Gần 70% diện tích gieo cấy trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có nước
Đến thời điểm hiện tại tổng diện tích gieo cấy có nước trên địa bàn tỉnh Nam Định là trên 52.700 ha (đạt 69,1%)
Bài liên quan
Hà Nội: Bảo đảm trữ nước phục vụ gieo cấy
Hà Nội tiến hành lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Xuân
Hà Nội còn khoảng 6.000ha sản xuất vụ Xuân chưa có nước
Hà Nội đổ ải được 36% diện tích trong kế hoạch gieo cấy
Với mong muốn bà con nông dân có một vụ mùa thắng lợi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đi kiểm tra công tác lấy nước đổ ải tại một số tỉnh phía Bắc. Tại tỉnh Nam Định, Bộ trưởng chỉ đạo rõ: “Phải tích cực lấy nước để sản xuất vụ đông xuân nhưng đồng thời cần tiết kiệm nước để phát điện vào cao điểm mùa khô”.
Kiểm tra thực tế lấy nước tại các cánh đồng thuộc xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự chủ động của ngành nông nghiệp Nam Định. Dù việc lấy nước năm nay gặp nhiều khó khăn song Nam Định là một trong những địa phương diện tích đã có nước cao.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, những năm trước đây việc người dân chủ động gieo sạ được khuyến khích, tuy nhiên trong một vài năm tới ngành nông nghiệp Nam Định cần có chủ trương khuyến khích người dân chủ động chuyển sang cấy lúa để bảo đảm năng suất. Đặc biệt là phải sớm cơ giới hóa đồng ruộng, đưa các loại máy móc hiện đại như: máy cấy, máy gặt, máy phun thuốc trừ sâu… vào đồng ruộng để đạt hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích.
Bộ Trưởng cũng đề nghị tỉnh Nam Định cần khẩn trương lấy nước trong 3 đợt xả nước ở các hồ thủy điện, đảm bảo chủ động lấy nước phục vụ làm đất, gieo cấy; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất; thường xuyên kiểm tra các bờ vùng, bờ thửa để quản lý chặt chẽ nguồn nước, không để thất thoát lãng phí nguồn nước.
Vụ Đông Xuân năm 2019 - 2020, tỉnh Nam Định sẽ gieo cấy trên 76.000 ha lúa. Năm nay tình hình xâm nhập mặn sâu hơn so với các năm trước gây khó khăn cho việc lấy nước vào đồng ruộng, đặc biệt là tại một số huyện ven biển như Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu.
Hiện tại tổng diện tích còn khó khăn về nước tưới trên địa bàn khoảng 17.400 ha. Do đó, tỉnh Nam Định cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi quan tâm điều chỉnh nâng cao mực nước khi xả và nâng số ngày xả để thuận lợi cho việc lấy nước phục vụ gieo cấy.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác lấy nước đổ ải tại tỉnh Nam Định |
Điểm nhấn trong công tác lấy nước năm nay, đó là các địa phương trước đây thường xuyên lấy nước chậm như thành phố Hà Nội, thì đã chuẩn bị các phương án từ rất sớm như lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến... Do đó, tiến độ lấy nước được đẩy nhanh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, sắp tới chúng ta phải cấp nước cho khoảng 45% diện tích gieo trồng vụ đông xuân còn lại. Do đó, đợt lấy nước lần thứ 2 (kéo dài trong 8 ngày từ 5/2 đến 12/2, cần tiếp tục đẩy nhanh làm đất để phá ải. Trong thời điểm này, mực nước tại Trạm thủy văn Hà Nội sẽ đạt từ 2,1 - 2,2m, các công trình lấy nước từ sông Hồng sẽ lấy nước thuận lợi để cơ bản cấp đủ nước cho sản xuất.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh nhận định: “Năm nay là năm đặc biệt khó khăn trong việc lấy nước cho vụ Đông Xuân của khu vực Trung du và Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, mực nước tại Hà Nội qua tính toán sẽ không đạt được từ 2,2m trở lên.
Chính vì vậy, chúng tôi đã bàn rất kỹ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan, các địa phương để xây dựng một kế hoạch lấy nước phù hợp. Chúng tôi đã xây dựng kịch bản 3 đợt lấy nước, trong đó thì các đợt có mực nước thấp hơn nhiều so với những năm trước. Tuy nhiên, các đợt đều tính toán để đảm bảo các địa phương đều có thể lấy được nước”.
Qua kiểm tra công tác chỉ đạo tại Nam Định, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đánh giá tỉnh là địa phương rất tích cực và chủ động trong công tác chuẩn bị lấy nước gieo cấy.
Tuy nhiên, trước những diễn biến của thời tiết khí hậu, đặc biệt là việc thiếu nước bao nhiêu năm nay, Tổng cục trưởng đề nghị các địa phương chỉ đạo thật sự quyết liệt, tổ chức lấy nước ngay khi mà có điều kiện để chúng ta tích trữ vào những vùng trũng, ao đầm và hệ thống kênh mương. Đồng thời, có biện pháp đưa nước lên ruộng, cày bừa thật kỹ để đảm bảo giữ được nước không bị thấm ở trên ruộng.
Cùng đó, tiếp tục rà soát hệ thống các công trình thủy lợi đặc biệt là những phần về thiết bị cơ khí và các hệ thống về cửa van, nếu có hư hỏng cần tu sửa ngay. Và cần tiếp tục lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến ở những vùng không đảm bảo lấy nước chủ động ở những công trình chính. Tiến hành nạo, vét hệ thống kênh, mương, các cửa lấy nước, rà soát lại tất cả vị trí có thể xảy ra ách tắc dòng chảy.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần tiến hành khơi thông để khi mà nước về thì dòng chảy sẽ đảm bảo được thông thoáng để đưa lên ruộng. Phải tiết kiệm được lượng nước để phục vụ phát điện trong thời gian tới. Hướng tới mục đích cuối cùng là đảm bảo 100% diện tích đủ nước gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.