Công tác xây dựng nông thôn mới của Thủ đô đi vào chiều sâu, bền vững
Mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thường Tín (Hà Nội)
Bài liên quan
Tiếp tục phát huy các lợi thế trong công tác xây dựng nông thôn mới
Tận dụng phế phẩm nông nghiệp để tăng thu nhập và bảo vệ môi trường
Nam Định: Huyện Mỹ Lộc được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn NTM
Công nhận huyện Quảng Xương đạt chuẩn nông thôn mới
Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện
Nhờ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nên sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Báo cáo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội cho thấy: Vài năm trở lại đây, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn có sự cải thiện rõ rệt. Đơn cử như năm 2018 vừa qua, thu nhập bình quân đầu người đạt 46,5 triệu đồng/người/năm. Trong đó, nhiều huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 58 triệu đồng, Hoài Đức 48,6 triệu đồng, Gia Lâm 47,6 triệu đồng, Đông Anh 47 triệu đồng,...
Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 87,2%, 100% số xã kết nối Internet và hầu hết các hộ dân đều có điện thoại.
Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, thời gian qua, công tác giải quyết việc làm cho người dân cũng được thành phố chú trọng. Từ năm 2016 đến nay, Thành phố giải quyết việc làm cho trên 589.000 lượt lao động. Xét duyệt cho vay vốn từ nguồn ngân sách Thành phố ủy thác với số tiền trên 2.494,7 tỷ đồng; đưa 10.669 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội cho rằng: Qua rà soát, chấm điểm tại các địa phương cho thấy, phong trào xây dựng nông thôn mới đã đi vào chiều sâu và bền vững hơn. Ở tất cả các xã được chấm điểm đều thấy có sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư trong việc góp ý, bàn bạc, đóng góp kiến thiết quê hương. Không những vậy, cơ sở hạ tầng ở các xã từng bước được đầu tư cơ bản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Giữ vững và nâng cao các tiêu chí sau khi đạt chuẩn
Theo ông Nguyễn Văn Chí, bên cạnh các tiêu chí đạt cao, đoàn thẩm định nông thôn mới thuộc Ban chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cũng chỉ ra những tồn tại trong xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương và yêu cầu các xã tiếp tục quan tâm, chỉ đạo hoàn thiện trong thời gian tới. Cụ thể, các tiêu chí bị trừ điểm nhiều nhất là nhóm xây dựng hạ tầng. Đây là nhóm cần nguồn vốn đầu tư lớn nên một số địa phương chưa thực hiện được ngay, phải được sửa và hoàn thiện.
Gợi ý về hướng đi cho các địa phương trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Văn Chí cũng cho rằng: Bên cạnh việc sản xuất, mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa để giữ vững và nâng cao các tiêu chí sau khi đạt chuẩn. Đặc biệt đề nghị các địa phương lưu ý tiêu chí nâng cao đời sống người dân, bởi đây là cốt lõi làm nên thay đổi thực chất trong xây dựng nông thôn mới.
“Quan trọng là người dân phải hiểu được rằng công tác xây dựng nông thôn mới là quá trình không ngừng nghỉ. Sau khi đạt chuẩn, thành phố yêu cầu các xã tiếp tục có kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc lên kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, các địa phương cần chú ý đến quá trình chấm điểm không được chạy theo thành tích, kể cả các xã đã đạt chuẩn vẫn phải tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, bởi cốt yếu của việc xây dựng nông thôn mới chính là tạo điều kiện cho nhân dân thực sự được hưởng lợi”, ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Để làm tốt hơn nữa công tác xây dựng nông thôn mới, thời gian tới Hà Nội cần thực hiện các tiêu chí bảo đảm chất lượng, đồng bộ, hiệu quả, bền vững, gắn kết với phát triển du lịch, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung nguồn lực, trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia để đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng cho nông thôn, nhất là các lĩnh vực môi trường, xử lý rác, nước thải, cung cấp nước sạch.
Đồng thời, Hà Nội cần tích cực tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Các địa phương phải tập trung hỗ trợ giảm nghèo, đào tạo nghề, tạo thêm việc làm cho nông dân. Các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2019 tập trung quyết liệt xây dựng và hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt, cơ bản đạt, phấn đấu năm nay có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, góp phần để ngành nông thôn Thủ đô “cất cánh”.