Để Hà Nội “xanh” hơn…
Dự án đường vành đai 4 - mở ra cơ hội kết nối, phát triển du lịch cho Hà Nội |
Xe đạp trở lại
Thông tin Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đặt gần 200 điểm trạm cho thuê xe đạp công cộng trong khuôn khổ dự án thí điểm 2.000 xe đạp đô thị tại 7 quận khiến đông đảo người dân Hà Nội hưởng ứng, đồng tình. Theo đó, xe đạp công cộng được sử dụng phục vụ người dân tại 5 quận trung tâm bao gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên, xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trụ sở liên cơ quan. Thời gian dự kiến thực hiện năm 2022 đến 2023.
Được biết, dự án xe đạp đô thị sẽ triển khai theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Số xe này sẽ được bố trí từ 70 đến 80 vị trí.
Giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2023 đến 2024, mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và vùng lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm.
Trước đó, ngày 25/5/2021, tại Kết luận cuộc họp số 315/TP-VP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chỉ đạo về nội dung “Dự án xe đạp đô thị”, trong đó có giao cho Sở GTVT Hà Nội thực hiện, đánh giá việc triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị tại TP Hồ Chí Minh và việc triển khai thí điểm trên địa bàn TP Hà Nội.
Những chiếc xe đạp đô thị phục vụ người dân |
Sau thời gian nghiên cứu, đánh giá, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc phát triển xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác ở TP Hồ Chí Minh góp phần nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn, nhằm từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, xe đạp công cộng bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện thay vì hình thức đi bộ như truyền thống hiện nay. Do ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sẽ phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng, bước đầu đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ sử dụng của người dân.
Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc triển khai dự án xe đạp đô thị tại TP Hà Nội là cần thiết. Dự án sẽ đem đến cho người dân Hà Nội một phương tiện hiện đại, thuận tiện, thân thiện môi trường cho việc di chuyển kết nối giữa vận tải hành khách công cộng như tàu điện, xe buýt, giữa các khu đô thị, trụ sở văn phòng...
Theo Sở GTVT Hà Nội, việc triển khai bổ sung loại hình xe đạp/xe đạp điện đô thị ít ảnh hưởng đến lưu lượng giao thông trên đường giao thông công cộng, không làm quá tải do có tính chất về vận hành/số lượng người sử dụng tương tự như xe gắn máy. Do đó không làm quá tải hệ thống giao thông, trường hợp hiệu quả kết nối sẽ là cơ sở để người dân chuyển đổi từ phương thức cá nhân sang loại hình vận tải hành khách công cộng, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Một Hà Nội khỏe, xanh và nên thơ
Nói như vậy bởi lẽ, hãy thử tưởng tượng, một ngày đẹp trời, chúng ta ra đường, phố xá không còn nháo nhào, inh ỏi tiếng còi xe, chen chúc nhau, tắc đường, ngột ngạt với nhịp sống đua chen, nghẹt thở nữa. Không phải là người Hà Nội ở nhà như đợt giãn cách xã hội, không phải ngày nghỉ Tết, nghỉ lễ mọi người về quê hay đi chơi xa.
Người Hà Nội vẫn đi làm, vẫn đi học, đi chơi, di chuyển khắp dọc ngang thành phố nhưng theo một phương thức khác. Chị Trang (ở quận Hà Đông, Hà Nội) kể về một ngày di chuyển của mình như sau: Buổi sáng, chị đạp xe từ khu chung cư đến ga tàu điện Hà Đông, gửi xe đạp tại đó, lên tàu điện. Đến điểm Cát Linh, chị xuống lấy xe đạp gửi tại đó từ trước rồi đạp đến cơ quan tại quận Hoàn Kiếm. Buổi chiều trở về thì chị có hành trình ngược trở lại.
Sử dụng xe đạp giúp người dân Hà Nội rèn luyện sức khỏe, giảm tác động đến môi trường, mang đến một hình ảnh Thủ đô nên thơ hơn |
“Từ ngày đi làm bằng xe đạp và tàu điện, tôi thấy cuộc sống của mình thêm những sắc màu mới. Vừa có thêm khoảng 30 phút tập thể dục, vận động gân cốt sau thời gian làm việc nhà và ngồi văn phòng lâu vừa có một trải nghiệm mới, ngắm phố ngắm phường từ tàu điện trên cao, mình cảm thấy đang được tận hưởng một nhịp sống rất văn minh, hiện đại”, chị Trang cho biết.
Lâu nay rất muốn đi làm giống như chị Trang nhưng chị Lam (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) còn băn khoăn vì công việc của chị không chỉ phải ngồi văn phòng mà còn phải di chuyển nhiều nơi trong ngày. Nếu phải đi thêm taxi hoặc “xe ôm” thì chi phí sẽ lớn nên chị Lam khá ngần ngại. Từ khi biết có dự án xe đạp đô thị, chị Lam mong đợi từng ngày.
“Quá hợp lý, quá văn minh. dự án này vừa giúp người dân vận động, nâng cao sức khỏe vừa giảm phương tiện cá nhân, tạo nên nhịp sống đô thị năng động mà tiết kiệm, giảm tác hại đến môi trường. Tôi sẽ dùng xe đạp hàng ngày”, chị Lam hào hứng nói.
Thực tế, nhiều người còn nhớ hình ảnh của Hà Nội chưa xa, nhất là thời bao cấp, chiếc xe đạp như gắn liền với phố phường Hà Nội. Từ hình ảnh MV “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” với ca sĩ Cẩm Vân mặc áo dài, đạp xe đạp, trên ghi đông xe là cặp lồng cơm đầy thân thương, trìu mến. Rồi những kí ức của các nhà văn về nhà thơ Xuân Quỳnh đạp xe trên con dốc Bà Triệu ngày xưa còn là đường hai chiều…
Cho đến bây giờ, những người yêu Hà Nội, muốn sống với một Hà Nội thảnh thơi, chậm rãi đều thích di chuyển trên đường bằng xe đạp. Ta có thể dễ dàng bắt gặp họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nhà văn Trần Chiến, nhà báo Phạm Thanh Hà… thả những guồng xe vào mỗi sớm mai hay có việc ra phố. Sáng sáng chiều chiều, quanh hồ Tây, những địa điểm thoáng đãng của Hà Nội từng đoàn người đạp xe hóng gió, rèn luyện sức khỏe mang đến hình ảnh một Hà Nội năng động, nên thơ hơn bao giờ hết.
Đã có quá nhiều ý kiến về việc Hà Nội quá tải giao thông thì việc chọn phương tiện di chuyển là xe đạp công cộng sẽ là một cầu nối thúc đẩy việc người dân tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng hơn nữa. Trước đó, có thể nhiều người muốn đi xe bus, tàu điện nhưng ngại chỗ gửi xe vì chưa có nhiều điểm đồng bộ như hiện nay. Còn bây giờ, khi có xe đạp công cộng, người dân dễ dàng kết hợp xe đạp với xe bus, tàu điện, quá tiện lợi.
Bên cạnh đó, việc nhiều người dân sử dụng phương tiện công cộng cũng thúc đẩy phong trào sử dụng xe đạp để rèn luyện sức khỏe, tạo thành thói quen vận động. Như vậy, thành phố của chúng ta ngày càng giảm bớt phương tiện xe máy cá nhân, bớt đi đáng kể lượng khói xăng độc hại, môi trường trở nên trong lành, người Hà Nội cũng trở nên mạnh khỏe hơn. Đây là điều mà nhiều đô thị lớn trên thế giới đã làm được và chắc chắn Hà Nội cũng sẽ làm được.
Tin rằng, một ngày không xa, Hà Nội sẽ “xanh”, văn minh hơn bởi lối sống, sự lựa chọn của chính mỗi người dân chúng ta.