Doanh nghiệp tất bật chuẩn bị nguồn cung ứng hàng Tết
Siêu thị ở Hà Nội gấp rút chuẩn bị hàng Tết Mặt hàng Tết đưa về nông thôn đều sản xuất trong nước, rõ nguồn gốc |
Chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thị trường hàng hóa đã bắt đầu sôi động khi các doanh nghiệp, nhà phân phối đang tất bật chuẩn bị hàng Tết phục vụ nhu cầu của người dân.
Dịp Tết năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ trước đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022
Theo kế hoạch phục vụ Tết năm nay của TP Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa sẽ đạt khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương với kế hoạch phục vụ tết năm 2021.
Lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết năm nay dự kiến gồm 278.910 tấn gạo, 57.780 tấn thịt lợn hơi, 18.594 tấn thịt gà, 16.050 tấn thịt bò, 372.000 quả trứng gia cầm, 309.900 tấn rau củ, 57.750 tấn thủy sản, 15.495 tấn thực phẩm chế biến, 156.000 tấn trái cây, 1.500 tấn bánh mứt kẹo...
Hàng hóa phục vụ Tết được đưa dần lên kệ siêu thị |
Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, năm nay công ty đã xây dựng kế hoạch phục vụ với giá trị hàng hóa tương đương Tết Nguyên đán 2021.
Ngoài nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của thành phố, Hapro đã chuẩn bị các sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến mang thương hiệu Hapro. Đặc biệt, công ty cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động bán hàng online thông qua thương mại điện tử, qua đó hạn chế tập trung đông người mua sắm, góp phần ngăn chặn dịch COVID-19.
Trong khi đó, lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của hệ thống siêu thị Big C dự kiến tăng 5-7% so với kế hoạch Tết 2021, trong đó, tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống. Hiện đơn vị này đang bắt đầu đưa hàng hóa lên kệ các siêu thị.
Rau quả đầy ắp ở siêu thị |
Tại Saigon Co.op, đại diện chuỗi siêu thị này cho biết năm nay đã chuẩn bị lượng hàng hóa lên đến 6.000 tỷ đồng, trong đó dự trữ hàng thực phẩm thiết yếu tăng 2-3 lần kèm rất nhiều hoạt động khuyến mãi hấp dẫn để phục vụ mùa mua sắm cuối năm.
Năm nay, để tạo điều kiện cho người tiêu dùng chủ động sắm sửa, chuẩn bị Tết trong bối cảnh bình thường mới, các hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op sẽ bố trí các hoạt động giảm giá, khuyến mãi theo từng nhóm hàng và sắp xếp các đợt giảm giá riêng theo thứ tự ưu tiên mua sắm của khách hàng.
Theo kế hoạch, Saigon Co.op sẽ giảm giá sâu các sản phẩm, với mức giảm tối đa lên đến 50% giá trị kèm thêm những hoạt động khuyến mãi cộng thêm như tặng quà, điểm thưởng giá cao, phiếu quà tặng... Đặc biệt, trong 10 ngày cận Tết có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn để giảm áp lực mua sắm cho người dân.
Bà Vũ Hoài Thu - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Lý Tưởng Việt Nam kiểm tra khâu nuôi trồng nấm |
Tương tự, Công ty TNHH Thực phẩm Lý Tưởng Việt Nam (Nấm Lý Tưởng), đơn vị cung cấp sản phẩm nấm các loại cho nhiều hệ thống siêu thị lớn tại miền Bắc như Big C, Aeon, BRG, Co.op mart, Lotte... cũng đang tất bật trong việc cung ứng sản phẩm cho các siêu thị.
Bà Vũ Hoài Thu - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Lý Tưởng Việt Nam cho biết, nấm là loại thực phẩm dễ ăn và được nhiều người ưa chuộng, rất thích hợp với khẩu vị của người Việt Nam, đặc biệt là dịp Tết.
Theo bà Thu, hiện nay công ty đang cung cấp ra thị trường, chủ yếu ở các hệ thống siêu thị nhiều loại nấm tươi và nấm khô như nấm hương khô, mộc nhĩ khô, tuyết khô, đông cô khô, ngân nhĩ…và đặc biệt nhiều sản phẩm chế biến từ nấm tiện dụng đáp ứng nhu cầu, khẩu vị, sở thích của người tiêu dùng.
"Chúng tôi đang gấp rút sản xuất để có đủ nguồn thực phẩm cung ứng cho các siêu thị, dường như không có thời gian rảnh rỗi", bà Thu chia sẻ.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra việc kinh doanh thực phẩm tại chợ dân sinh |
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hiện tại, dịch COVID-19 dù diễn biến phưc tạp nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát nên các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị tại Hà Nội vẫn hoạt động bình thường. Công tác phòng chống dịch tại các chợ và siêu thị vẫn được lực lượng chức năng kiểm tra và giám sát chặt chẽ.
Trong khi đó, tại TP HCM, theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn vẫn duy trì ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.
Tính đến ngày 27/12, đã có 203/233 chợ hoạt động, đạt tỷ lệ 91%. Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.028/3.101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.
Đối với chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền, từ ngày 20/12, cả ba chợ này đã mở cửa hoạt động trở lại sau khi xây dựng phương án phòng, chống dịch, người vào chợ không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19; Các chợ đầu mối hoạt động là nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho các hệ thống phân phối trên địa bàn TP HCM và cho các tỉnh.
Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường TP HCM trong ngày 26/12 và sáng 27/12 tăng 4,4% so với trước, ước đạt 10.778,9 tấn/ngày. Trong đó, lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày 26/12 ước đạt 2.060 tấn/ngày. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày (không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại).
Theo Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương, nguồn cung hàng hóa tại TP HCM ổn định, dồi dào, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường cam kết không tăng giá trước và sau Tết một tháng.