Cần thay đổi tư duy cho thương hiệu nông sản Việt Nam
Đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm: Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản;
Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp;
Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu khai mạc |
Ngoài Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời thẳng, cụ thể thực trạng đang thế nào, người nông dân trông chờ điều gì, chủ trương, Nghị quyết đã có, bây giờ Bộ trưởng có định hướng là gì và làm như thế nào?
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi về giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp |
Tại phiên chất vấn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) hỏi, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng nói: "Chúng ta chung tay cho sứ mệnh đưa nông nghiệp nước nhà đến tầm cao mới". Đề nghị Bộ trưởng cho biết định hướng đổi mới nào Bộ trưởng đã, đang và sẽ thực hiện để đưa nông nghiệp nước nhà đến tầm cao mới.
Đại biểu Mai cho biết thêm: "Thứ hai, Bộ trưởng đã từng đưa ra thông điệp: Chúng ta xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm, trách nhiệm với sức khỏe hàng trăm triệu dân. Tuy nhiên, đến nay, tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp vẫn là sự phiền muộn chưa bao giờ nguôi của hàng triệu dân.... Bộ trưởng cho biết đến khi nào người dân mới có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp, đến bao giờ Việt Nam có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ của thế giới?".
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi chất vấn các về vấn đề: Quản lý giá phân bón, xử lý tình trạng phân bón giả, kém chất lượng; xử lý vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu phía bắc; xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam...
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.
Theo Bộ trưởng, thị trường Trung Quốc đang ngày càng khó tính hơn nhưng nhiều năm chúng ta quen tư duy rằng thị trường này dễ tính.
Về thực tế Trung Quốc thay đổi biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chúng ta chậm thay đổi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhìn nhận có trách trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm thông tin để cho người dân biết. Bà con nông dân cũng chưa quan tâm đến lĩnh vực này, mặc dù Bộ cũng tổ chức rất nhiều đợt truyền thông và tập huấn.
Bộ trưởng cho rằng, về giải pháp không thể chỉ dung biện pháp truyền thông, chỉ có một cách duy nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức thị trường, tổ chức lại các hiệp hội ngành hàng để dẫn dắt thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Ngoại giao cũng xây dựng dự thảo thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc để chuyển dần xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam chủ yếu trao đổi với cư dân biên giới, muốn chuẩn hóa để đi sâu vào nội địa, thị trường cấp cao hơn còn rất nhiều giải pháp để chuẩn hóa lại.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hàng ngàn thông tin thay đổi biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm của các quốc gia trên thế giới đối với mặt hàng nông sản.
Như vậy trung bình một tháng gần 100 thay đổi biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm của các quốc gia, trong đó có những yêu cầu bắt buộc phải thực hiện ngay nhưng vẫn phải chấp nhận để chuẩn hóa nông sản của Việt Nam đáp ứng theo từng loại thị trường trong bối cảnh đầy sự thay đổi, thay đổi rất nhanh chóng. Chỉ có như vậy thương hiệu nông sản mới như đại biểu nêu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về thương hiệu nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thương hiệu khác nhãn hiệu.
Thương hiệu bao gồm nhãn hiệu và niềm tin của người tiêu dung, mà để có được niềm tin của người tiêu dung mới khó. Muốn xây dựng thương hiệu thì phải bắt đầu hệ sinh thái của ngành hàng, ví dụ ngành hàng thanh long của Long An, Bình Thuận.
"Phải xây dựng từ thương hiệu của doanh nghiệp, từ thương hiệu của hợp tác xã, của người nông dân… phải mất 10 năm, 15 năm mới hình thành một thương hiệu. Do đó, cần thay đổi tư duy cho thương hiệu nông sản, bắt đầu bằng hệ sinh thái ngành hàng, chứ không phải bắt đầu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Để khắc phục "điệp khúc được mùa mất giá" phải có sự vào cuộc đồng bộ
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) cũng đặt câu hỏi về tình trạng vật tư nông nghiệp tăng vào mùa vụ sản xuất, điệp khúc được mùa mất giá, người dân còn loay hoay trong việc tìm kiếm cây trồng, vật nuôi đáp ứng thị trường.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đặt câu hỏi về vấn đề "được mùa, mất giá" |
Đại biểu Hoa Ry nhấn mạnh, đây không phải là vấn đề mới và đã được chất vấn rất nhiều lần. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là điểm nghẽn của vấn đề này và bao giờ mới khắc phục được triệt để vấn đề này. Trong thời gian qua, có nhiều chính sách ban hành liên quan đến lĩnh vực này?
Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào các chính sách mới đi vào thực tiễn của cuộc sống để lĩnh vực nông nghiệp có thể góp phần phát huy được lợi thế, tiềm năng và góp phần phát triển kinh tế đất nước?
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn |
Trả lời câu hỏi của đại biểu về câu chuyện được mùa mất giá, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định đó là quy luật kinh tế; Cần phải có quy trình chế biến để giảm lượng dư thừa và chuẩn hóa thị trường, giảm áp lực thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận trách nhiệm về tiêu chuẩn, quy chuẩn trong công tác điều hành chuẩn hóa mặt hàng nông sản. Bộ đã giao cho các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại quy trình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, để tiết giảm chi phí đầu vào…
Bên cạnh công tác quản lý của Bộ thì rất cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Sự năng động của chính quyền địa phương thì sẽ giải quyết được vấn đề nhanh hay chậm.
Dẫn chứng câu chuyện nông sản của một số địa phương như cà rốt Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên, quả Vải ở Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ khi các địa phương vào cuộc một cách chủ động, thậm chí lãnh đạo địa phương trực tiếp đi tiếp thị xúc tiến thương mại thì hình ảnh lãnh đạo địa phương cũng chính là thương hiệu của nông sản địa phương.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại câu nói của một lãnh đạo Hải Dương từng nói "đất đai Hải Dương manh mún nhưng tư duy của người Hải Dương không được manh mún".
Nêu rõ bản chất nông nghiệp là rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, thị trường, khó định lượng, Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề là chúng ta dũng cảm, kiên trì cùng nhau đi và từ câu chuyện của Hải Dương hay của địa phương khác bắt đầu kích hoạt các địa phương còn lại.