Đoàn viên, thanh niên hiến đất, “bắt tay” phát triển du lịch homestay
Tình nguyện hiến đất, vệ sinh môi trường phát triển du lịch homestay
Sùng Phài là một xã khá khó khăn của tỉnh Lai Châu nhưng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng du lịch. Với khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, tham quan các bản làng ở đây bất kỳ mùa nào du khách cũng dễ dàng bắt gặp những biển mây mênh mông ôm ấp núi, trải dài vô tận. Cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp, vẹn nguyên nét hoang sơ.
Len lỏi qua những đồi chè bậc thang xanh tốt, trải nghiệm, tham quan các bản dân tộc Lự ở Bản Hon, dân tộc Mông, Thái của bản Gia Khâu (Nậm Loỏng, Sùng Phài) với những nếp nhà sàn, nhà đất truyền thống; Cùng quay tơ, dệt vải, mải mê với đường kim, mũi chỉ với các chị, các bà càng thấy nét truyền thống độc đáo, cầu kỳ còn lưu giữ vẹn nguyên.
Cô gái trẻ của bản Gia Khâu chế biến rượu ngô phục vụ thực khách |
Vừa tròn 31 tuổi, chị Sùng Thị Giẻ đã trở thành Chủ tịch UBND xã Sùng Phài theo chương trình đưa trí thức trẻ làm cán bộ cơ sở các vùng miền núi của Trung ương Đoàn.
Với sự sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Giẻ đã xây dựng khu du lịch cộng đồng bản Gia Khâu 1, khu ẩm thực độc đáo ở bản Gia Khâu cùng đội văn nghệ phục vụ du khách.
Thấy nữ Chủ tịch UBND xã nhanh nhẹn, hoạt bát, xây dựng nhiều mô hình du lịch mới mẻ đem lại khoản thu nhập cao cho người dân, bà con đã tự nguyện hiến đất, góp tiền, ngày công để làm đường nội đồng, lắp điện thắp sáng…
Tham gia phục vụ du khách chính là những chàng trai, cô gái người dân thôn bản Gia Khâu. Những bản nhạc điệu múa của người dân tộc được “làm mới” lại cho phù hợp với thị hiếu, các đoàn múa hát “cây nhà lá vườn” nhưng được đầu tư bài bản về trang phục, lời ca tiếng hát.
Những thanh niên của bản làng Gia Khâu thành lập đội ca nhạc phục vụ du khách |
Tại các khu ẩm thực, nhiều món ăn bổ dưỡng, tốt cho sức khoẻ của dân tộc Thái, Mông như: Mèn mén, thịt băm hấp, canh măng, thịt ba chỉ sấy xào cải cay, rượu ngô Sùng Phài… đã được chế biến, vừa giữ nguyên bản sắc dân tộc vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, các đoàn viên thanh niên còn đẩy mạnh vệ sinh môi trường bản làng bằng cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên dọn vệ sinh môi trường định kỳ hằng tháng, chỉnh trang nhà cửa, sân, ngõ, trồng hoa ven đường, thành lập các tổ thu gom rác thải…
Thu nhập từ các điểm du lịch cộng đồng giúp cho người dân nơi đây đầu tư xây dựng đường xá quang đãng sạch sẽ. Chuồng nuôi gia súc được sắp xếp phải dời xa nhà ở. Đoạn đường nào cũng có xe đựng rác. Nhà phải có hệ thống nước sạch, nhà tắm, nhà vệ sinh.
Chị Sùng Thị Giẻ chia sẻ: “Mấy năm trước, đường trong bản, hay từ nhà này sang nhà khác ngập ngụa bùn đất lẫn với phân gia súc. Để phát triển du lịch cộng đồng, tạo nơi ăn chốn ở đón khách thì môi trường phải đảm bảo sạch sẽ. Chúng tôi đã vận động các bạn trẻ cùng người dân bản làng thu gom rác thải, đưa chuồng nuôi gia súc ra xa, xây dựng các khu vực ẩm thực, nhà vệ sinh công cộng”.
Khởi động du lịch trong điều kiện bình thường mới
Sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, để phục hồi lại hoạt động du lịch, khu du lịch tại xã Sùng Phài đã chỉnh trang, sửa sang lại một số hạng mục như nhà điều hành, xây dựng không gian nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông để đón du khách.
Để thích ứng với điều kiện bình thường mới, ngành Du lịch Lai Châu xác định khôi phục du lịch theo phương châm chủ động thích ứng, linh hoạt để đạt hiệu quả, đồng thời bảo đảm an toàn cho khách du lịch, cho cộng đồng.
Khu vực ẩm thực được xây dựng tại bản Gia Khâu do người dân tự nguyện hiến đất, dọn dẹp vệ sinh môi trường |
Lai Châu tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch gắn với triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và thông điệp “Lai Châu điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn”.
Tỉnh huy động sự hưởng ứng của doanh nghiệp du lịch qua các hoạt động kích cầu du lịch, tạo ra các dịch vụ du lịch liên hoàn với các chương trình du lịch độc đáo, đặc sắc. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch kết nối, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi nguồn khách nội địa.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu Trần Mạnh Hùng cho biết, tỉnh tiếp tục khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trong tỉnh tham quan, tìm hiểu về các giá trị văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh, các khu, điểm du lịch trên địa bàn.
Bên cạnh đó tỉnh phát động phong trào “Người Lai Châu đi du lịch Lai Châu” để khởi động hoạt động du lịch và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch bằng những hoạt động thiết thực như tổ chức chương trình du lịch tour Caravan với chủ đề “Hành trình về với vùng xanh”, sự kiện Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu với chủ đề “Lai Châu kỳ vĩ và bản sắc”, ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III tại tỉnh Lai Châu, năm 2021; Chương trình Famtrip chinh phục đỉnh Putaleng…
Để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho khách đến du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành địa phương, hiệp hội du lịch, cơ sơ kinh doanh dịch vụ du lịch trong việc chỉnh trang, nâng cao chất lượng các cơ sở, điểm du lịch trong quá trình triển khai các hoạt động đón khách du lịch.
Tuy nhiên, các hoạt động kích cầu, phục hồi du lịch phải gắn với việc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Việc tổ chức đón khách du lịch phải được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch; Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các điểm đến, cơ sở dịch vụ và khách du lịch.