Có chính sách cụ thể “hồi hương” cổ vật, bảo vật quốc gia
Phát hiện đồ vật nghi là cổ vật tại khu vực ven biển Hội An Cổ vật triều Nguyễn được định danh và triển lãm trên không gian số |
Chiều 23/10, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Góp ý về sở hữu di sản văn hóa ở Điều 4, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) cho biết, tại điểm a khoản 3 quy định di sản văn hóa được xác lập sở hữu riêng, bao gồm di vật cổ vật bảo vật quốc gia, di sản tư liệu do một cá nhân hoặc một pháp nhân sưu tầm lưu giữ.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và cân nhắc quy định bảo vật quốc gia thuộc sở hữu riêng, bởi bảo vật quốc gia là di vật, cổ vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học.
Nếu bảo vật quốc gia được xác lập sở hữu riêng, thì các tổ chức, cá nhân sẽ có quyền sở hữu đối với các di sản sẽ được quyền trao đổi, mua, bán, tặng cho, dẫn đến nguy cơ di sản dễ bị đưa ra nước ngoài hoặc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) |
Trong khi đó, việc phát hiện, thu hồi, mua và đưa bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước đang được Đảng và Nhà nước rất quan tâm.
Về chính sách của Nhà nước đối với di sản văn hóa tại Điều 7, đại biểu Nghĩa cho biết, các chế chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa đã được xác lập rõ, tuy nhiên, qua rà soát dự thảo luận, vẫn còn các quy định về chính sách di sản văn hóa rải rác ở các điều.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các nội dung về chính sách của nhà nước về di sản trong dự thảo luật vào Điều 7 của dự thảo luật. Đồng thời, cần chọn lọc có trọng tâm, trọng điểm các chính sách và chọn lọc đối tượng thụ hưởng chính sách, tránh quy định dàn trải, dẫn đến việc thực hiện không hiệu quả.
Trong đó cần quan tâm đến chính sách đầu tư của Nhà nước về chính sách xã hội hóa, nhất là đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý về di sản văn hóa để bảo đảm phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Về thu hồi, mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước tại Điều 51, đại biểu cho rằng quy định tại khoản 3 chưa phù hợp với thực tiễn, khó thực hiện.
Theo đại biểu Nghĩa, hiện nay, nhiều địa phương chưa có đủ điều kiện nguồn lực về tài chính cũng như kinh nghiệm để thực hiện, xác định giá trị thu hồi, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc nước ngoài về nước.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng điều chỉnh trường hợp phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND cấp tỉnh thực hiện việc thu hồi, mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia về nước.
Ngoài ra, hiện nay việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc sở hữu tư nhân vẫn đang gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ soạn thảo nghiên cứu quy định cho phép bảo tàng lưu giữ di sản văn hóa, thuộc sở hữu tư nhân hoạt động dịch vụ có thu phí.