Làm gì để phát triển các sản phẩm lưu niệm của Hà Nội?
Ngành du lịch Hà Nội chuẩn bị cho ngày “trở lại” |
Với các nước, sản phẩm lưu niệm có vẻ rất phong phú. Tấm bưu thiếp in ảnh phong cảnh đặc trưng của địa danh du lịch là hình thức truyền thống, xưa cũ nhưng vẫn được khá nhiều người ưa chuộng. Rồi đến các đồ thủ công, mĩ nghệ, các con vật làm bằng bông, đá, sắt gắn nam châm… biểu trưng cho quốc gia đó.
Nếu nói các đồ lưu niệm đòi hỏi nhiều óc sáng tạo, bàn tay tỉ mỉ và đầu tư công sức để người xem nhìn cái là nhận ra ngay địa danh gắn với nó thì bưu thiếp có vẻ dễ làm nhất.
![]() |
Hà Nội cần thêm nhiều sản phẩm lưu niệm như thế này để quảng bá hình ảnh của mình |
Việc gửi bưu thiếp với người phương Tây đã trở thành thói quen, thành một nét văn hóa lâu đời, mang nhiều thông điệp. Một là người đi du lịch có thể "khoe" được cảnh đẹp nơi mình đến, coi đó như một "bằng chứng" cho chuyến đi của mình.
Hai là người đi xa vẫn thể hiện tình cảm với người ở nhà, biểu thị bằng việc luôn nhớ đến, chia sẻ những điều tốt đẹp mình đã trải qua. Còn việc thứ ba, vô tình mà lại hữu ý, đó chính là một hình thức quảng bá du lịch rất tự nhiên và hiệu quả.
Vậy mà, dạo qua các hàng bày bán bưu thiếp trên phố Đinh Tiên Hoàng, Tạ Hiện, Hàng Bạc… thấy các hình ảnh được chọn in bưu thiếp rất đơn điệu, quá thiếu ảnh đẹp, quá thừa những hình ảnh mang tính “ngồ ngộ” về một Việt Nam lam lũ, một đất nước nông nghiệp, cùng những phương tiện vận chuyển thô sơ.
Nào thì những chiếc xe ba gác chất chồng những đôi quang gánh của các bà đi chợ chuyến. Nào chiếc xe máy cà tàng chở tới năm người. Rồi người ngồi trên xe máy cùng mấy bu gà vịt phi như bay trên đường quốc lộ…
Rất may, trong quá trình đi tìm, chúng tôi nhận thấy Công ty Tem Việt Nam đã có bộ bưu thiếp "Khoảnh khắc Hà Nội" có một số hình ảnh rất đẹp về những địa danh này. Dù vậy, bộ tem này cũng chưa phải là nhiều, bởi chúng ta còn rất nhiều tiềm năng để khai thác ở mảng này.
![]() |
Trong khi đó, một “sản phẩm du lịch” đặc trưng và được những người bán hàng rong chìa vào mặt khách nước ngoài nhiều nhất chỉ là các bức tranh 3D nhìn đã thấy mỏng manh, nhanh hỏng và chẳng có gì đặc sắc.
Khách nước ngoài đến Hà Nội vẫn phải mua về đôi thứ làm quà như thổ cẩm, mấy món lưu niệm không có màu sắc Hà Nội, chẳng mang dấu ấn Hà Nội và có khi còn được sản xuất từ nơi khác, thậm chí nhập khẩu về. Những thứ đó chỉ có lợi cho những người bán hàng kinh doanh nhỏ lẻ chứ chẳng có lợi gì cho du lịch Hà Nội, càng chẳng mang đến cho du khách cơ hội được thưởng thức bản sắc văn hóa của nơi này.
Có vẻ như những nhà sản xuất ngại phải bỏ những khoản tiền để mua bản quyền những tấm ảnh đẹp của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng, ngại đầu tư những sản phảm độc đáo nên đa phần chỉ là sản phẩm bình dân, nếu như không muốn nói là... hàng chợ.
Cũng có thể, suy nghĩ của tôi là "quan trọng hóa" vấn đề. Song, tự sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn mong một ngày nào đó, dạo qua các con phố bán đồ lưu niệm của Hà Nội, tôi không chỉ được xuýt xoa trước những tấm bưu thiếp đẹp, phải mua bằng được vài tấm để gửi cho bạn bè phương xa và thậm chí còn tự giữ cho mình vài tấm.
Ngắm những tấm ảnh ấy, tôi tin, tình yêu và sự gắn bó với Hà Nội sẽ tăng lên bội phần. Không chú ý đến mảng bưu thiếp, dường như chúng ta đang bỏ lỡ một cơ hội không mất phí nhưng rất hữu hiệu để quảng bá du lịch của mình.
Một tấm bưu thiếp nhỏ nhoi nhưng đôi khi có sức mạnh hơn rất nhiều lời mời chào, quảng bá du lịch hoành tráng và đắt đỏ, công phu. Bởi lẽ, đôi khi chỉ vì hình ảnh trên tấm bưu thiếp khiến người ta thấy mến, thấy yêu và khoác ba lô lên đường.
![]() |
Hà Nội có rất nhiều làng nghề nhưng nhìn đi nhìn lại, những sản phẩm mây tre đan, thủ công mĩ nghệ, tranh ảnh dường như cũng hơi ít. Ngoài gốm Bát Tràng là niềm tự hào của chúng ta, sản phẩm đa dạng, phong phú, chiếm được cảm tình của người mua thì vẫn còn thiếu những cửa hàng, những địa điểm bày bán, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội.
Khách đến Hà Nội muốn mua tranh Hàng Trống về để sưu tầm thì phải tìm chứ không có sẵn. Một dạo, tranh Kim Hoàng khôi phục lại cũng có những dự án tiếp cận sâu rộng đến đông đảo khách du lịch nhưng lại vướng dịch Covid-19 nên nhiều hoạt động bị hạn chế. Một số các sản phẩm như chuồn chuồn tre, quạt nan… bao lâu nay khiến khách nước ngoài thích thú nhưng chỉ bấy nhiêu thôi thì có vẻ chưa thể xứng tầm với các làng nghề, với sự tinh xảo, khéo léo của người Hà Nội.
Rất may, gần đây, có một thông tin khiến chính người Hà Nội cũng bất ngờ, vui mừng, hứa hẹn nhiều tín hiệu đáng mừng cho sản phẩm lưu niệm của Hà Nội. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, bên cạnh 30 sản phẩm lưu niệm đã từng ra mắt, được du khách trong và ngoài nước đón nhận, đơn vị này sắp có thêm 5 sản phẩm lưu niệm được phát triển ý tưởng từ cuộc thi Designed by Vietnam 2021.
5 thiết kế được Ban giám khảo lựa chọn để bước vào giai đoạn hoàn thiện đó là: Bánh trà Khuê Văn Các của tác giả Phạm Vũ Khánh, bộ cờ tướng “Chiếu” của tác giả Nguyễn Quốc Duy, "Khứ hồi" của tác giả Lưu Như Ngọc, "Văn" của tác giả Hồ Trương Thanh Trúc," Văn bia Souvenir" của tác giả Vũ Viết Dương.
Những thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng đều mang đặc trưng của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và mang tính ứng dụng cao, đã được Hội đồng giám khảo và các chuyên gia tư vấn để tiếp tục hoàn thiện và sẽ trở thành sản phẩm lưu niệm thông dụng.
"Chúng ta đang từng bước mở cửa nền kinh tế. Để kích cầu du lịch, bên cạnh các biện pháp thu hút khách du lịch, còn cần tới các sản phẩm lưu niệm mang đậm dấu ấn của điểm đến, góp phần không nhỏ vào việc tôn vinh, quảng bá giá trị di sản, đặc biệt là các sản phẩm mới, mang đến sự hấp dẫn đối với du khách", ông Kiêu nói.
Hình ảnh chính thức về 5 sản phẩm lưu niệm này sẽ được công bố vào ngày trao giải cuộc thi và được giữ bí mật đến phút chót.
Đây là tín hiệu vui, song vẫn còn nhiều nơi chú ý đến vấn đề này. Khi mà du lịch Hà Nội tăng tính kết nối vùng, thì mỗi địa phương nên có những sản phẩm đặc trưng của mình để khách mua, tăng thêm thu nhập, đồng thời khiến du khách nhớ lâu, gọi mời được lượng khách từ bạn bè, người thân của những khách tiêu dùng sản phẩm lưu niệm này. Đó cũng là điều mà chúng ta cần suy nghĩ khi thị trường du lịch mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19.
![]() |
![]() |
![]() |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Quảng Ninh khai thác dịch vụ ngắm vịnh Hạ Long bằng khinh khí cầu

Du lịch Quảng Ninh tăng tốc hoàn thành kế hoạch năm

Sau TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh là điểm đến không thể bỏ lỡ trong dịp 30/4

Đại hội Lân sư rồng 2025 mở rộng được tổ chức tại Da Nang Downtown

Vietravel Hà Nội khuyến mại lớn, tour hấp dẫn, kết nối quốc tế

Bình Thuận đón 85.000 lượt khách du lịch dịp lễ Giỗ Tổ

Nhiều sự kiện lịch sử được tổ chức tại núi Bà Đen trong đại lễ Vesak 2025

Du khách về miền văn hóa, lịch sử nhân ngày Giỗ Tổ Vua Hùng

Không khí du lịch 3 miền nhộn nhịp dịp Giỗ Tổ Vùng Vương
