Chỉ thông tuyến tỉnh đối với người bệnh có thẻ BHYT điều trị nội trú
Mở rộng quyền lợi cho người tham gia
Theo quy định của Luật BHYT năm 2014, trước ngày 1/1/2021, người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh mà không có giấy chuyển viện từ tuyến dưới, thì được coi là đi khám chữa bệnh trái tuyến và chỉ được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng.
Từ ngày 1/1/2021, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc. Dù thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện nhưng nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, dù không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới, người bệnh vẫn được coi là điều trị đúng tuyến. Quy định này không áp dụng cho khám chữa bệnh ngoại trú.
Việc triển khai thực hiện quy định mới về thông tuyến tỉnh đối với người bệnh có BHYT điều trị nội trú sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, hoặc bệnh nhân ở tỉnh xa, đi công tác, làm việc tại địa phương khác. Như, người bệnh có thẻ BHYT do các tỉnh phát hành, đến thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh làm việc, nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật thì có thể đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh ở đây. Người bệnh không mất công đi về; hay phải xin giấy chuyển tuyến từ dưới lên trên…
Cùng với đó, quy định mới này cũng tạo điều kiện cho người dân chủ động lựa chọn, tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp với tình trạng bệnh, chính sách này cũng động lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tất cả các tuyến y tế. Các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ phải nâng cao chất lượng để giữ bệnh nhân, không để họ đổ đến thành phố lớn hoặc đi địa phương khác điều trị. Chất lượng khám chữa bệnh nâng lên, người bệnh được hưởng.
Quỹ BHYT chỉ chi trả 100% chi phí theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng cho các trường hợp người bệnh tự đi khám tại bệnh viện tuyến tỉnh và có chỉ định điều trị nội trú của bác sĩ |
Tuy nhiên, khi quy định mới này bắt đầu có hiệu lực, nhiều người dân vẫn lầm tưởng rằng, việc thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh BHYT áp dụng cả với những trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú. Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho hay: Từ ngày 1/1/2021, những trường hợp người có thẻ BHYT phát sinh nhu cầu khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh hoặc đang ở tỉnh xa nếu bị bệnh thì có thể đến các bệnh viện tuyến tỉnh và được BHYT chi trả 100% nếu điều trị nội trú, không phải trở về địa phương để khám chữa bệnh theo tuyến như trước kia.
Quỹ BHYT chỉ chi trả 100% chi phí theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng cho các trường hợp người bệnh tự đi khám tại bệnh viện tuyến tỉnh và có chỉ định điều trị nội trú của bác sĩ. Trường hợp người dân tự đi khám ngoại trú, sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh.
Đồng thời, quy định thông tuyến tỉnh được áp dụng với tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện ngành. Các tuyến Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Thống Nhất, Trung ương 108 không áp dụng.
Cảnh báo nguy cơ quá tải
Mặc dù quy định mới tạo thuận lợi hơn cho người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế nhưng cũng được dự báo sẽ tạo “áp lực” không nhỏ lên Quỹ bảo hiểm y tế và các cơ sở khám chữa bệnh.
Ông Lê Văn Phúc cho rằng: Việc triển khai thực hiện quy định mới sẽ khiến các bệnh viện phải đối mặt với tình trạng quá tải khi có nhiều bệnh nhân dồn lên tuyến tỉnh, trong khi nhân lực, vật lực của nhiều bệnh viện tuyến tỉnh còn đang thiếu. Có thể xảy ra xu hướng chỉ định điều trị nội trú kể cả với bệnh nhân mắc bệnh nhẹ, chưa thực sự cần thiết điều trị nội trú cũng đưa vào. Điều này dễ dẫn đến quá tải giường bệnh, gây khó khăn cho sinh hoạt của bệnh nhân.
Trong khi, xu thế của thế giới là tăng cường điều trị ngoại trú hoặc từ tuyến dưới, chăm sóc sức khỏe ban đầu chứ không phải tập trung vào điều trị nội trú. Hiện trạng ở Việt Nam thì ngược lại. Tỷ trọng điều trị nội trú hiện nay hơn 60%, ngoại trú chỉ khoảng 30%. Mấy trước năm trước, tỷ lệ này là 50/50.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) |
“Khi thông tuyến, một bệnh nhân nếu điều trị ngoại trú không được hưởng BHYT, nếu đưa vào nội trú lập tức được chi trả toàn bộ. Rõ ràng, sẽ có câu chuyện tăng chỉ định bệnh nhân điều trị nội trú, kể cả bệnh nhân chưa thực sự cần thiết. Một bệnh nhân điều trị nội trú, ngoài người nhà thăm nom, chăm sóc, chi phí của xã hội cũng kéo theo. Vì vậy, người dân cần hiểu rõ quy định và giới hạn quyền lợi của mình để tránh sự lãng phí không cần thiết cả về thời gian và tiền bạc.
Ngoài ra, bệnh viện tỉnh để đáp ứng việc khám chữa bệnh khi lượng bệnh nhân tăng cao, có thể thu hút nhân viên y tế từ huyện, xã về. Dễ dẫn đến tình trạng mất cân bằng số lượng nhân viên y tế tuyến dưới với tuyến trên, điều này càng tạo nên sự chênh lệch chất lượng khám chữa bệnh của cơ sở y tế các tuyến”, ông Phúc nhấn mạnh.
Trưởng ban Lê Văn Phúc nhấn mạnh, tâm lý người bệnh luôn muốn lên tuyến trên cho yên tâm, nhưng chỉ định điều trị lại là quyền của bác sĩ. Bệnh nhân thực sự cần điều trị nội trú thì chỉ định nội trú. Nếu bệnh có thể điều trị ở tuyến huyện, xã cũng nên nói rõ, không nhất thiết phải lên tuyến trên. Bệnh viện tuyến tỉnh phải rà soát lại số giường bệnh, việc kê thêm giường có đúng quy định hay không, bởi có bệnh viện kê thêm hàng nghìn giường.
Bộ Y tế cũng phải có chính sách hạn chế bệnh nhân từ tuyến dưới dồn lên tuyến trên. Đồng thời, truyền thông cho người dân biết chất lượng y tế tuyến dưới đã dần được cải thiện, không thể nghe thông tuyến là đổ về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các thành phố lớn để khám chữa.
Theo tính toán của BHXH Việt Nam dựa trên số liệu bệnh nhân điều trị nội trú vượt tuyến của năm 2020, với hơn 1,072 triệu lượt bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả 60%, chi phí khám chữa bệnh BHYT chi trả đã vượt 1.250 tỷ đồng. Khi chính sách thông tuyến có hiệu lực, nếu cũng với số lượng bệnh nhân đó được Quỹ chi trả toàn bộ, chi phí BHYT sẽ tăng lên hàng nghìn tỷ đồng. Theo tính toán khoảng hơn 2.000 tỷ.
Năm 2021, dự báo lượng bệnh nhân điều trị nội trú tuyến tỉnh tăng. Đương nhiên chi phí chi trả của Quỹ BHYT cũng sẽ gia tăng. Trong khi Quỹ BHYT dự phòng khả năng chi trả chỉ đáp ứng được đến hết năm 2021.