Cần một chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số
Đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi góp phần phát triển bền vững và đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước
Bài liên quan
Bài 1: Đổi mới tư duy và những con số ấn tượng
Phát huy nội lực của cộng đồng các dân tộc, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh
Nhiều tiết mục đặc sắc tại đêm giao lưu văn hóa, văn nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số
Ra quân điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số
Cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án
Sắp diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Năm 2019, Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2019 để Chính phủ xem xét trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám (tháng 10/2019).
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, quan điểm đột phá của Dự thảo Đề án là phải đầu tư cho vùng dân tộc thiếu số, miền núi thay vì hỗ trợ như trước đây, bởi lẽ đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số chính là đầu tư cho phát triển bền vững và đảm bảo quốc phòng, an ninh của quốc gia.
Để thực hiện mục tiêu góp phần phát triển bền vững và đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, Dự thảo Đề án đặt ra một số mục tiêu phấn đấu đến 2025 rất cao như: Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 50%, tỷ lệ lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có việc làm với thu nhập ổn định trên 80%; trên 95% đường ở thôn, bản được bê tông hóa, cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 80% xã trở lên có cơ sở vật chất trường học đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, 94% người dân tộc thiểu số trong độ tuổi 15 đến hết tuổi lao động biết chữ; trên 75% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trên 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc thường xuyên, đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; trên 90% cán bộ, công chức xã có trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên, trong đó trên 60% có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên; trên 80% được bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo khung đối tượng 4; trên 96% hộ gia đình có phương tiện nghe, nhìn; trên 80% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh; trên 98% hộ gia đình được sử dụng lưới điện; 100% thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi có chi bộ độc lập làm hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở…
GS. Phan Xuân Sơn - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, Đề án có thể giải quyết được những vấn đề căn bản của vùng dân tộc thiểu số và miền núi nếu đạt được mục tiêu đề ra. Song muốn thực hiện được những mục tiêu này, theo PGS,TS. Nguyễn Văn Minh - Viện trưởng Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cần thiết kế chính sách dân tộc là một hợp phần độc lập trong hệ thống chính sách quốc gia.
Tham khảo ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, Ủy ban Dân tộc đang đề xuất cơ chế tích hợp toàn bộ 118 chính sách dân tộc thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, tập trung vào các giải pháp cơ bản về quy hoạch dân cư kết hợp với xây dựng kết cấu hạ tầng cấp xã, thôn bản phục vụ ổn định đời sống và phát triển sản xuất; chính sách đặc thù cho các dân tộc thiểu số rất ít người và các dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, phát triển nguồn nhân lực, các giải pháp tạo sinh kế, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp dựa trên sự đa dạng về văn hóa và khai thác lợi thế vùng, miền.
Ủy ban Dân tộc cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chuyển, bổ sung chức năng, nhiệm vụ từ một số bộ, ngành về Ủy ban Dân tộc quản lý như: định canh, định cư; chủ trì thẩm định cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến đồng bào dân tộc thiểu số; sắp xếp bố trí bộ máy để quản lý hiệu quả các đơn vị sự nghiệp của Ủy ban Dân tộc gồm cả các trường Phổ thông dân tộc nội trú vùng, trường dự bị đại học dân tộc, bảo tàng văn hóa các dân tộc và một số trường văn hóa nghệ thuật dân tộc thiểu số…
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2019, Dự thảo Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025 nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của các thành viên Chính phủ. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng: “Đề án này như là giải pháp cơ bản mà chúng ta đang còn thiếu hiện nay trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Từ trước đến giờ chúng ta đã có rất nhiều chính sách, rất nhiều chương trình, dự án dành cho khu vực này nhưng vẫn còn thiếu một nhạc trưởng điều phối chiến lược phát triển cho khu vực này một cách hiệu quả. Vì vậy, đây chính là giải pháp, là việc chúng ta cần phải ủng hộ làm ngay, thực hiện ngay”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia riêng dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi tích hợp được các chương trình, chính sách liên quan đến vùng là hết sức cần thiết để thu gọn đầu mối quản lý, đảm bảo việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Với sự ủng hộ cao của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các học giả, Ủy ban Dân tộc kỳ vọng nếu Dự thảo Đề án được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám với nhiều tư duy mới, đột phá sẽ tạo nên bước ngoặt lịch sử cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc ở nước ta.