Đi tìm lời giải cho bài toán ùn tắc tại những trục giao thông trọng điểm
Đến giờ là... ùn tắc
Ùn tắc giao thông trên các cây cầu nói riêng và các tuyến giao thông trên địa bàn Hà Nội nói chung đang ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn giao thông chung của Hà Nội. Tại cầu Thanh Trì, theo phản ánh từ nhiều tài xế, tình trạng ùn ứ giao thông cục bộ thường xuyên diễn ra, đặc biệt ở các khung giờ cao điểm sáng, chiều hoặc khi xảy ra va chạm giao thông trên cầu.
Cầu Thanh Trì được đưa vào khai thác từ năm 2007, cây cầu này đóng vai trò huyết mạch nên hiện mỗi ngày cây cầu này phải gánh số lượng phương tiện lưu thông, gấp hơn 7 - 8 lần công suất thiết kế.
Cầu nằm trên đường vành đai 3 nên phần lớn lượng phương tiện từ các tỉnh phía Nam đến và qua Hà Nội đều phải lưu thông qua. Hiện cầu Thanh Trì hiện được tổ chức 3 làn xe mỗi chiều. Trong đó, một làn rộng dành cho xe ô tô con và xe mô tô, xe gắn máy lưu thông với vận tốc đa 50km/h; 2 làn 3,75m/làn dành riêng cho ô tô lưu thông với vận tốc tối đa 80km/h.
Đáng chú ý, trên cầu Thanh Trì xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Hiện tượng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra khi trên cầu có sự cố xe ô tô chết máy, hay tai nạn giao thông liên hoàn…
Cầu Thanh Trì là điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông |
Anh Vũ Minh Huy, tài xế taxi tại khu vực Lĩnh Lam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: "Khu vực đường dẫn lên cầu Thanh Trì chiều từ Hà Nội sang ngoại thành thường xuyên bị ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Nguyên nhân là do cung đường này hay xảy ra va chạm giao thông và lưu lượng phương tiện hoạt động trên tuyến đường này cũng khá lớn. Mặc dù tình trạng ùn tắc đã xảy ra từ nhiều năm nay, song đến nay vẫn chưa có giải pháp dứt điểm để cải thiện tình vấn đề này. Do đó, cứ vào giờ cao điểm, tôi không dám nhận cuốc xe lưu thông trên cung đường này".
Vấn đề ùn ứ giao thông không chỉ xảy ra ở các cây cầu đóng vai trò nối thông Hà Nội với các địa phương khác như cầu Thanh Trì, mà ở các trục giao thông huyết mạch, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra và hướng xử lý vẫn khá nan giải. Tuyến Vành đai 3 là ví dụ.
Theo ghi nhận PV, đây là một trong những trục đường huyết mạch của Hà Nội, đi qua địa bàn các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân... Đây cũng là trục đường kết nối các tỉnh phía Nam với các tỉnh phía Tây Bắc và với Sân bay quốc tế Nội Bài… tầm quan trọng là vậy song khi có tai nạn hoặc va chạm nhẹ giữa các phương tiện là trục này thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc.
Gỡ nút thắt mất cân đối giữa phương tiện giao thông với kết cấu hạ tầng
Liên quan đến vấn đề ùn tắc giao thông tại Thủ đô, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện chia sẻ, thành phố hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trong đó có khoảng 5,6 triệu xe máy, 685 nghìn ô tô các loại), chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Thủ đô. Việc phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông với kết cấu hạ tầng dẫn tới quá tải và ùn tắc.
“Điển hình như cầu Thanh Trì có lưu lượng 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế; Cầu Vĩnh Tuy đạt 75.596 xe/ngày đêm, gấp 6,3 lần... Một số tuyến giao thông chính như đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng... vào các giờ cao điểm lưu lượng phương tiện cũng vượt 1,1 đến 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế. Việc gia tăng vượt mức các phương tiện cá nhân đã tạo ra những áp lực lớn cho giao thông của Thủ đô”, ông Vũ Văn Viện cho biết.
Cũng theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, khoảng 10 năm qua, thành phố Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực lớn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và đường trục chính đô thị.
Mặc dù Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực lớn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông song tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra |
Cùng với đó, Trung ương cũng quan tâm đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô như: Đường vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân, cầu Thanh Trì, tuyến đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài… Những công trình lớn này đã từng bước thay đổi diện mạo Thủ đô, cải thiện tình trạng giao thông. Nếu như năm 2010, thành phố có 124 điểm ùn tắc, thì đến cuối năm 2011 còn 78 điểm; cuối năm 2015 còn 44 điểm và đến thời điểm cuối tháng 5/2020, chỉ còn 34 điểm.
Những kết quả đó là rất đáng ghi nhận, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về giao thông của thành phố. Số điểm dù giảm, nhưng ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 23.720 km đường; 462 cây cầu; bảy cầu vượt nhẹ và 33 cầu vượt bộ hành... Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông mới đạt 9,75%, trong khi theo yêu cầu tỷ lệ này phải đạt từ 20% đến 26%. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng ô tô là 10,2%/năm và xe máy 6,7%/năm cũng là nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông trở nên phức tạp hơn.
Trở lại câu chuyện giải pháp điều tiết giao thông cầu Thanh Trì, mới đây Cục Cảnh sát giao thông đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh lại phương án tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì theo hướng bố trí mặt cầu thành 3 làn đường dành cho xe ô tô và 1 làn đường dành cho xe mô tô; Có dải phân cách mềm giữa làn đường dành cho xe mô tô và làn đường dành cho xe ô tô.
Đồng thời điều chỉnh hạ tốc độ tối đa cho phép trên các làn đường dành cho xe ô tô từ 80km/h xuống 60km/h; Giữ nguyên tốc độ tối đa cho phép trên đường dành cho xe máy là 50km/h. Cùng đó, cần điều chỉnh vạch kẻ đường, biển báo hiệu trên cầu cho phù hợp với các làn đường dành cho xe chạy…
Rõ ràng, việc tổ chức giao thông, tìm hướng kéo giảm ùn tắc giao thông là hết sức cần thiết. Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, các ngành chức năng nên sớm đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng hạ tầng, chỉ có như vậy “bài toán” ùn tắc giao thông ở Thủ đô mới dần được tháo gỡ.