Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhân Ngày Tránh thai thế giới
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội đã ban hành hướng dẫn nội dung truyền thông hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới 26/9.
Các hoạt đông tuyên truyền nhằm mục địch nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của mọi tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.
Ngày 26/9/2007, tại Châu Âu, Liên minh 11 tổ chức phi Chính phủ và các Hiệp hội Khoa học và Y khoa Quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính và sinh sản đã thống nhất lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày Tránh thai thế giới.
Ảnh minh họa |
Ngày Tránh thai thế giới có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn, chủ động tránh thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
Mục đích của Ngày Tránh thai thế giới nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai, giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản.
Theo đó, Ngày Tránh thai thế giới (26/9) năm nay có chủ đề: “Thực hiện kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước”.
Với nội dung truyền thông nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai; Đồng thời, khuyến khích phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ chủ động về hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
Truyền thông nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tránh thai, nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng các phương tiện tránh thai (PTTT), vấn đề xã hội hóa các PTTT tại Việt Nam, về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), các biện pháp tránh thai an toàn.
Truyền thông nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tránh thai, nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng các PTTT, vấn đề xã hội hóa các PTTT tại Việt Nam và Hà Nội, về CSSKSS, các biện pháp tránh thai an toàn.
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Chương trình truyền thông Dân số đến năm 2030 và Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Kế hoạch về việc thực hiện “Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ, SKSS đến năm 2030” trên địa bàn Hà Nội.
Theo thống kê, hàng năm có tới 1/3 trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn; 36% người ở độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ. Trong khi đó, phần lớn tỷ lệ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục rơi vào độ tuổi dưới 25.
Ở Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 250-300 ngàn ca nạo phá thai được báo cáo chính thức.
Mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ quan hệ tình dục trước hôn nhân và tỉ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng.
Nạo phá thai ngoài ý muốn đã để lại nhiều hậu quả đáng tiếc cho giới trẻ, ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai sau này. Việc quan hệ tình dục sớm, tình dục không an toàn dẫn đến tình trạng mang thai và nạo phá thai ở tuổi vị thành niên ngày càng tăng.