Dùng sức khỏe của chính mình để “bảo hành” rau sạch
Nhóm sinh viên “ăn ngủ” cùng rau sạch 9x làm giàu với thiết bị trồng rau sạch |
Tỷ phú rau sạch ở miền “gái đảm”
Hồi giữa tuần vừa qua, hình ảnh Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng đoàn công tác thành phố đã thăm, kiểm tra tại Hợp tác xã rau hữu cơ Cuối Quý (xã Đan Phượng) trước khi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng về công tác xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn huyện đã khiến nhiều người bất ngờ. Họ đặt câu hỏi: Hợp tác xã rau hữu cơ Cuối Quý và bà Đặng Thị Cuối đã có thành tựu gì để được quan tâm đặc biệt như vậy?
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng đoàn công tác thành phố đã thăm, kiểm tra tại Hợp tác xã rau hữu cơ Cuối Quý (xã Đan Phượng) ngày 5/1 |
Đối với những ai quan tâm và tìm hiểu về sản xuất rau hữu cơ an toàn tại Việt Nam trong khoảng chục năm trở lại đây, câu trả lời rất đơn giản: Bà Đặng Thị Cuối là một điển hình đáng học tập, một tấm gương sáng để noi theo và trên tất cả, bà là biểu tượng cho ý chí vượt khó nhằm theo đuổi ước mơ làm nông nghiệp sạch.
Bắt tay sản xuất rau hữu cơ từ năm 2017, hiện tại, bà Đặng Thị Cuối và chồng là ông Nguyễn Đăng Quý sở hữu trang trại trên 15ha. Để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, HTX của bà Cuối trồng rất nhiều loại rau khác nhau như su hào, súp lơ, cà chua, bông hẹ… Mỗi ngày, vườn rau của bà Cuối cung ứng ra thị trường khoảng 1 - 2 tạ rau.
Bên cạnh đó, mô hình HTX rau Cuối Quý còn cung cấp thực phẩm sạch cho 16 trường mẫu giáo trên địa bàn và 3 chuỗi cửa hàng rau sạch trên địa bàn thành phố. Trung bình mỗi địa chỉ sẽ đến nhận rau 1 - 2 lần/tuần và mỗi lần vào khoảng 2 - 3 tạ rau. Bà Cuối tính nhanh cũng thu về trên dưới 400 triệu đồng trong dịp này.
Bà Đặng Thị Cuối dành hết tâm huyết để sản xuất rau hữu cơ an toàn |
Bên cạnh đó, vợ chồng bà Cuối còn thực hiện việc chuyển giao công nghệ này cho bà con trong vùng và các khu lân cận. Cụ thể, HTX tại các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Phúc Thọ, Chương Mỹ... các trường THPT trên địa bàn huyện Đan Phượng, các tỉnh miền Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang... Giá cho việc chuyển giao công nghệ này là 150 triệu/sào và cung cấp từ giống cho đến lắp đặt hệ thống. Nói gọn lại, vợ chồng bà rõ ràng là tỷ phú làm giàu từ nghề nông.
Tuy nhiên, thành công không phải là một món quà, đó là kết quả của những nỗ lực không biết mệt mỏi cộng với quyết tâm dám làm, dám thay đổi của hai vợ chồng trên mảnh đất quê hương “người gái đảm” Đan Phượng.
Làm nông nghiệp sạch từ tâm
Cuộc đời bà Đặng Thị Cuối trải qua nhiều bôn ba chìm nổi. Bà gắn với nghề nông từ tấm bé, quanh năm đầu tắt mặt tối, sấp ngửa với ruộng đồng. Cấy lúa trồng rau quanh năm suốt tháng mà không đủ ăn, nên năm 2000, bà Cuối đành phải dứt áo ra đi kiếm tìm cơ hội ở Đài Loan (Trung Quốc). Đặt chân tới vùng đất xa lạ, trong đầu lùng bùng lo lắng về khoản nợ để lại quê nhà, bà Cuối những tưởng rằng cuộc đời bà không bao giờ khá lên được.
Để chứng minh rau an toàn, bà Cuối thưởng thức ngay rau tại vườn |
May mắn khi bà Cuối được vào lao động trong một trang trại trồng rau hữu cơ ở Đài Loan. Đều là trồng rau song cách thức làm nông nghiệp của Đài Loan khác rất xa so với những gì bà Cuối từng quen thuộc trên đồng ruộng quê hương.
Bà Cuối kể: “Trồng rau ở Đài Loan, năng suất cao gấp 2-3 lần đã đành nhưng độ sạch còn gấp hơn thế rất nhiều. Nước trồng rau sạch đến nỗi hơn cả nước uống vì nhà chủ dùng nước máy để ăn nhưng cũng thứ nước ấy phải qua máy lọc mới dám đưa vào hệ thống tưới tự động cho rau.
Trước mỗi mùa vụ đất đai được “khò” qua lửa để diệt sạch mầm bệnh. Phân gà được ủ trên 6 tháng cho chết hết ký sinh trùng rồi mới đem bón. Sâu nếu có được bắt bằng tay là chính chứ không mấy khi phải phun thuốc. Diện tích của trang trại chỉ hơn 1ha nhưng thu nhập mỗi năm cũng đến mấy tỷ đồng tiền Việt”.
Bà Cuối say mê với nông nghiệp hữu cơ đến mức dành trọn 16 năm để học tập kinh nghiệm và công nghệ sản xuất rau sạch tại Đài Loan. Thậm chí, bà còn “kéo” cả chồng là ông Nguyễn Đăng Quý sang để chỉ cho ông cách làm. Đến năm 2016, khi đã tích lũy được một số vốn kha khá cả về vật chất và tri thức, hai vợ chồng đùm dúm trở về Đan Phượng với quyết tâm làm giàu bằng nghề trồng rau sạch.
Ban đầu vợ chồng bà Cuối chỉ trồng trên khu đất nhà mình nhưng càng làm lại không đủ bán. Suy đi tính lại, gia đình bà quyết định phải mở rộng đất dần mới mong có được hiệu quả. Đến nay, qua chặng đường dài tích lũy, gia đình bà Cuối đã có tới 15ha đất được trồng và thiết kế theo đúng quy cách của Nhật Bản với hệ thống thoát gió, thoát khí và tưới tiêu hiện đại.
Thay vì phun thuốc diệt cỏ để khử trùng đất hoặc phun thuốc trừ sâu bằng các loại thuốc hóa học, bà Cuối mày mò, vận dụng kinh nghiệm đã có sử dụng phân hữu cơ và men vi sinh. Bà trộn men vi sinh với đường cát, sữa milo và ủ trong thời gian nhất định sau đó nghiền nát, lọc cặn bã rồi mới phun. Bà kiên trì với hình thức canh tác độc đáo “5 không”, đó là: Không phun thuốc diệt cỏ; Không phân bón hóa học; Không thuốc bảo vệ thực vật; Không kích thích tăng trưởng; Không giống biến đổi gen nhằm bảo vệ môi trường và “giữ chân” thiên địch.
Ngoài canh tác các loại rau theo mùa, HTX rau sạch Cuối Quý còn trồng đa dạng các loại rau củ trái mùa, có giá trị kinh tế cao như su hào, măng tây, bông hẹ, cải bắp tí hon…
Những năm gần đây, người dân chuộng rau sạch. Nhiều khách đặt rau hữu cơ làm quà tặng mỗi dịp Tết đến. Người này biếu người kia rồi họ rủ nhau mua. Cứ cận Tết nhà bà Cuối khi nào cũng tấp nập.
Những loại rau này phía ngoài không có nên nhiều người đặt, từ đây, doanh thu nhà tôi cũng tăng lên gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Mỗi dịp Tết đến xuân về, trang trại chuẩn bị 6 - 7 mẫu rau cũng cấp cho thị trường, nhưng vẫn không đủ, thu nhập mang về từ vài trăm triệu đồng".
Vợ chồng ông bà Cuối - Quý tất bật chuẩn bị rau sạch cho dịp Tết Nguyên đán |
Càng ngày càng nhiều người biết đến sản phẩm rau sạch của gia đình Cuối Quý. Tuy nhiên, trăm người khen thì vẫn còn vài người hoài nghi. Họ tìm đến tận trang trại với mục đích nhìn tận mắt quy trình sản xuất của bà Cuối. Có người kỹ tính đến mức yêu cầu bà Cuối trực tiếp ăn rau tại vườn để chứng minh thực phẩm tuyệt đối an toàn.
Trước những yêu cầu ấy, bà Cuối không phật lòng, ngược lại còn tỏ ra dễ tính. Bà Cuối sẵn sàng thưởng thức những mầm xanh tươi ngon ngay tại vườn như một sự cam kết: “Tôi có thể dùng chính sức khỏe của mình để bảo đảm rằng rau này tuyệt đối an toàn, vì rau được trồng và nuôi dưỡng bằng cái tâm của người nông dân!”.