Cần một "bàn tay sắt" để pháp luật được thực thi tại thị trấn Thanh Sơn
Sự việc bị ‘bại lộ’, lãnh đạo thị trấn Thanh Sơn lập tức tìm cách chữa cháy
Bài liên quan
Bắc Giang: Chủ tịch UBND thị trấn rút tiền ngân sách, Bí thư Đảng ủy có biết hay không?
Bắc Giang: Có dấu hiệu ‘ăn chia’ trong vụ rút tiền ngân sách
Bắc Giang: Lãnh đạo huyện Tân Yên tiếp tục "dính" sai phạm
Bắc Giang: Công an Sơn Động vào cuộc điều tra đường dây rút tiền ngân sách Nhà nước
Như chúng tôi đã có loạt bài phản ánh về việc Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang là ông Phạm Văn Thắng cùng với cấp dưới đã dùng những "thủ thuật" rút hàng trăm triệu đồng tiền ngân sách Nhà nước trái quy định trong một thời gian dài nhưng không bị xử lý.
Sau khi báo phản ánh, nhiều người dân bức xúc cho biết, vụ việc không chỉ khiến họ mất niềm tin với chính quyền mà còn khắc họa rõ nét hình ảnh "ông vua con" của thị trấn nghèo huyện Sơn Động đang "ngồi" trên pháp luật.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài việc phù phép hồ sơ chứng từ để rút tiền ngân sách, ông Thắng còn "coi thường" chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và Chủ tịch UBND huyện Sơn Động về việc thực hiện tăng cường phòng chống dịch bệnh và vệ sinh tiêu độc khử trùng.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Động đã chỉ đạo các xã, thị trấn mua 3 - 4 tấn vôi bột để sát trùng nhưng Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn lại không làm theo chỉ đạo |
Cụ thể, ngày 14/3/2017, Chủ tịch huyện Sơn Động có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động mua từ 3 - 4 tấn vôi bột để khử trùng những nơi công cộng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Giang còn hỗ trợ 350 lít hóa chất cho huyện. Trong đó, thị trấn Thanh Sơn được phân bổ 15 lít hóa chất để phun khử trùng.
Thế nhưng, ông Thắng đã không thực hiện chỉ đạo nêu trên và 14 ngày sau (tức ngày 28/3/2017) đã ký hợp đồng mua hóa chất diệt côn trùng của bà Vũ Thị Lan ở tỉnh Hải Dương với số tiền 38 triệu đồng.
Đến ngày 13/9/2017, không hiểu ông Thắng tiếp tục ký hợp đồng mua hóa chất cũng của bà Lan với số tiền 85 triệu đồng.
Thị trấn Thanh Sơn được huyện phân bổ 15 lít hóa chất nhưng ông Thắng lại ký hợp đồng mua hóa chất với một cá nhân ở Hải Dương nhằm mục đích gì? |
Đáng nói hơn, tại báo cáo số 46/BC-UBND ngày 12/7/2018 về quyết toán thu - chi ngân sách năm 2017 và thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2018 tại kỳ họp thứ 6, HĐND thị trấn Thanh Sơn khóa III, nhiệm kỳ 2016 - 2021 do ông Phạm Văn Thắng ký thì số tiền 113 triệu đồng không có trong các khoản chi năm 2017 để đại biểu HĐND biết và giám sát.
Trong khi đó, các khoản chi từ 10 triệu đồng cho đến hơn 100 triệu đồng chi cho Thể dục thể thao, Văn hóa, An ninh trật tự... đều được liệt kê đầy đủ
113 triệu đồng tiền mua hóa chất diệt côn trùng không có trong báo cáo thu - chi ngân sách năm 2017 mà UBND thị trấn Thanh Sơn trình Hội đồng nhân dân tại kỳ họp thứ 6 ngày 12/7/2018 |
Liên quan tới việc này, theo tìm hiểu của PV, ngày 29/7/2016, ông Nguyễn Văn Ánh – Bí thư Đảng ủy Thị trấn Thanh Sơn đã ký quyết định ban hành quy chế làm việc số 02-QC/ĐU nhiệm kỳ 2015 – 2020 quy định những vấn đề quan trọng phải đưa ra Đảng ủy thảo luận, quyết định.
Theo nội dung quy chế, Chủ tịch UBND thị trấn khi chi các khoản tiền trên 5 triệu đồng phải báo cáo Ban thường vụ Đảng ủy; chi trên 10 triệu đồng phải báo cáo Đảng ủy để thống nhất, thảo luận trước khi chi.
Tuy nhiên, trong vụ việc này, khi PV đã hỏi một số cán bộ là Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy thì họ hoàn toàn không biết việc ông Thắng ký hợp đồng mua bán và chi những khoản tiền như vậy trong năm 2017.
Vậy phải chăng Bí thư Đảng ủy Thị trấn Thanh Sơn và các Ủy viên Ban thường vụ đã bị ‘tê liệt’ hay cố tình ngơ để ông Thắng thích làm gì thì làm, rút tiền ngân sách vô tội vạ(?).
Phải chăng Đảng ủy thị trấn Thanh Sơn đã bị "tê liệt" khi không kiểm soát và nắm rõ được việc chi và rút tiền của ông Thắng |
Trước đó, chúng tôi đã phản ánh về việc ông Phạm Văn Thắng – Chủ tịch UBND Thị trấn Thanh Sơn cùng với cấp dưới “vẽ” ra hàng loạt hợp đồng ‘ma’ rút gần 300 triệu đồng ngân sách Nhà nước khiến người dân vô cùng bức xúc bởi sự liều lĩnh của những cán bộ nơi đây.
Cụ thể, năm 2017, ông Thắng đã ký kết hàng loạt hợp đồng khống mua bán với các cá nhân và với con dâu như hợp đồng mua bán hóa chất diệt côn trùng; sửa chữa nhà vệ sinh nam, nữ, mua thiết bị phục vụ hệ thống phát thanh, mua sắm đồ dùng và thiết bị phục vụ ủy ban...
Để "khép kín" hồ sơ, chứng từ rút tiền và có hóa đơn VAT, UBND Thị trấn Thanh Sơn phải trích lại 5% tổng giá trị hợp đồng cho bên bán thì sẽ được ký xác nhận để có một bộ hồ sơ "khống" hoàn chỉnh.
Trong vai 1 người cần tìm mua hóa đơn, chứng từ loại này, nhóm PV đã tiếp cận được với người làm việc này.
Năm 2017, tôi làm 2 mã (ký hợp đồng – PV) với bà Khanh ở UBND thị trấn Thanh Sơn và họ cũng phải trích lại 5% thì mới ký khống hợp đồng mua bán - Chủ cửa hàng máy tính Duy Hưng cho biết |
"Năm 2017, tôi làm 2 mã (ký hợp đồng – PV) với bà Khanh ở UBND thị trấn Thanh Sơn và họ cũng phải trích lại 5% cho tôi, sau khi Kho bạc chuyển tiền vào tài khoản thì tôi sẽ rút tiền trả lại hoặc chuyển khoản" – ông Hưng một đơn vị ký hợp đồng với UBND Thị trấn Thanh Sơn bật mí.
Bên cạnh những việc kể trên, cán bộ nơi đây còn làm giả các chữ ký của 6 trưởng thôn nhận đồ phòng chống bão lụt từ UBND thị trấn Thanh Sơn nhằm hoàn thiện hồ sơ, từ đó đi rút tiền trong kho bạc nhà nước.
Liên quan tới việc này, sau loạt bài của báo Tuổi trẻ Thủ đô, Bí thư Huyện ủy Sơn Động đã chỉ đạo UBKT Huyện ủy vào cuộc làm rõ những dấu hiệu vi phạm của Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn. Bên cạnh đó, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo thành lập tổ rà soát để kiểm tra lại toàn bộ các chứng từ rút tiền của UBND thị trấn Thanh Sơn năm 2017 theo như báo phản ánh.
Bao giờ công an Sơn Động có kết quả điều tra làm rõ những dấu hiệu sai phạm của Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn? |
Đáng nói hơn, theo người dân phản ánh, sau khi Báo Tuổi trẻ và Pháp luật đăng tải thông tin, lo sợ sự việc bị ‘bại lộ’, lãnh đạo UBND thị trấn Thanh Sơn ngay lập tức lắp đặt các thiết bị nhà vệ sinh trong phòng của Bí thư và Chủ tịch vào buổi tối và mua các thiết bị để vào nhà kho trong ủy ban theo các hợp đồng đã ký khống
Hiện Công an huyện Sơn Động đã vào cuộc điều tra và bước đầu thu giữ các chứng từ để làm rõ.
Câu hỏi đặt ra là những việc "gian dối" nhằm qua mặt cấp trên như vậy, các cơ quan chức năng huyện Sơn Động có biết hay chỉ khi báo chí nêu ra mới vội vàng vào cuộc. Phải chăng một bộ phận cán bộ đang bật ‘đèn xanh’ nhằm tạo điều kiện cho ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn dễ dàng thoát tội?
Trước đó, năm 2014, bố con ông Thắng đã phá 26.056m2 rừng tự nhiên được giao bảo vệ. Không những vậy, sau khi bị phát giác, ông Thắng đã lập ra giấy ủy quyền "ma" cho con trai để chối bỏ trách nhiệm vì khi đó ông Thắng đang là Chủ tịch UBND Thị trấn Thanh Sơn. Sau khi có kết luận, ông Thắng bị kỷ luật khiển trách, con trai bị cảnh cáo cả về mặt Đảng lẫn chính quyền.
(Còn nữa)