Siêu thị ở Hà Nội gấp rút chuẩn bị hàng Tết
Biện pháp phòng dịch tại chợ, siêu thị khi hoạt động trở lại Hà Nội yêu cầu người dân vào siêu thị, cửa hàng thực phẩm phải quét mã QR |
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến hoạt động kinh tế trong nước, từ cuối tháng 7, dịch bệnh bùng phát mạnh khiến sản xuất, kinh doanh tại một số địa phương bị đình trệ, lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người dân.
Đến nay, dịch Covid-19 mặc dù đã có xu hướng giảm nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, sau thời gian áp dụng các biện pháp kiểm soát đi lại để phòng chống dịch bệnh lây lan, khi các nước thay đổi chiến lược ứng phó với dịch bệnh theo hướng chung sống với Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần khôi phục, nhu cầu hàng hóa, nhất là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng tăng, giá tăng mạnh.
Trong nước, cung cầu các mặt hàng cũng đang có nhiều biến động, thị trường các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí đốt, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm từ nay đến cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có những biến động tiêu cực.
Các siêu thị tại Hà Nội đang chuẩn bị hàng Tết phục vụ người dân |
Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Bộ Công thương đã đề nghị Sở Công thương các địa phương, các đơn vị thuộc bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường.
Hiện nay, Bộ Công thương cũng đang phối hợp với các bộ ngành, địa phương có liên quan, tổng hợp, đánh giá cung cầu các mặt hàng nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng trong giai đoạn cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Những ngày qua, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát tình hình thị trường.
Ghi nhận cho thấy, nguồn cung hàng hóa cũng như giá cả các mặt hàng thiết yếu tiếp tục diễn biến theo xu hướng ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.
Nhằm bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngành Công thương Hà Nội và các doanh nghiệp thương mại cho biết sẽ tăng cường dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, chủ động nguồn hàng, không để xảy ra khan hàng, sốt giá.
Mặt hàng rau xanh lúc này đang dồi dào |
Hà Nội năm nay sẽ tăng cường dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gồm gạo, thịt bò, thịt lợn, gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi. Các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, gồm nông, lâm, sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát. Mặt hàng hoa tươi, may mặc, điện máy cũng được các doanh nghiệp chú trọng dự trữ.
Theo dự kiến của Sở Công thương Hà Nội, trong một tháng Tết, nhu cầu tiêu thụ gạo khoảng 92.970 tấn; thịt lợn hơi 19.260 tấn; thịt gà 6.198 tấn; thịt bò nhu cầu khoảng 5.350 tấn; trứng gia cầm 123,9 triệu quả; rau củ 103.300 tấn... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết năm 2022 trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng (tương đương với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021).
Theo Sở Công thương Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 28 trung tâm thương mại, 123 hệ thống siêu thị; 449 chợ; 1.800 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Mặt khác, các kênh bán hàng đa phương tiện gồm bán hàng qua website, hotline, app… với khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến.
Đặc biệt, trong trường hợp cần thiết khi xảy ra dịch, bệnh trên địa bàn, có thể sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; Các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; Chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và đáp ứng bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, để bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, Sở Công thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp với các địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… đưa nguồn hàng về Thủ đô tiêu thụ.
Các nhà phân phối, các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị tại Hà Nội hiện đang gấp rút chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết. Theo đại diện Co.opmart Hà Đông, hiện doanh nghiệp đã lên kế hoạch phối hợp các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp tăng cường lượng hàng thiết yếu lên gấp đôi. Đồng thời, đơn vị cũng tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên thêm từ 5-10 lần so với các tháng trong năm, nhất là nhóm hàng thực phẩm Tết để bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần với giá trị hàng hóa tương đương Tết Nguyên đán 2021.
Ngoài nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của TP Hà Nội, Hapro cũng đã chuẩn bị các sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến mang thương hiệu Hapro như gạo Hapro Đồng Tháp, hạt điều rang muối, xúc xích, chân giò hun khói… và các loại đặc sản vùng miền cũng được hệ thống siêu thị chú trọng.
Đặc biệt, để hạn chế tập trung đông người mua sắm, góp phần ngăn chặn dịch Covid-19, Hapro sẽ đẩy mạnh hoạt động bán hàng online thông qua thương mại điện tử.
Tương tự, đại diện phía siêu thị Big C cho biết, lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nhâm Dần của đơn vị dự kiến tăng 5-7% so với kế hoạch Tết 2021, trong đó, tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống.