Cô gái "bỏ bom" 150 mâm cỗ cưới ở Điện Biên có dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Công an TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đang điều tra làm rõ sự việc Cà Thị Út (SN 1996, HKTT tại bản Co Hói, xã Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) có dấu hiệu tội chiếm đoạt tài sản khi "bỏ bom" 150 cỗ cưới tại nhà hàng.
Sau khi đặt một nhà hàng ở TP Điện Biên Phủ làm 150 mâm cỗ cưới, cô gái trẻ đã biến mất |
Theo lời khai của Cà Thị Út, do thường xuyên qua lại quán Tâm Phúc ăn nhậu nên quen biết anh Vũ Thế Long (chủ nhà hàng). Mặc dù chưa có công việc ổn định nhưng Út khoe đang công tác tại một cơ quan Nhà nước trên địa bàn. Thấy anh Long tin tưởng nên Út nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, khoảng tháng 8/2020, Út đặt anh Long làm 7 mâm cơm (trị giá 7 triệu đồng) để tiếp khách cơ quan và yêu cầu ship đến địa chỉ do Út cung cấp và nợ chưa trả tiền. Khi anh Vũ Thế Long gọi điện đòi số nợ 7 triệu đồng, do không có tiền trả nên Út nói dối là sau này sẽ tổ chức đám cưới tại nhà hàng của anh rồi trả một thể.
Ngày 22/9, Út gọi điện thoại cho anh Long yêu cầu cung cấp 156kg gà sống, 40kg giò, 180 hộp mía (trị giá gần 23 triệu đồng) để tổ chức báo hỷ tại nhà gái và đặt anh dựng phông, rạp và 150 mâm cỗ cưới tại nhà hàng của anh vào ngày 30/9.
Tất cả giao dịch đều "bằng miệng" từ ngày 24 - 26/9, anh Long đã chuyển đủ số thực phẩm 156kg gà, 40kg giò, 180 hộp mía cho Út và ngày 30/9 cũng đã chuẩn bị đầy đủ 150 mâm cỗ cưới theo yêu cầu. Tuy nhiên đến trưa ngày 30/9 do không liên lạc được với Út nên anh Long đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng.
Một lãnh đạo Công an TP Điện Biên Phủ cho hay, sau khi gây ra vụ việc, Út đã tắt điện thoại, bỏ đi khỏi địa bàn sinh sống nên cơ quan công an đã phải tung 3 tổ công tác để tìm kiếm. Đến 18 giờ ngày 1/10, Công an mới tìm thấy Út tại khu vực gần biên giới ở xã Thanh Luông, huyện Điện Biên. Thời điểm bị phát hiện, cô gái này không có dấu hiệu sợ hãi hay lo lắng nào, thái độ vẫn bình thường.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 3/10, trao đổi với chúng tôi, anh Long cho biết, hiện toàn bộ vụ việc gia đình anh nhờ cơ quan công an điều tra làm rõ. Mấy ngày qua phía gia đình cô gái cũng chưa gặp gỡ hay chia sẻ gì sau sự việc đã xảy ra.
Công an TP Điện Biên Phủ đang điều tra làm rõ hành vi lừa đảo của Cà Thị Út |
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu hành vi của Út chỉ dừng lại ở việc đặt cỗ cưới nhưng không đến ăn hoặc không trả đủ tiền thì đây là quan hệ dân sự. Thiệt hại của hành vi bội ước, không ăn, không thanh toán 150 mâm cỗ không thể xử lý hình sự. Tuy nhiên thủ đoạn đặt cỗ để chiếm đoạt những tài sản khác trước đó của Út thì có dấu hiệu tội phạm.
Từ lời khai nêu trên của Cà Thị Út, luật sư Cường cho rằng, để có được những thực phẩm đó, đối tượng đã sử dụng những thủ đoạn gian dối về công việc, về khả năng thanh toán dẫn đến việc chủ nhà hàng cả tin nên đã giao thực phẩm cho đối tượng và không có ý định trả lại số tiền mua thực phẩm.
Việc đặt cỗ nhưng không đến ăn không cấu thành một tội độc lập tuy nhiên đây cũng là một thủ đoạn gian dối thể hiện mục đích chiếm đoạt những thực phẩm mà đối tượng này đã nhận trước đó. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ ý thức chủ quan của đối tượng, trong trường hợp có căn cứ cho thấy cô gái đã dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản đã nhận của nạn nhân thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo luật sư Cường, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và có thể tạm giam đối tượng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Số tiền 150 mâm cỗ không phải là tài sản mà đối tượng chiếm đoạt tuy nhiên đó là tài sản gây thiệt hại nên đối tượng này phải bồi thường.
Những thực phẩm đối tượng đã nhận được từ những thủ đoạn gian dối thì có thể xác định đó là tài sản bị chiếm đoạt. Đây là cơ sở để xác định khung, khoản hình phạt theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong quá trình điều tra, nếu thấy đối tượng có dấu hiệu bị tâm thần, cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định để xác định mức độ, khả năng nhận thức trước, trong và sau thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Nếu có căn cứ cho thấy đối tượng này chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức nhưng hành vi cấu thành tội phạm thì vẫn xử lý theo quy định của pháp luật và cơ quan tố tụng sẽ cân nhắc khi lượng hình.
Trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi trước và trong thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thì đối tượng này sẽ không bị xử lý hình sự nhưng bị bắt buộc chữa bệnh.
Út đặt 150 mâm cỗ cưới rồi "bỏ bom" khiến nhà hàng ở TP Điện Biên Phủ thiệt hại hơn 200 triệu đồng |
Cùng trao đổi về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, đối tượng đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của anh Long 2 lần. Lần 1 vào khoảng tháng 8/2020, đối tượng đặt anh Long làm 7 mâm cơm (trị giá 7 triệu đồng). Anh Long đã chuyển giao đầy đủ cho đối tượng đến địa chỉ cung cấp.
Lần 2, ngày 22/9/2020, Út gọi điện thoại cho anh Long yêu cầu cung cấp 156kg gà sống, 40kg giò, 180 hộp mía (trị giá gần 23 triệu đồng) để tổ chức báo hỷ tại nhà gái gái, đặt dựng phông, rạp và 150 mâm cỗ cưới tại nhà hàng của anh Long.
Chủ nhà hàng đã chuyển đủ số thực phẩm 156kg gà, 40kg giò, 180 hộp mía cho Út, ngày 30/9 cũng đã chuẩn bị đầy đủ 150 mâm cỗ cưới theo yêu cầu. Do đó, đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tương ứng với giá trị tài sản được quy đổi bằng tiền làm căn cứ xử lý theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự.
Đối với hành vi đặt 150 mâm cỗ cưới, cần làm rõ động cơ, mục đích của đối tượng khi đặt. Ngoài ra cần xem xét các động cơ khác như tư thù, mâu thuẫn kinh doanh hoặc có ai xúi giục chơi xấu nhà hàng. Nếu không có động cơ chiếm đoạt hoặc mâu thuẫn thì cần xem xét tâm thần của đối tượng...
Theo quan điểm của luật sư Thơm, đối với hành vi đối tượng đặt 150 mâm cỗ cưới và các trang thiết bị thuê phục vụ đám cưới chưa thỏa mãn dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực tế, đối tượng cũng chưa chiếm đoạt và số cỗ này vẫn còn nguyên tại nhà hàng. Vì vậy khó có thể quy kết là trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt theo quy định tại các Điều 14, 15 Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ, Điều 14, chuẩn bị phạm tội không quy định trong trường hợp phạm tội lừa đảo chiếm đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với Điều 15 phạm tội chưa đạt là trường hợp cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Như vậy, từ những thông tin ban đầu cho thấy, đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Vũ thế Long là chủ nhà hàng Tâm Phúc là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.