Bài 3: Nghệ nhân giữ sức sống làng nghề ngay tại sân nhà
Bài 1: Nghệ nhân già bền bỉ với nghệ thuật độc đáo hát múa Ải Lao |
Bài 2: Cùng sân khấu thu nhỏ, con rối Việt đi khắp năm châu |
Rải rơm vàng đón những khách đường xa
Những ngày mùa hè nóng nực này, bước chân vào làng cổ Đường Lâm, một làng quê Việt với khung cảnh điển hình đã làm du khách mát dịu cõi lòng. Đi vòng qua các bức tường đá ong, ngắm giếng cổ, chum tương… rồi vào Phát Studio, khách đường xa như gặp lại tuổi thơ với cả một vùng trời ký ức.
Vùng trời kí ức tuổi thơ Phát Studio của nghệ sĩ Nguyễn Tấn Phát tại làng cổ Đường Lâm |
Nguyễn Tấn Phát đã mang rơm vàng trải đầy sân. Trên những cọng rơm thơm mùi nắng mới, những con trâu, con nghé ngoảnh đầu vẫy đuôi. Tượng trâu, tượng mèo, những con vật quen thuộc đã thành hình hay các khúc gỗ còn chờ bàn tay người đục đẽo tạo tác… Một không gian của nghệ thuật toát lên trong từng chi tiết, hình khối.
Khách đường xa sẽ gặp ông chủ nhà râu ria lởm chởm, khi thì vác chiếc chổi ngồi chồm chỗm trên lưng một chú hổ, rất hồn nhiên ngây thơ, khi thì lăng xăng chạy đi chạy lại phục vụ các “thượng đế nhí”.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát |
Nghỉ hè, đó là lúc lớp truyền nghề mỹ thuật truyền thống miễn phí vào mùa tấp nập. Các em nhỏ hào hứng và tích cực tham gia hoạt động trải nghiệm “Chuỗi ngày hoạt động yêu thương”. Cặm cụi tô tô vẽ vẽ, được “ông chú” nghệ nhân nhiệt tình hướng dẫn giảng giải xong, cầm trên tay tác phẩm đã hoàn thiện của mình, em nào cũng rạng ngời thích thú. Suốt từ đầu mùa hè đến nay, nhiều lứa thiếu nhi được biết đến nghệ thuật sơn mài, được tiếp xúc và thấy được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật sơn mài truyền thống của dân tộc ta.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát hướng dẫn các học viên nhí tại lớp học miễn phí |
“Chuỗi ngày hoạt động yêu thương” không chỉ dành cho các em thiếu nhi mà là hoạt động giúp cho tất cả du khách đến đây được thỏa mãn đam mê sáng tạo. Trong đó, khi tham gia hoạt động làm tranh in khắc gỗ, khách du lịch sẽ được hướng dẫn và trải nghiệm các kỹ thuật và kỹ năng cần thiết để hoàn thành tác phẩm của mình. Thông qua hoạt động này, mỗi người phát triển tư duy sáng tạo, giao lưu kết bạn với người dân địa phương, tạo thêm niềm vui và những kỉ niệm khó quên khi đến với mảnh đất xứ Đoài.
Cái “lãi” mà Nguyễn Tấn Phát thu được là từ con đường rơm ấy, hơn 10 năm qua, mấy trăm học viên là trẻ nhỏ, người lớn tại Đường Lâm hoặc đến từ khắp nơi trên đất nước mình và cả du khách nước ngoài, mỗi người sẽ mang theo về nụ cười hiền lành của người nghệ sĩ tâm huyết với nghề; Mang theo trong mình những dấu ấn khó phai với Đường Lâm và nhen nhóm những kí ức về sơn mài, tranh khắc gỗ…
Đó là điều nghệ sĩ Nguyễn Tấn Phát hướng đến. Đường Lâm nếu mãi mãi chỉ là nhà cổ, là chum tương, là tường đá ong, giếng làng, là người dân hồn hậu... thì liệu sẽ có bao nhiêu người đến rồi quay trở lại? Đường Lâm còn cần phải có những hoạt động thu hút, những không gian sáng tạo và nhiều những nơi như Phát Studio, Đoài creative… để khai thác, phát huy hết tiềm năng ẩn giấu, mang đến nhiều trải nghiệm phong phú hơn nữa cho khách đến thăm.
Hạt mầm gieo vào kí ức
Xứ Đoài - nơi một đời anh yêu thương cần thêm những nét vẽ của những người tâm huyết, có phương tiện truyền tải trong tay để tô thêm vẻ đằm thắm, ngày càng nhuận sắc. Cũng như anh, được nhem nhóm tình yêu với sơn mài từ bé để rồi giờ đây sống một đời với sơn mài.
Không vô tình mà hữu ý, mỗi một hạt mầm kí ức gieo vào chúng ta hôm nay sẽ là những cái cây vững chãi trong tương lai. Tình yêu với nghệ thuật truyền thống cũng thế, để có sự nối tiếp và phát triển cần thiết tạo thành những thế hệ kế cận và lan tỏa.
Những tác phẩm Nguyễn Tấn Phát tạo ra có ứng dụng cao trong cuộc sống |
“Sự hoài niệm có thể giúp tôi gắn kết với quá khứ và với những người đã từng có vai trò quan trọng trong cuộc đời. Những câu chuyện tôi kể lại trên những khúc gỗ cho phép tôi nhớ lại những kỷ niệm đáng quý và tạo ra một cảm giác gần gũi và yêu thương với những người đã đi trước”, Nguyễn Tấn Phát tâm sự như thế. Cái tự sự của anh mang đầy sự sáng tạo và tâm hồn bay bổng của người nghệ sĩ tụ hình trên những tác phẩm. |
Ngồi bệt trên thảm rơm vàng, Nguyễn Tấn Phát trầm ngâm tâm sự: “Là một nghệ sĩ, nghệ nhân sống trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, tôi hiểu được giá trị đặc biệt của vùng đất này. Sau quá trình học tập tại môi trường chuyên nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, được giao lưu, tham gia nhiều hiệp hội làng nghề, bạn bè trong nhiều lĩnh vực, tôi học hỏi được nhiều và hiểu rằng văn hóa của mỗi miền là một nét riêng, có những câu chuyện riêng.
Văn hóa được hình thành từ nếp sống, địa lý, địa chất, thổ nhưỡng mỗi vùng đất. Vì thế, không thể có vùng đất nào giống hệt vùng đất nào. Chúng ta ở mỗi nơi hoàn toàn có thể phát huy hết năng lực và những giá trị riêng bởi thực sự chỉ có những con người sinh ra, lớn lên, dành trọn cuộc đời cho nơi ấy thì mới có thể thấu hiểu, phát huy hết những giá trị đó”.
Với suy nghĩ sâu xa như vậy, anh đã mang rất nhiều hình ảnh của địa danh Đường Lâm, Sơn Tây vào những tác phẩm đầy tính nghệ thuật như những bức tượng sơn mài làm trên gỗ kết hợp với đá ong hoặc những bức tranh sơn mài. Những tác phẩm vừa mang hồn cốt xứ Đoài, vừa giúp gìn giữ, quảng bá nguồn cội, trầm tích văn hóa của xứ này.
Được bồi đắp tình yêu với di sản, với sơn mài từ những năm theo ông nội và bố trùng tu di sản khắp các đền đài miếu mạo xứ Đoài và sau này, khi đi học đại học, anh từng làm thêm tại cửa hàng trang sức trên phố cổ nên có hiểu biết về thị hiếu khách nước ngoài. Đó là cơ sở để khi sản xuất ra những sản phẩm của riêng mình, anh đa dạng hóa kiểu dáng và kích thước, ứng dụng cho những tác phẩm đó nhằm tiếp cận dễ dàng với công chúng trong và ngoài nước.
Du khách nước ngoài thích thú với tác phẩm tự tay mình làm ra |
Ngoài đặc trưng của vùng miền, trên mỗi tác phẩm, anh đều gửi gắm vào đó những câu chuyện riêng. Từ đó, người dùng hay du khách đến vùng đất này sẽ dành nhiều thời gian nghe và hiểu thêm về văn hóa bản địa thông qua những tác phẩm.
Cũng như nhiều nơi, Đường Lâm đang thiếu những sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn địa phương đặc trưng để quảng bá hình ảnh của mình sâu rộng hơn nữa. Nghệ sĩ Nguyễn Tấn Phát đang từng ngày nâng tầm du lịch Đường Lâm, Sơn Tây xứ Đoài bằng chính sự sáng tạo và tâm huyết của mình.
Có lẽ, với nghệ sĩ, ngoài sự sáng tạo thì cần phải có tư duy và quan niệm khác lạ với số đông. Nguyễn Tấn Phát cũng vậy. Theo anh, hội nhập không nhất thiết phải đưa sản phẩm đi khắp năm châu. Muốn như thế thì ngay tại “sân nhà”, các sản phẩm ấy trước hết phải được hiểu, được yêu chuộng và người làm nghề, người làng nghề phải sống được, sống khỏe đã. Cái cây gốc rễ phải xum xuê vững chắc thì mới có thể tìm mọi cách để vươn xa, tỏa bóng được.
Bằng quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh, những sản phẩm Phát làm ra rất gần gũi với người dùng và mang nhiều tiện ích. Như anh nói: “Có lẽ tôi là người khá tham vọng nên những sản phẩm của tôi vừa là những tác phẩm nghệ thuật, có thể đặt trong không gian nghệ thuật và cũng có khi là những sản phẩm mini, hộp đựng đồ, là những thứ ai cũng có thể sử dụng trong cuộc sống thường ngày”.
Điều đó mở rộng biên độ sử dụng của sản phẩm, để nó hiện hữu trong đời sống, giúp người dùng nhớ thêm về gốc gác của món đồ chứ không còn đóng đinh trong vai trò là quà lưu niệm nữa.
Không gian tràn ngập những tác phẩm nghệ thuật từ sơn mài của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát |
Đó là một cách anh tiếp cận và làm ra những sản phẩm phục vụ công nghiệp văn hóa của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Dùng văn hóa bản địa để đưa vào phục vụ lĩnh vực thương mại, du lịch góp phần phát triển kinh tế, truyền cảm hứng, tạo dựng được nghề nghiệp cho những bạn trẻ trên quê hương của mình.
Anh Phát tâm sự, trong tương lai, anh mong muốn tạo nhiều cảm hứng, truyền được nhiều nghề hơn cho các bạn trẻ xung quanh có sở thích yêu quý sơn mài và hội họa.
“Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng ra các chất liệu liên quan đến gốm, mây tre đan. Đó đều là những nghề đã từng tồn tại ở Đường Lâm nhưng phát triển manh mún và có lúc đứt đoạn. Đây cũng là cách tôi khơi dựng lại nghề nghiệp, tạo thêm sinh kế cho người dân trong vùng và hơn nữa đó là những “chất dẫn” để bản thân người địa phương cũng như du khách hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của vùng đất này”.
Nghệ sĩ Nguyễn Tấn Phát là chủ nhân của nhiều công trình thiết kế sản phẩm du lịch của các tỉnh thành trên cả nước và đạt nhiều giải thưởng. Năm 2017, anh được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”. Anh cũng 2 lần đạt: “Giải Nhất thiết kế mẫu thủ công mỹ nghệ Hà Nội” các năm 2014, 2019; “Giải Khuyến khích Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc” năm 2019. Tác phẩm “Cổng di sản Thăng Long” đạt giải “Thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022” là một bộ sản phẩm quà tặng riêng của Hà Nội mang đầy nét vàng son di sản của mảnh đất ngàn năm văn hiến. |
(Còn nữa)