%.
Thu nhập của nông dân tăng 3 lần trong 10 năm
Với kết quả đã đạt được, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Huyến cho biết, Hậu Giang tự tin đến năm 2030 sẽ thay đổi mạnh mẽ hơn nữa kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Mục tiêu, tốc độ tăng GRDP nông - lâm - thủy sản hàng năm 3,05%; năng suất lao động nông nghiệp 5,5 - 6%. Tốc độ tăng công nghiệp, dịch vụ nông thôn hàng năm trên 10%.
Đến năm 2030, cả 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, xã Nông thôn mới nâng cao trên 50%, xã Nông thôn mới kiểu mẫu trên 20%. Đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới là 75%, trong đó có 35% đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt 90%; lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 30%; tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo đạt trên 70%.
Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng tối thiểu 3 lần so với năm 2020.
Ông Huyến nhấn mạnh đến giải pháp phát triển thị trường nông sản: “Triển khai hiệu quả, thiết thực công tác quảng bá, xúc tiến thương mại dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Tỉnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn”.