Cần cấp đông thịt lợn dự trữ, tránh bất ổn cung cầu
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra phương án cấp đông thịt lợn dự trữ, tránh bất ổn cung cầu trong thời gian tới
Bài liên quan
Chấn chỉnh ngay hiện tượng lơ là, chủ quan với dịch tả lợn châu Phi
Tiêu hủy toàn bộ thực phẩm hết hạn không để tiêu thụ trên thị trường
Nam Định: Rùng mình khi tiêu hủy lợn "5 không" tại xã Tân Thịnh
Dịch tả lợn Châu phi tiếp tục lây lan phức tạp trên địa bàn Hà Nội
Nhận định về tình hình dịch tả lợn Châu Phi hiện nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Tình hình dịch tả lợn Châu Phi như hiện nay có thể coi là thảm dịch, cần phải được ứng xử bằng một nguồn lực tương xứng. Trong thời gian tới, nếu không làm tốt công tác phòng chống bệnh, dịch tả lợn Châu Phi sẽ tiếp tục lây lan, phát triển khá nhanh theo ba hướng: Thứ nhất, những nơi đã bị dịch rồi sẽ tái bị; thứ hai, dịch lan rộng từ vùng có dịch đến những vùng chưa có dịch; thứ ba, dịch lây lan phát triển vào các hộ chăn nuôi lớn hiện vẫn cầm cự được.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất cụ thể. Theo đó, về cơ chế tài chính, cần tích cực tổ chức thu mua thịt sạch để có lượng thực phẩm sạch dự trữ, giảm tải nguy cơ rủi ro, đồng thời đề phòng bất ổn thị trường nếu 1 đến 2 quý nữa tình hình dịch bệnh xảy ra diện lớn. Ban chỉ đạo đề xuất giao Bộ Công Thương họp ngay với các đầu mối lớn có đủ cơ sở vật chất, liên kết, phân phối... để triển khai vấn đề này. Bộ trưởng cho rằng, đây là một trong những giải pháp rất phù hợp tình hình hiện nay nhằm giảm thiệt hại, giảm nguy cơ, rủi ro, chống bất ổn CPI.
Giải pháp cấp đông thịt lợn sạch nhằm đảm bảo nguồn cung thịt trong thời gian sắp tới cũng được các địa phương đề xuất để giảm áp lực tiêu hủy, giảm thiệt hại cho nông dân đối với những nơi chưa có dịch. Trong tình hình hiện nay, để đảm bảo bình ổn thị trường, cần đảm bảo đưa thịt lợn sạch được tiêu thụ, tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn. Bên cạnh đó, cần huy động hệ thống thương mại lớn vào cuộc tiêu thụ thịt heo, ví dụ như cách làm của tỉnh Hưng Yên, mời các siêu thị, bếp ăn tập thể ký kết tiêu thụ thịt lợn cho nông dân là một cách làm hay.
Để có giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp và hiệu quả hơn, cần tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và toàn hệ thống chính trị trong việc tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, sẽ gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp, môi trường và đời sống của người dân.
Nhằm hỗ trợ các hộ dân chăn nuôi, trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp, khả thi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy; hướng dẫn các địa phương thành lập và xây dựng các trạm kiểm dịch quốc gia bảo đảm các yêu cầu kiểm soát vận chuyển động vật tại các địa phương trọng điểm trên trục quốc lộ Bắc Nam.
Bênh cạnh đó, chủ trì phối hợp với địa phương bộ ngành chỉ đạo tái cấu trúc ngành chăn nuôi nói chung, trong đó tái cấu trúc ngành chăn nuôi lợn, tạo ra sản phẩm sạch, sản xuất tập trung, kiểm soát tốt, đồng thời có sản phẩm thay thế sản phẩm chăn nuôi thiếu hụt. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm.