Bức thư gửi con gái trước kỳ thi tốt nghiệp THPT của nữ điều dưỡng tuyến đầu chống dịch
Câu chuyện về bức thư của bác sĩ nữ điều dưỡng Phạm Thúy Hạnh (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) gửi tới con gái lớn của mình trước khi cô bé bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT nhận được nhiều tình cảm của cộng đồng trong những ngày gần đây.
Từ trong tâm dịch, điều dưỡng Phạm Thúy Hạnh đã viết thư cho con gái của mình để để động viên, an ủi con gái trước kỳ thi quan trọng trong cuộc đời với tấm lòng của người mẹ.
Nữ điều dưỡng Phạm Thúy Hạnh (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) |
“Gửi con gái yêu của mẹ! Thời gian trôi qua thật nhanh! Mới ngày nào mẹ sinh con vào đúng đợt Việt Nam có dịch SARS, vậy mà đã 18 năm rồi đấy. Năm nay con đã là cô nữ sinh lớp 12, đáng lẽ mẹ sẽ phải dành nhiều thời gian hơn cho con. Nhưng vì công việc, vì sức khỏe và sự an nguy của nhiều người khác, nên mẹ không thể ở bên con được. Mẹ nhớ và thương con nhiều lắm, vì con gái của mẹ phải chịu thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa”, chị Hạnh mở đầu bức thư.
Nữ điều dưỡng tiết lộ chị tham gia chăm sóc bệnh nhân Covid-19 từ năm 2020. Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang có khoảng gần 50 bệnh nhân Covid-19, phần lớn có mức độ bệnh lý từ trung bình đến nặng. Sau thời gian điều trị, vài người đã âm tính nhưng tình trạng vẫn nguy hiểm.
Lực lượng trực chiến ở đây chỉ có 25 người gồm 5 bác sĩ và 20 điều dưỡng, việc chăm sóc bệnh nhân ngày đêm rất vất vả. Ca làm việc của chị Hạnh thường bắt đầu từ trưa, kéo dài tới 19h30. Một ngày làm việc trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 rất khác bình thường, theo chế độ 3 ca 4 kíp. Mỗi ca kéo dài khoảng 8 tiếng, luân phiên thay đổi nhân viên.
Vậy nhưng hết ca không có nghĩa là chị được rời nhiệm vụ. Số lượng bệnh nhân đông, chị và các đồng nghiệp sẽ mặc quần áo bảo hộ, sẵn sàng làm việc bất cứ khi nào cần tăng cường. Họ luôn phải để ý xem bệnh nhân thiếu gì, cần gì để hỗ trợ kịp thời.
Tuy vất vả như vậy nhưng việc được góp sức mình vào cuộc chiến của đất nước giúp chị phần nào vơi bớt đi nỗi nhớ nhà và sự lo lắng cho cô con gái chuẩn bị bước vào những ngày quan trọng.
Chị Hạnh phải rời xa gia đình để làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch |
Theo chia sẻ của chị, 2 năm học cuối cấp của con gái chị là 2 năm không được hưởng trọn vẹn những niềm vui của tuổi học trò. Thay vì bên nhau đến những thời khắc cuối cùng của thời học sinh trong lễ trưởng thành, lễ Bế giảng năm học… thì con gái của chị và các bạn học sinh khác chỉ có thể ở nhà, nhìn nhau qua màn hình máy tính và tặng nhau những lời chúc online.
Chị thương con gái chỉ vì dịch bệnh mà phải học trực tuyến, ôn tập trực tuyến và thi thử cũng trực tuyến. Có lẽ đó sẽ là những ngày tháng không thể nào quên trong cuộc đời của cả chị và con gái. Bởi thế nên chị càng thương con gái hơn, thương cả lứa tuổi học trò sắp phải chia tay mái trường rồi mà chưa kịp viết lưu bút, chưa chụp được những bức ảnh kỷ yếu làm kỷ niệm.
Không được ở bên con những ngày này, thương con, nhớ con và lo lắng cho con là những cảm xúc mà bất kỳ bà mẹ nào cũng sẽ trải qua trong cuộc đời. Chị thương con gái mình vì không có được sự đồng hành của mẹ trong những ngày này giống như các bạn khác.
“Con biết không, cứ mỗi lần có tin báo có điểm thi thử là mẹ lại nghẹn ngào, nước mắt chỉ trực tuôn ra. Vì mẹ biết giây phút ấy con của mẹ sẽ hồi hộp, lo lắng biết nhường nào. Cũng chính giây phút đó, mẹ nghĩ sau những lo lắng, hồi hộp, con sẽ biết rõ bản thân mình hơn. Biết điều chỉnh, cố gắng để vượt qua thử thách lớn đầu tiên trong cuộc đời. Và cảm xúc khi về đích sẽ tuyệt vời biết bao”.
Điều dưỡng Hạnh cũng chia sẻ chia sẻ, có nhiều đồng nghiệp, gia đình vất vả hơn nên có khó khăn đến đâu, chị cũng sẽ cố gắng vượt qua. Chị mong rằng sẽ cứu được nhiều bệnh nhân Covid-19, giúp họ nhanh chóng bình phục và trở về với cuộc sống bình thường.
Thông qua bức thư, chị muốn gửi gắm tới con gái là chị hiểu cô bé đã phải nỗ lực, cố gắng và vượt qua những khó khăn trong việc ôn luyện cũng như tinh thần như thế nào. Chị luôn tin chính những khó khăn, trở ngại đó sẽ giúp cô bé luôn mạnh mẽ, nghị lực và quyết tâm hơn bao giờ hết.
Cuối thư, nữ điều dưỡng viết: “Con hãy luôn tự hào về những gì con đã cố gắng, cũng như nền tảng vững chắc con có được. Hãy tự tin bước vào cuộc thi với tâm thế tốt nhất con nhé. Cho dù kết quả có ra sao thì bố mẹ vẫn luôn ủng hộ và luôn bên con.
Mẹ chúc con gái của mẹ:
“Yêu trong cuộc sống
Trẻ trong tâm hồn
Đẹp trong lý tưởng
Trưởng thành trong tương lai
Lâu dài trong tình bạn
Thành công trên con đường lựa chọn. Và đạt được những điều con mong muốn nhé. Mẹ mãi yêu con!”.