Kỳ vọng vào bệ đỡ cho những nhà sáng tạo trẻ
Hướng đến thành lập Mạng lưới Không gian sáng tạo Hà Nội Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trở thành không gian sáng tạo đặc sắc Không gian văn hóa sáng tạo hút khách du lịch tới Thủ đô |
Nở rộ những không gian sáng tạo trẻ
Hà Nội vốn là “cái nôi” của những không gian sáng tạo, với hàng trăm không gian sáng tạo, hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau. Có thể kể đến như tổ hợp Complex 01 (phố Tây Sơn, quận Đống Đa), những không gian làm việc chung của Toong, hay các mô hình chuyên về nghệ thuật như VICAS (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)…
Hình thức phổ biến nhất là các quán cà phê kết hợp với các hoạt động văn hoá, nghệ thuật nằm rải rác khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Điển hình là phường Bách Nghệ (phường Mộ Lao, quận Hà Đông), một không gian sáng tạo mới toanh vừa đi vào hoạt động được mấy tháng.
Trọng tâm hoạt động của Phường Bách Nghệ là sản phẩm thủ công truyền thống. Do sự biến đổi của xã hội, nhiều làng nghề đang bị mai một. Nơi đây thường tổ chức trưng bày, giới thiệu nhiều nghề truyền thống theo từng chuyên đề, trong đó tập trung vào việc trải nghiệm thực hiện sản phẩm để mọi người có thể tìm thấy sự kết nối với văn hóa Việt qua từng sản phẩm thủ công.
Các bên tham gia gồm cả nhà thiết kế, nghệ nhân, nhà đầu tư… từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác, sáng tạo ra những sản phẩm không chỉ bảo tồn mà nâng tầm cho tinh hoa làng nghề.
Một không gian sáng tạo vừa mới đi vào hoạt động được hơn 1 tháng nay là Cộng Xưởng (số 1A phố Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Điểm khác biệt của Cộng Xưởng so với nhiều không gian sáng tạo khác chính là tính liên ngành và việc cung cấp hỗ trợ cho các nghệ sĩ, nhà sáng tạo trẻ.
Cộng Xưởng cung cấp cho các nghệ sĩ, nhà sáng tạo một không gian sáng tạo tự do, cung cấp nguyên vật liệu có sẵn, cùng với đó là cố vấn của những người có kinh nghiệm của những người đi trước.
Việc đề cao tính liên ngành bởi những người sáng lập Cộng Xưởng cho rằng, khi những người thuộc các ngành khác nhau, nhưng ngồi lại với nhau, đưa các góc nhìn khác nhau trong cùng một vấn đề, sản phẩm đáp ứng cho xã hội thì sẽ tìm ra thị trường cho sản phẩm ấy.
Mới đây, Cộng Xưởng đã khởi động Lễ hội sáng tạo liên ngành 2024, các nghệ sĩ có cơ hội làm việc trong một không gian chung, để từ đó vừa giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, vừa tìm kiếm các cơ hội hợp tác. Cộng Xưởng chỉ là một trong rất nhiều không gian sáng tạo ra đời trong thời gian vừa qua trên địa bàn Hà Nội.
Những không gian sáng tạo mới còn phải kể đến Re:born Creative (Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình)… hay một cái tên rất lạ là Ở đây nhà tôi (phố Ngọc Thuỵ, quận Long Biên). Các loại hình nghệ thuật, sáng tạo cũng ngày càng đa dạng, giúp công chúng có nhiều lựa chọn.
Tuy nhiên, các không gian sáng tạo từng chững lại trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Chủ sở hữu các không gian sáng tạo hầu hết là những nhà đầu tư nhỏ, xuất phát điểm của họ thường là những nghệ sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư… hay những người đam mê văn hóa. Họ đều “tơi tả” sau hai năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, không những vắng khách, mà nhiều giai đoạn còn phải đóng cửa hoàn toàn.
Nhưng sau khi dịch bệnh COVID-19 kết thúc, cùng với sự hồi sinh của những không gian sáng tạo quen thuộc, những không gian sáng tạo mới liên tục ra đời. Nếu như trước đây, các không gian sáng tạo chủ yếu thường gắn với những loại hình nghệ thuật, sáng tạo mới thì bây giờ, ngày càng nhiều không gian sáng tạo khai thác giá trị văn hoá truyền thống, văn hoá bản địa đi vào hoạt động.
Còn tại phố cổ Hà Nội, không chỉ những di tích lớn, những di tích nhỏ, ít được công chúng biết đến như: Đình Phả Trúc Lâm, đình Tú Thị… cũng “gia nhập” các hoạt động sáng tạo thông qua dự án “Chuyện đình trong phố”.
Các nghệ sĩ, nhà sáng tạo đã nối tiếp những câu chuyện cũ ở chính các con phố, các di tích để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật hay sản phẩm công nghiệp văn hoá mang hơi thở đương đại.
Kỳ vọng vào Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo
Tuy hoạt động và phát triển sôi nổi là thế, các không gian sáng tạo tại Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự ổn định về địa điểm và mô hình nguồn lực. Một mâu thuẫn đang tồn tại là, trong khi nhiều thiết chế văn hoá công chưa sử dụng hết công suất thì các không gian sáng tạo tư lại đang thiếu mặt bằng.
Anh Ngô Quý Đức, người sáng lập Phường Bách Nghệ cho biết, dù mới hoạt động một thời gian, nhưng Phường Bách Nghệ đang xúc tiến việc tìm “nhà mới”, bởi một số hoạt động trong dịp Tết Trung thu của không gian sáng tạo này rơi vào tình trạng quá tải.
Phường Bách Nghệ thu hút nhiều bạn trẻ đến tham gia trải nghiệm |
Sau 4 năm gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, khẳng định hình ảnh Thủ đô hiện đại, sáng tạo, hội nhập. Hiện TP vẫn nỗ lực thực hiện các cam kết với UNESCO kể từ khi gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo năm 2019.
Cụ thể, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng Thành phố sáng tạo, tiêu biểu là Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022, của Thành ủy, “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND, ngày 1/4/2022, của UBND TP Hà Nội, “Về thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025”, đồng thời phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết với UNESCO.
Sắp tới, Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo chính thức của TP Hà Nội sẽ ra mắt. Đây cũng chính là một trong những cam kết mà Hà Nội đã và đang nỗ lực thực hiện với tư cách là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019.
Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo chính thức của thành phố sẽ được điều phối bởi Trung tâm điều phối Sáng tạo đặt tại Bảo tàng Hà Nội. Để chuẩn bị cho sáng kiến này, từ năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai xây dựng Bộ Tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội.
Dựa vào bộ tiêu chí, các bên liên quan sẽ hiểu hơn về thế nào là không gian văn hóa sáng tạo và hướng tới xây dựng tổ chức của mình theo định hướng trở thành một không gian văn hóa sáng tạo.
Bộ tiêu chí giúp định hình và phân loại và kiểm kê các không gian văn hóa sáng tạo trên khắp thành phố. Từ đó, thành phố Hà Nội sẽ tiến hành kêu gọi không gian tham gia vào Mạng lưới các không gian văn hóa sáng tạo chính thức của Hà Nội.
Người dân hòa mình vào Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 |
Cùng với sự ra đời của Trung tâm điều phối sáng tạo, Mạng lưới chắc chắn sẽ là một nền tảng và cơ chế hữu ích và thiết thực để các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, hợp tác và tạo ra tác động to lớn hơn cho ngành công nghiệp văn hóa thành phố, góp phần xây dựng thương hiệu và bản sắc thành phố, tạo tiếng vang cho thành phố ở quy mô quốc tế.
Sự ra đời của mạng lưới chính thức được kỳ vọng sẽ phát triển bài bản, giúp các không gian sáng tạo hoạt động ổn định và lâu dài, làm giảm bớt tình trạng tự phát, sớm nở tối tối tàn như hiện nay.