Bài 2: Sai phạm hàng tỷ đồng trong quản lý, sử dụng đất tại VEAM
Bài liên quan
Tổng Giám đốc Veam cùng thuộc cấp bị khởi tố
Sự nghiệp của nguyên Tổng Giám đốc VEAM Trần Ngọc Hà trước khi bị bắt
Theo đó, qua thanh tra, Bộ Công thương phát hiện khu đất 25A Vũ Ngọc Phan, quận Đống Đa, Hà Nội (Viện Công nghệ); quản lý lô đất 27B Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội (Viện Công nghệ), VEAM và Công ty TNHH Một thành viên Máy kéo và Máy nông nghiệp (TAMAC) chưa thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định để đảm bảo việc di dời nhà máy và khai thác đầu tư xây dựng dự án theo quy định.
Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo chưa xin ý kiến của VEAM/Chủ tịch Công ty khi ký kết phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại 18 Tam Trinh, tài sản nhà nghỉ Sầm Sơn gây thiệt hại số tiền hơn 6,8 tỷ đồng giá trị được xác định lại để cổ phần hóa của nhà nghỉ Sầm Sơn.
Trụ sở VEAM. |
Qua thanh tra, Bộ Công thương cũng phát hiện một số khu đất quản lý không đúng quy định dẫn đến nguy cơ thất thoát, mất tài sản như: Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo (khu đất số 18 Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội; khu đất 18 Đoàn Trần Nghiệp; khu đất A8/ODK1 có diện tích khoảng 3,4 ha thuộc dự án khu đô thị mới Nam hồ Linh Đàm; hồ sơ khu đất tại thửa 348 bản đồ số 2 tại 168 đường Ngô Quyền, Bắc Sơn, Sầm Sơn, Thanh Hóa; Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công - DISOCO (thửa đất số 404, tờ bản đồ số 46, số 70 Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6, TP HCM (diện tích 94m2); khu đất 1,224m2 thuộc thửa đất số 14, bản đồ số 35-VII tại Sông Công, Thái Nguyên).
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng phát hiện Nhà máy ô tô VEAM (VM) không thực hiện kê khai bổ sung Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp khu đất số BU 696245 dẫn đến nộp thiếu tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho 2.354,9 m2 với tổng tiền từ năm 2014 đến năm 2018 là hơn 6,3 triệu đồng.
Theo Bộ Công thương, trách nhiệm chính về các sai phạm trên thuộc về ông Nguyễn Thành Giang (Tổng giám đốc 2010-2011); ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc 2011-2015); ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014, Tổng giám đốc 2015-2018), ông Bùi Quang Chuyện (Chủ tịch 2015 đến nay), Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Người đại diện vốn Nhà nước, Ban Kiểm toán, Kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, Ban giám đốc các đơn vị thành viên, Trưởng các phòng ban và các cá nhân, đơn vị có liên quan.
Trước đó, như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, về công tác quản lý, sử dụng tài sản, Bộ Công thương đã phát hiện việc lưu trữ hồ sơ không đầy đủ các tài liệu liên quan đến quản lý tài sản, vốn đầu tư tại: VEAM; Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo; Nhà máy ô tô VEAM (VM). Thiếu hồ sơ điều chuyển tài sản: VEAM, VM (tài sản mua từ nhà máy ô tô Hàn Quốc), Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công - DISOCO (tài sản điều chuyển từ VEAM); Trần Hưng Đạo (tài sản hình thành tại các dự án).
Bên cạnh đó, công tác kiểm kê tài sản chưa đầy đủ, không chính xác: VEAM; Viện Công nghệ; Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy ô tô VEAM; Công ty TNHH Một thành viên Máy kéo và Máy nông nghiệp (TAMAC). Mất tài sản: 1 ô tô Fortuner với nguyên giá 1 tỷ đồng. Ghi nhận tài sản nhưng không qua kiểm kê: Năm 2013, VM nhận tài sản cố định vào hoạt động nhưng VEAM và VM không thực hiện kiểm kê tài sản để ghi nhận chi tiết tài sản của nhà máy cũng như tổng giá trị tài sản mà nhà máy được bàn giao, giá trị tài sản cố định là 652,9 tỷ đồng.
Qua thanh tra, Bộ Công thương cũng phát hiện việc tính và trích khấu hao tài sản không đúng quy định: DISOCO thực hiện khấu hao nhanh trong năm 2010 với giá trị khấu hao cao hơn khấu hao một lần là 6,16 tỷ đồng. Nhà máy ô tô VEAM năm 2010 trích thiếu khấu hao hơn 3,6 tỷ đồng, năm 2011 chưa trích khấu hao 6,9 tỷ đồng, năm 2012 chưa trích khấu hao 8,7 tỷ đồng. DIOCO năm 2017 trích khấu hao cao hơn khấu hao một lần là 10,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Đoàn thanh tra Bộ Công thương cũng phát hiện việc mua sắm ô tô không thực hiện đúng quy định: Từ năm 2010 đến 2015, VEAM đã mua xe ô tô sai quy định, tổng số tiền mua vượt quy định là 2,6 tỷ đồng. Trong năm 2016, VEAM mua xe ô tô Toyota Landcruiser cao hơn mức quy định chi phí xe hợp lý của Bộ Tài chính số tiền 991 triệu đồng, xe ô tô Honda Odyssey là 209 triệu đồng. VEAM thực hiện mua xe nhưng không tiến hành mua theo hình thức đấu thầu theo quy định với tổng số tiền hơn 8,7 tỷ đồng.
Qua thanh tra, Bộ Công Tthương cũng phát hiện việc thanh lý tài sản chưa đúng quy định: Chi nhánh VEAM tại Bắc Kạn; thanh lý nhà xưởng, vật kiến trúc đã qua sử dụng để thực hiện việc giải phóng mặt bằng bàn giao cho Công ty TNHH Đầu tư RITM-MEKONG thực hiện không đúng quy định; TAMAC thực hiện thanh lý tài sản các năm trước năm 2018 không đúng quy định.
Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng tài sản hiệu suất sử dụng không cao, gây lãng phí: Xưởng cao nghệ cao mới đạt 30% hiệu suất tại Công ty cơ khí Trần Hưng Đạo; dự án đầu tư dây chuyền sản xuất động cơ xăng 6+8 HP tại DISOCO; VEAM đầu tư dự án sản xuất động cơ 100-400 HP, DISOCO tiếp nhận tài sản dự án nhưng không thể sử dụng và phải chịu khấu hao vô ích trong giai đoạn năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
Theo Bộ Công thương, trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thành Giang (Tổng giám đốc 2010-2011); ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc 2011-2015); ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014, Tổng giám đốc 2015-2018), ông Bùi Quang Chuyện (Chủ tịch 2015 đến nay), Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Người đại diện vốn Nhà nước, Ban Kiểm toán, Kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, Ban giám đốc các đơn vị thành viên, Trưởng các phòng ban và các cá nhân, đơn vị có liên quan.
Sau khi thanh tra, Bộ Công thương đã yêu cầu VEAM, các đơn vị liên quan tiến hành làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm, thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các nội dung kết luận thanh tra và gửi báo cáo về Bộ trước ngày 10/8/2019.
Với mong muốn tìm hiểu việc xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm cũng như việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại kết luận thanh tra, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ với VEAM để làm việc nhưng chưa nhận được phản hồi.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an (C03) đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ các vi phạm pháp luật xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 3/8/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam và một số đơn vị thành viên.
Cùng ngày, CO3 đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với: Ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; ông Lâm Chí Quang, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; ông Vũ Từ Công, Phó Tổng Giám đốc VEAM và Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn máy kéo nông nghiệp.
Các bị can bị bắt để điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Điều 219 Bộ Luật hình sự năm 2015 và áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt bị can để tam giam đối với 03 bị can Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang và Nguyễn Mạnh Chung; Áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Vũ Từ Công.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh tố tụng nêu trên, ngày 3/8/2019, C03 đã tống đạt các Quyết định khởi tố bị can và thi hành Lệnh bắt bị can để tam giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét đối với 4 bị can đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Hiện C03 đang khẩn trương điều tra, xác minh truy tìm tài sản để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.