Bất thường về "thị phần" kinh doanh nước sạch ở Bắc Giang
Chuyện "ưu ái" doanh nghiệp này, ép buộc doanh nghiệp kia để làm giảm đi tính cạnh tranh, công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau không phải hiếm trên thương trường.
Trong lĩnh vực kinh doanh nước sạch cũng vậy. Làm thế nào để chiếm được thị phần cung cấp nước sạch nhiều nhất luôn là mục tiêu số 1 của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Tại tỉnh Bắc Giang, Công ty cổ phần nước sạch Bắc Giang là một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành nước. Năm 2018, lợi nhuận sau thuế của đơn vị này là 6,762 tỷ đồng, tổng doanh thu 128 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2019, doanh nghiệp này chỉ dám đặt mục tiêu doanh thu là 140 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3,2 tỷ đồng.
Công ty cổ phần nước sạch Bắc Giang với 85% phần vốn Nhà nước đang phải tự làm mình "suy yếu" |
Vậy tại sao một doanh nghiệp có mạng lưới bán lẻ rộng khắp, được nhiều khách hàng tin dùng, được đầu tư bài bản nhưng lại chỉ dám đặt mục tiêu “khiêm tốn” như vậy?
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi cổ phần hoá, vốn điều lệ của Công ty cổ phần nước sạch Bắc Giang tăng từ hơn 145 tỷ đồng lên gần 182 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm hơn 85%, còn lại là cổ phần của người lao động và nhà đầu tư bên ngoài. Chủ tịch HĐQT, người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty này là ông Hướng Xuân Công.
Đến tháng 10/2018, Công ty cổ phần nước sạch Bắc Giang đã phải ký hợp đồng mua bán buôn nước sạch với Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP - Bắc Giang với khối lượng mua là 10.000m3/ngày đêm; Từ năm 2019 đến năm 2020, cam kết mua bình quân 20.000m3/ngày đêm.
Đơn vị này phải ký hợp đồng mua bán buôn nước sạch với Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP - Bắc Giang với khối lượng mua là 10.000m3/ngày đêm; Năm 2019 và 2020 cam kết mua bình quân 20.000m3/ngày đêm |
Với “cam kết” này, theo một báo cáo của Ban giám đốc sẽ làm tăng chi phí sản xuất nước, giảm lợi nhuận… khiến đời sống người lao động bị ảnh hưởng.
Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Bắc Giang chia sẻ với báo chí: Công suất nhà máy là 35.000m3/ngày đêm, hiện đang phải cắt giảm gần 1 nửa sản lượng vì phải mua 20.000m3/ngày đêm từ Công ty nước sạch DNP - Bắc Giang với giá 5.500 đồng/m3 nước (đã bao gồm VAT).
Câu hỏi đặt ra là tại sao năng suất khai thác nước sạch của công ty này thừa khả năng cung ứng nước cho người dân trên địa bàn nhưng nay phải tự “bẻ chân” của mình để mua buôn nước của một doanh nghiệp khác, khiến khả năng lợi nhuận năm 2019 sụt giảm nghiêm trọng?.
Doanh nghiệp này đang đối mặt với nhiều "khó khăn" và thách thức |
Với 85% phần vốn Nhà nước tại Công ty, trong khi khả năng lợi nhuận sẽ giảm, như vậy có thể thấy việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước sẽ mang lại lợi nhuận thấp trong thời gian tới.
Tất nhiên, do phần vốn Nhà nước đang chiếm 85% nên UBND tỉnh Bắc Giang có quyền quyết định các quyết sách quan trọng - đó là việc mua lại nước của một doanh nghiệp khác dẫn đến việc phải tự cắt giảm công suất kèm lợi nhuận của chính mình. Trong khi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào xây dựng hệ thống bể chứa, mở rộng mạng lưới…
Phải chăng Công ty cổ phần nước sạch Bắc Giang đang tự làm mình “yếu” đi?.
(Còn nữa...)