Tag

Đánh giá công nghệ y tế trong việc đưa ra quyết định chi trả thuốc điều trị ung thư

Tin Y tế 23/08/2024 18:00
aa
TTTĐ - Ngày 23/8, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế - Bộ Y tế đã phối hợp với AstraZeneca Việt Nam tổ chức “Hội thảo đối thoại chính sách: Ứng dụng của đánh giá công nghệ y tế trong việc đưa ra quyết định chi trả cho thuốc điều trị ung thư”.
Viện Chiến lược và Chính sách y tế thông báo tuyển dụng viên chức năm 2024

Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Sở Y tế và Bảo hiểm Xã hội các tỉnh thành, các đơn vị nghiên cứu và bệnh viện lớn trên cả nước, và đặc biệt là sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài hàng đầu trong lĩnh vực đánh giá công nghệ y tế tới từ Úc, Thái Lan.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế Việt Nam 2022 - 2025” giữa Viện Chiến lược và Chính sách Y tế và AstraZeneca Việt Nam.

Hội nghị vinh dự có sự tham dự và chỉ đạo của GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, lãnh đạo BHXH Việt Nam.… lãnh đạo và đại biểu các bệnh viện đầu ngành về điều trị ung thư cùng lãnh đạo công ty AstraZeneca Việt Nam.

Hội thảo đối thoại chính sách về ứng dụng đánh giá công nghệ y tế (HTA) trong việc ra quyết định chi trả cho thuốc điều trị ung thư là một sự kiện quan trọng nhằm thảo luận về việc áp dụng HTA để giải quyết các thách thức về chi phí điều trị ung thư tại Việt Nam.

Đánh giá công nghệ y tế trong việc đưa ra quyết định chi trả thuốc điều trị ung thư

Hiện ung thư đang đứng thứ hai chỉ sau bệnh tim mạch trong tổng gánh nặng bệnh tật của Việt Nam. Tổng số năm sống khỏe mạnh mất đi do ung thư năm 2021 là 2,86 triệu DALY. Tổng gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra tại Việt Nam lớn nhất so với các nước ASEAN.

Theo Tổ chức Y tế thế giới dự kiến đến năm 2040, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam tăng khoảng 59,4% (tương đương 291.000 ca), số ca tử vong do ung thư tăng khoảng 70,3% (tương đương 209.000 ca). Chi phí điều trị ung thư là gánh nặng lớn cho cả hệ thống bảo hiểm y tế và người bệnh, với tỷ lệ tự chi trả của người bệnh lên tới 70% tổng chi phí điều trị (theo thống kê của bệnh viện K). Việt Nam có tỷ lệ người bệnh ung thư phải chịu mức chi phí thảm họa cao nhất ASEAN, với 37,4% người bệnh bị rơi vào cảnh đói nghèo do phải trả chi phí điều trị ung thư quá lớn.

Hơn nữa, thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, đến nay khoảng 93,35% dân số đã có BHYT. Được thụ hưởng quyền lợi BHYT, được BHYT chi trả chi phí điều trị ung thư, trong đó có thuốc ung thư đang là cứu cánh cho hàng trăm nghìn người bệnh ung thư và gia đình của họ. Hiện có 69 thuốc điều trị ung thư trong danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả trên tổng số 1037 thuốc của danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Hiện nay, có nhiều loại thuốc điều trị tiên tiến thế hệ mới ra đời có hiệu quả điều trị cao và hồ sơ an toàn khá tốt đối với bệnh ung thư, đáp ứng yêu cầu của các chuyên gia lâm sàng cũng như sự mong đợi của người bệnh song chưa nằm trong danh sách thuốc được BHYT chi trả. Thực tế này đặt ra yêu cầu việc xây dựng, cập nhật Danh mục thuốc thanh toán BHYT sẽ quyết định lựa chọn, bổ sung thuốc ung thư với tiêu chí như thế nào để vừa đáp ứng yêu cầu điều trị, tăng tiếp cận đối với các phương pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư, giảm bớt gánh nặng tự chi trả đồng thời cũng đảm bảo cân đối thu chi, phù hợp mục tiêu quản lý quỹ BHYT hiệu quả, bền vững.

Tại hội thảo, các chuyên gia của Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực này đã trình bày các số liệu cập nhật, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quốc tế từ Úc và Thái Lan và một số quốc gia khác về cách ứng dụng HTA để ra quyết định chi trả cho thuốc điều trị ung thư, nhằm giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh mà vẫn giải quyết được bài toán cân đối quỹ và đảm bảo sự tiếp cận của người bệnh với các phương pháp điều trị tiên tiến và có hiệu quả cao.

Đánh giá công nghệ y tế trong việc đưa ra quyết định chi trả thuốc điều trị ung thư

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị: “Ứng dụng đánh giá công nghệ y tế trong quyết định chi trả cho thuốc điều trị ung thư đóng vai trò quan trọng để đảm bảo hiệu quả sử dụng ngân sách bảo hiểm y tế và giúp người bệnh tiếp cận được với các phương pháp điều trị hiện đại. Hội thảo này sẽ đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách y tế công bằng và bền vững cho Việt Nam”.

Đánh giá công nghệ y tế trong việc đưa ra quyết định chi trả thuốc điều trị ung thư

TS Nguyễn Khánh Phương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho rằng: “HTA là công cụ quan trọng giúp cho cơ quan quản lý có thông tin, bằng chứng khoa học xác đáng về nhiều phương diện bao gồm: hiệu quả điều trị, tính an toàn, tính chi phí-hiệu quả, khả năng tác động ngân sách quỹ BHYT…làm cơ sở đưa ra quyết định tối ưu về chi trả cho thuốc điều trị ung thư. Việc áp dụng HTA phù hợp, hiệu quả tại Việt Nam không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn đảm bảo người dân được tiếp cận với các phương pháp điều trị tiên tiến và hiệu quả, làm giảm gánh nặng bệnh ung thư cũng như tăng tính bền vững của hệ thống y tế.”

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã trình bày về thực trạng chi trả thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam và những thách thức trong việc áp dụng HTA. Các chuyên gia từ Úc và Thái Lan đã chia sẻ kinh nghiệm về cách thức áp dụng HTA để tối ưu hóa quyết định chi trả, cân đối giữa chi phí và hiệu quả điều trị. Các giải pháp được đưa ra bao gồm việc thiết lập quy trình riêng cho thuốc ung thư, áp dụng các mô hình chia sẻ rủi ro và thành lập quỹ riêng cho thuốc điều trị ung thư. Các chia sẻ từ các chuyên gia sẽ là cơ sở để cải thiện chính sách BHYT, nhằm đảm bảo tính bền vững của quỹ và sự tiếp cận của người bệnh với các phương pháp điều trị hiện đại.

Đánh giá công nghệ y tế trong việc đưa ra quyết định chi trả thuốc điều trị ung thư

Ông Atul Tandon - Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam phát biểu tại hội nghị: “AstraZeneca không chỉ đem lại những phương thuốc đổi mới và những phương pháp điều trị tiên tiến giúp thay đổi cuộc sống người bệnh, mà chúng tôi còn thúc đẩy các chương trình hợp tác để hỗ trợ sự phát triển hệ thống y tế bền vững và công bằng. Chúng tôi tự hào khi được đồng hành cùng Bộ Y tế trong nỗ lực hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống Y tế, cụ thể với các sáng kiến nhằm tăng tính bền vững tài chính và đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận của người bệnh đến với các phương pháp điều trị tiên tiến. Trong tương lai, tôi tin rằng với sự hợp tác từ nhiều cấp, đối tượng khác nhau trong xã hội, chúng ta sẽ giải quyết được những thách thức lớn trong lĩnh vực y tế bao gồm y tế công bằng, tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế bằng những phương pháp tiếp cận tiên tiến dựa trên nền tảng khoa học.”

Trước đó, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cũng đã tổ chức nhiều hội thảo và chương trình tập huấn về ứng dụng HTA, nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho các bên liên quan và hướng tới nâng cao tính bền vững tài chính của hệ thống y tế Việt Nam, nằm trong tổng thể chương trình “Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống Y tế” (PHSSR) hợp tác với AstraZeneca Việt Nam.

Đánh giá công nghệ y tế trong việc đưa ra quyết định chi trả thuốc điều trị ung thư

Gần đây, Viện đã tổ chức thành công 2 hội thảo tập huấn về “Nâng cao năng lực thẩm định và phiên giải kết quả Đánh giá Công nghệ Y tế” tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo lần này tiếp tục là một bước tiến quan trọng trong quá trình áp dụng HTA, giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng một hệ thống y tế công bằng và bền vững.

Chương trình “Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống Y tế” (PHSSR) là chương trình hợp tác dài hạn giữa Viện Chiến lược & Chính sách Y tế - Bộ Y tế và AstraZeneca giai đoạn 2022 - 2025 nhằm hướng tới một hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững. Chương trình bao gồm các hoạt động đẩy mạnh nghiên cứu, khuyến nghị các giải pháp chính sách theo ba mục tiêu chính, trong đó bao gồm củng cố tính bền vững của tài chính y tế; đảm bảo khả năng tự chủ cung ứng thuốc và vắc xin của Việt Nam; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại các cơ sở y tế.

Chương trình hợp tác này tiếp nối sự thành công của giai đoạn thí điểm chương trình PHSSR toàn cầu năm 2020 - 2021, sáng lập bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Đại học Kinh tế London và AstraZeneca. Việt Nam là một trong 8 nước đầu tiên được lựa chọn tham gia Chương trình và đã đưa ra Báo cáo đánh giá về tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế, từ đó đề xuất các khuyến nghị giúp hệ thống y tế nâng cao năng lực dự báo, chuẩn bị, đương đầu và thích nghi với những thử thách, khủng hoảng y tế trong tương lai.

Đọc thêm

Đau lưỡi lâu ngày không khỏi bất ngờ phát hiện bị ung thư Tin Y tế

Đau lưỡi lâu ngày không khỏi bất ngờ phát hiện bị ung thư

TTTĐ - Nhập viện trong tình trạng đau lưỡi lâu ngày, tự uống thuốc không đỡ, cụ bà ở Hà Nội được các bác sĩ Bệnh viện E phát hiện bị ung thư bờ lưỡi nguy hiểm.
Hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu hỗ trợ người dân sau bão Yagi Tin Y tế

Hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu hỗ trợ người dân sau bão Yagi

TTTĐ - Hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu đang triển khai kế hoạch hỗ trợ 10 tấn thuốc, tương đương 2,5 tỷ đồng cho đồng bào khu vực bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.
Tăng cường tổng vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ Sức khỏe

Tăng cường tổng vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ

TTTĐ - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 6 đến 13/9), toàn thành phố ghi nhận 227 ca mắc sốt xuất huyết, 52 ca mắc tay chân miệng, 1 ca sởi.
Quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) ra quân tổng vệ sinh môi trường, phòng dịch bệnh sau mưa lũ Tin Y tế

Quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) ra quân tổng vệ sinh môi trường, phòng dịch bệnh sau mưa lũ

TTTĐ - Quận Nam Từ Liêm ra quân tổng vệ sinh môi trường tại 10/10 phường trên địa bàn sau ảnh hưởng của bão số 3.
Các cơ sở y tế tổng vệ sinh môi trường sau mưa bão Tin Y tế

Các cơ sở y tế tổng vệ sinh môi trường sau mưa bão

TTTĐ - Sở Y tế đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo thực hiện công tác tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Dọn dẹp khu vực bếp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sau mưa lũ Tin Y tế

Dọn dẹp khu vực bếp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sau mưa lũ

TTTĐ - Ngập lụt ở một số khu vực trên địa bàn Hà Nội đã dấu hiệu nước rút dần. Người dân đang bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, trong đó đặc biệt lưu ý dọn dẹp vệ sinh các khu bếp, khu chế biến thức ăn, phòng tránh các bệnh về đường tiêu hoá dễ xảy ra sau mưa lũ.
Tiêm miễn phí vắc xin uốn ván cho người dân các tỉnh vùng lũ Tin Y tế

Tiêm miễn phí vắc xin uốn ván cho người dân các tỉnh vùng lũ

TTTĐ - Nhằm chia sẻ khó khăn và đóng góp vào việc bảo vệ sức khỏe cho người dân vùng lũ, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec sẽ tiến hành tiêm chủng miễn phí vắc xin uốn ván cho người dân các tỉnh vùng lũ.
Phun hóa chất Cloramin B, vệ sinh môi trường diện rộng Tin Y tế

Phun hóa chất Cloramin B, vệ sinh môi trường diện rộng

TTTĐ - Để chuẩn bị sẵn sàng đón người dân trở về nhà sau khi phải di dời do mưa bão và đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau bão, Trung tâm Y tế quận Ba Đình tiến hành phun khử khuẩn, tổng vệ sinh môi trường tại các điểm nước rút và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phường Phúc Xá.
Đảm bảo nhân lực khám chữa bệnh, thường trực Tin Y tế

Đảm bảo nhân lực khám chữa bệnh, thường trực

Khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Thanh Oai đã chủ động công tác vệ sinh môi trường, quản lý chất thải y tế và sẵn sàng công tác ứng trực, khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ Tin Y tế

Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ

TTTĐ - Ngày 12/9, Bộ Y tế đã có văn bản số 5400/BYT-DP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ và ngập lụt.
Xem thêm