Chuyện người thầy mặc áo mưa, đi ủng đến trường
Thầy giáo trẻ 10 năm đạt danh hiệu “Người tốt việc tốt” Thầy giáo trẻ mở lớp học miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn Hành trình theo đuổi sự nghiệp “trồng người” của thầy giáo Tày |
Đây là những lời tâm sự của thầy giáo Lò Văn Quang, trường Tiểu học Khong Hin (xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) tại lễ tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương vừa diễn ra tại Hà Nội.
Khó khăn, vất vả là thế nhưng 10 năm qua, thầy Quang luôn gắn bó với học sinh vùng sâu, vùng khó khăn đặc biệt. Trong đó, thầy giáo trẻ đã có 7 năm công tác tại trường Tiểu học Nậm Din (xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo), 3 năm tại trường Tiểu học Khong Hin.
Lòng yêu nghề mãnh liệt
Với niềm đam mê, yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy Quang dành cả thanh xuân của mình cho học trò nghèo vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, ít ai biết rằng thầy Quang đến với nghề sư phạm rất tình cờ. Khi đó hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn, thương bố mẹ vất vả nên anh quyết định chọn một ngôi trường gần nhà làm nơi học tập.
Ba năm học tập ở trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã giúp anh có cái nhìn khác về nghề sư phạm và ngành Giáo dục. Tình yêu nghề bắt đầu nhen nhóm và lớn dần lên trong anh từ đó. Tốt nghiệp ra trường, anh được Phòng Giáo dục Tuần Giáo tuyển dụng và phân công vào công tác tại trường Tiểu học Nậm Din, xã Phình Sáng.
Thầy giáo Lò Văn Quang nhận danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương |
Sau 7 năm công tác cùng với sự cố gắng, khắc phục khó khăn của cá nhân thầy Quang và tập thể nhà trường, sự quan tâm của ngành và địa phương trường Nậm Din vinh dự đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 vào năm học 2016-2017. Tuy nhiên, khi mọi việc thuận lợi hơn thì thầy giáo trẻ xin chuyển trường và được phân công về trường Tiểu Học Khong Hin.
“Khi đó, tôi nghĩ rất đơn giản, có công có việc là tốt rồi. Tôi không nên so bì với ngành nghề nào cả. Miễn sao biết phát huy đúng vai trò và khả năng của bản thân, làm ở đâu ngành gì cũng là cống hiến cho gia đình, xã hội”, thầy Quang chia sẻ.
Từ những ngày đầu “chập chững” đến nay thầy Quang đã có 10 năm với bó với học trò vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn. Suốt 10 năm nay, trang phục đến trường của anh cũng rất đặc biệt, đó là một bộ quần áo mưa và đôi ủng, dù bất kể trời mưa hay nắng. “Hình ảnh quen thuộc đến nỗi, bắt gặp chúng tôi đi ngoài đường, ai cũng biết đó là thầy cô giáo đang công tác ở Mường Khong”, thầy Quang nói.
Con đường đến trường mà thầy giáo Lò Văn Quang và đồng nghiệp phải trải qua |
Lý giải về điều này, thầy Quang cho biết: “Từ nhà tôi tới điểm trường trung tâm khoảng 18km, chủ yếu đường đất, dốc núi, trời mưa lầy lội, trơn trượt, nắng thì bụi bẩn. Vì vậy, chúng tôi luôn phải mặc bộ quần áo mưa bảo hộ cho đỡ bẩn. Nhiều hôm nắng nóng nhưng vẫn cố gắng để mặc, nếu không bụi phủ kín người. Cách đây hơn một năm, mùa mưa lũ, nước dâng cao, chia cắt các con suối, thầy cô giáo ở Khong Hin phải cùng nhau khiêng xe máy vượt suối tới trường”.
Tình thương dành cho trò
Theo thầy Quang, hiện nay xã Mường Khong đã được đầu tư xây dựng đường, cầu cống. Một số đoạn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đường đất vẫn là chủ yếu nên việc đi lại của thầy cô và học sinh vẫn còn nhiều vất vả.
Công tác trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn như thế nhưng thầy giáo trẻ Lò Văn Quang luôn tràn đầy nhiệt huyết, thường xuyên có các sáng kiến đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học được công nhận ở cấp trường, cấp huyện. Năm học 2015-2016 và 2019-2020, anh đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Năm 2018 đạt Huy chương Bạc tại Đại hội thể thao tỉnh Điện Biên môn nhảy cao.
Thầy giáo Quang tâm niệm, nhiều thầy cô ở những địa bàn khác còn khó khăn hơn, chính vì vậy cần phải luôn nỗ lực, cố gắng khắc phục. Đó cũng là động lực để anh vươn lên và càng dành nhiều tình yêu thương hơn cho học trò, những đứa trẻ vùng cao ngày ngày phải trèo đèo, lội suối đến lớp. Có những em ở quá xa, lũ dâng lên không chẳng thể đến trường. Khó khăn, thiếu thốn khiến các em thiệt thòi đủ đường.
Thầy giáo Lò Văn Quang và các em học sinh trong một tiết học ngoài trời |
Trường của anh hiện có 67/462 học sinh bán trú nhưng do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, nhà trường phải thuê gầm nhà sàn của các hộ dân gần trường cho các em ở. Nhà công vụ của trường được tận dụng, cơi nới cả 4 phía để làm bếp ăn, nơi sinh hoạt, ăn bán trú cho học sinh, thầy cô giáo, kê giường ngủ và làm thư viện.
Thương học sinh, anh cùng các thầy cô giáo khác tranh thủ mọi khoảng thời gian dạy dỗ, chăm sóc các em như con của mình. Đặc biệt, ngoài giờ lên lớp, thầy Quang thường xuyên trò chuyện, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Anh cùng với nhiều thầy cô khác hướng dẫn chúng một số kĩ năng cơ bản: Vệ sinh cá nhân, giặt giũ quần áo, chăn màn, chăm sóc bản thân, đặc biệt là kĩ năng phòng tránh tai nạn thương tích…
Chính qua những hoạt động này, anh truyền cho các em tinh thần học hỏi, nỗ lực không ngừng, với thông điệp vượt qua đói nghèo, có cuộc sống tốt hơn cho bản thân, gia đình. Để làm được điều đó chỉ có duy nhất một con đường, đó là học.
“Tôi cũng là người dân tộc thiểu số (dân tộc Thái). Tuổi thơ đói nghèo, lớn lên bằng củ sắn, củ mài. Vì vậy, hàng ngày, tôi luôn nhắc nhở các em học sinh phải tạo ước mơ cho mình, có một công việc cụ thể”, thầy Quang chia sẻ.
Nói và làm, thầy giáo trẻ đang cố gắng kết nối với các nhà hảo tâm để giúp đỡ học trò trường anh và những đứa trẻ vùng cao bớt khó khăn. Anh muốn chúng được tiếp sức vượt qua khó khăn để chạm tay đến ước mơ.
Thầy giáo trẻ cũng mơ ước, sớm có mặt bằng để xậy dựng điểm trường trung tâm khang trang, đầy đủ hơn, tạo điều kiện cho các em được học tập thật tốt. Thầy giáo trẻ tin rằng với đường lối chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cùng với sự cố gắng của tất cả mọi người, học trò ở Mường Khong sẽ sớm có cuộc sống tốt đẹp hơn.